TTCT - Khi trẻ 6 tuổi, răng cối vĩnh viễn thứ nhất (răng số 6) sẽ mọc. Đó là thời điểm mà quan sát tương quan giữa xương hàm trên và xương hàm dưới sẽ thấy rõ những thay đổi so với thời thơ ấu trước đó.
Mọc răng đôi khi khởi đầu những diễn tiến bất lợi đối với sự tăng trưởng tự nhiên của xương hàm, cần được chẩn đoán và điều chỉnh sớm để giúp bé có thể điều chỉnh hướng tăng trưởng phù hợp.
Sự tăng trưởng của xương hàm không chỉ ảnh hưởng đến sự sắp xếp thẳng hàng của các răng, mà còn biểu hiện thẩm mỹ tầng dưới mặt qua tương quan theo chiều trước sau của mũi - môi - cằm và đó là nét mặt nhìn nghiêng của trẻ.
Những nguyên nhân nào dẫn đến sự phát triển bất hài hòa giữa xương hàm trên và xương hàm dưới? Sự tăng trưởng của xương hàm bị tác động bởi hai yếu tố:
Di truyền: Trẻ ảnh hưởng từ bố hoặc mẹ về kích thước, hình dạng của xương hàm trên và xương hàm dưới cũng như vị trí theo chiều trước sau của xương.
Nếu xương hàm trên nhô ra trước nhiều hơn so với xương hàm dưới, tình trạng này được gọi là hô xương và sẽ kéo theo hô răng. Ngược lại, nếu xương hàm dưới phát triển về phía trước và dài hơn xương hàm trên, trẻ sẽ bị móm xương và kéo theo là móm răng.
Dấu hiệu nhận biết là thấy trẻ bị cắn ngược vùng răng trước (răng hàm dưới phủ ra ngoài răng hàm trên).
Sự khác biệt về chiều trước sau của xương hàm trên và xương hàm dưới càng nhiều thì mức độ hô xương hoặc móm xương càng nặng, trẻ sẽ có khuôn mặt kém thẩm mỹ.
Những ảnh hưởng từ môi trường: Suốt thời thơ ấu, trẻ có thể có một số thói quen không tốt, dẫn đến lệch lạc về răng hoặc làm trầm trọng thêm sai lệch xương.
Ví dụ, nếu bú bình hoặc ngậm núm vú, mút ngón tay kéo dài sau 4 tuổi, trẻ có nhiều nguy cơ bị hô răng.
Một số tình trạng khác như: VA hoặc amiđan to làm tắc nghẽn đường thở mũi, trẻ há miệng thường xuyên để thở làm xương hàm trên kém phát triển theo chiều ngang và có thể bị hô nhiều.
Ngoài ra, vị trí đặt lưỡi cũng được bác sĩ quan tâm, vì răng phía trước có thể bị ảnh hưởng bởi tư thế đẩy lưỡi ra trước hoặc đặt lưỡi thấp của trẻ.
Đây là những lực tác động lên răng hàng nghìn lần mỗi ngày, nên có thể tạo ra lực làm đẩy răng hai hàm nhô ra trước, hoặc dẫn đến cắn hở vùng răng cửa (răng không chạm nhau theo chiều đứng).
Sức khỏe của các răng sữa cũng cần quan tâm. Nếu trẻ bị mất răng sữa sớm do sâu răng, các răng vĩnh viễn mọc lên sẽ bị xáo trộn vị trí do mất khoảng, có thể dẫn đến các răng mọc bị xô lệch, hoặc làm trầm trọng hơn những lệch lạc về xương đã có do di truyền.
Vì thế, phụ huynh cần giúp trẻ giữ gìn răng sữa ở tình trạng tốt để giúp răng có bộ giữ khoảng tự nhiên tốt nhất cho các răng vĩnh viễn mọc lên sau.
Trẻ 6 tuổi là thời điểm chuyển tiếp từ thời kỳ răng sữa qua giai đoạn răng hỗn hợp. Đó là thời kỳ có nhiều thay đổi, trẻ cần được bác sĩ chỉnh nha khám, chẩn đoán để có thể tiên lượng và can thiệp sớm những bất thường trong quá trình mọc răng vĩnh viễn và tăng trưởng xương hàm.
Những phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp tình trạng sai lệch được điều chỉnh kịp thời, đưa trẻ về hướng tăng trưởng phù hợp, giúp giảm bớt những tình trạng lệch lạc nặng về xương và giảm thiểu khả năng đưa đến điều trị phẫu thuật hay phải nhổ bớt răng sau này.■