Sống khỏe

Hãy dành tiền cho những dự án thiết thực thay vì xây bảo tàng

TTO - Trong gần 300 phản hồi của bạn đọc, có rất nhiều ý kiến đề nghị khoan xây bảo tàng kinh phí lớn lúc này mà tập trung vào những dự án thiết thực với người dân.

Hãy dành tiền cho những dự án thiết thực thay vì xây bảo tàng - Ảnh 1.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) vắng khách tham quan - Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Hoa (nguyên giám đốc Sở Văn hóa thông tin Thừa Thiên - Huế) và một số ý kiến tiêu biểu.

Dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia là cần thiết, nhưng không cấp thiết trong điều kiện của đất nước hiện nay cần ưu tiên cho những dự án lớn và cấp thiết khác."

"Dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia là cần thiết, nhưng không cấp thiết trong điều kiện của đất nước hiện nay cần ưu tiên cho những dự án lớn và cấp thiết khác. 

Cũng cần biết rằng 11.000 tỉ đồng mới chỉ là phần xây dựng, còn sưu tập hiện vật và tổ chức trưng bày thì kinh phí sẽ nâng lên thêm nhiều nữa.

Theo tôi, những năm này chưa nên dành đến 11.000 tỉ đồng để xây bảo tàng mới, vì số tiền "khủng" như vậy cần thiết hơn cho rất nhiều chương trình an sinh xã hội hiện nay. Bảo tàng là chuyện của trăm năm, khi kinh tế của chúng ta đã phát triển mạnh, ngân sách dư thừa, việc xây bảo tàng như vậy chưa muộn".

Trích ý kiến bạn đọc HOÀI THƯƠNG (thuonghoai12@...)

Nếu công trình này được xây dựng thì nó phải được làm lại từ đầu, bởi đây là một dự án có quy trình ngược. Trước tiên, bảo tàng này chưa rõ ràng về mô hình, chưa có một cơ sở khoa học nào để định hình nó sẽ như thế nào. 

Nên nhớ, bảo tàng lịch sử quốc gia chỉ là bảo tàng chuyên ngành, khác với bảo tàng quốc gia có nội hàm tổng hợp, gồm nhiều lĩnh vực, cả về lịch sử, văn hóa, dân tộc, khoáng sản, thực vật... 

Kinh tế đang khó khăn, nếu tôi là người quyết định dùng ngân sách nhà nước thì tôi sẽ hạn chế xây tượng đài, bảo tàng, trung tâm hành chính trên cả nước lúc này. Thay vào đó là xây cầu vững chắc cho các vùng sâu, xây trường học khang trang cho những vùng nghèo trên cả nước, kế đến là bổ sung dinh dưỡng cho các trẻ nghèo trên cả nước. Lòng dân mới là tượng đài, là bảo tàng bền bỉ với thời gian".

Trích ý kiến bạn đọc Hùng (nthung@...)

Ở đây còn có sự ôm đồm và nhầm lẫn chăng, khi Bảo tàng Lịch sử quốc gia lại có thêm cả khu tưởng niệm danh nhân quốc gia theo loại hình bảo tàng tưởng niệm? Không biết đã có ai xác định danh mục tên danh nhân Việt Nam để bảo tàng khắc ghi vào đó như dự án đã đề cập?

Mặt khác, công trình này cũng làm ngược vì chưa hình thành nội dung cụ thể mà đã đề ra thiết kế kiến trúc. 

Theo tôi, nếu có chủ trương xây dựng bảo tàng lịch sử quốc gia thì phải làm rất thận trọng, phải đi từ những thảo luận khoa học hay đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, nội dung trưng bày của lịch sử quốc gia là gì, gồm có những khu vực gì, loại hiện vật gì... 

Bảo tàng Lịch sử VN hiện vắng khách, liệu xây bảo tàng mới với ngân sách lớn có thu hút đông khách hơn không? Tôi cho rằng Bảo tàng Lịch sử VN nên dành công sức thu thập nhiều hiện vật hơn, nghĩ ra những phương pháp ấn tượng để thu hút khách hơn hiện nay, lúc đó xây bảo tàng cũng chưa muộn".

Trích ý kiến bạn đọc MINH TÂM (minhtamvan@...)

Lịch sử quốc gia Việt Nam bao gồm cả lịch sử nước Việt cổ, lịch sử nước Champa, lịch sử nước Phù Nam và nhiều giai đoạn khác nhau trong dòng chảy của lịch sử. Việc thể hiện dòng chảy lịch sử này không đơn giản. Có ổn định về nội dung trưng bày, lúc đó mới tính đến chuyện kiến trúc, chứ không thể làm kiến trúc trước rồi hội thảo xác định nội dung sau.

Về phần kiến trúc, trước khi quyết định xây dựng, đề án thiết kế cần phải được tham khảo ý kiến rộng rãi. Đề án kiến trúc được trưng ra trên báo chí hiện nay, theo tôi, không mang dáng dấp, đường nét của bản sắc Việt Nam, không thể hiện được tính tiêu biểu, nếu không nói nhìn bề ngoài quá nặng nề.

Thực tế tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam hiện nay, lịch sử Việt Nam đang được trình bày không rõ ràng, thiếu tính toàn vẹn và có phần nghiêng về lịch sử chính trị của người Việt (trừ một phần điêu khắc đá Champa...). 

Tôi cho rằng điều cấp thiết hiện nay là nên chỉnh lý, nâng cao chất lượng trưng bày của bảo tàng hiện có như một hình thức thử nghiệm, lấy ý kiến người dân và các nhà khoa học về nội dung trưng bày lịch sử quốc gia trong tương lai.

Nên biến thành dự án của toàn xã hội
Vấn đề đầu tư vào bảo tàng ở Việt Nam không khác mấy nhận thức trong phát triển đô thị và bất động sản: đồng nghĩa dự án với xây dựng công trình. Cái sai lầm của tư duy này là những bảo tàng trống vắng và những khu đô thị cho bò gặm cỏ.
Khi tôi tham quan Nhà triển lãm nghệ thuật quốc gia Singapore, cô hướng dẫn, một trong những quản lý cao cấp của dự án, nói: Xây dựng một bảo tàng trước hết là xây dựng một tổ chức (institution). 

Đúng thế, chính tổ chức đó với những con người say mê nghệ thuật sẽ biến ước mơ một bảo tàng quy mô thành hiện thực mà không cứ phải ngồi chờ chỉ thị và đồng vốn của nhà nước. 

Ngay tại Việt Nam, một số dự án khởi đầu từ tâm huyết cá nhân và khát vọng cho cộng đồng đã bắt đầu dự án bằng việc lập ra một quỹ tín thác gồm những cá nhân uy tín và các doanh nhân thành đạt để xác định triết lý, vận động vốn và xây dựng tổ chức, như trường hợp Đại học Fulbright. 

Dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia phải là một dự án nhằm xây dựng nên không chỉ một tòa nhà, mà quan trọng hơn là một cộng đồng những nhà chuyên môn và những mạnh thường quân yêu sử, cùng chia sẻ mơ ước và nỗ lực xây dựng nên bảo tàng; là những trường học cộng đồng với những cô giáo say mê dạy sử và là những chương trình quảng bá khắp nơi về một lịch sử sống động cùng nhiều bài học cho hiện tại và tương lai. 

Thách thức hiện nay của dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia chính là ở điểm đây là một dự án của riêng Nhà nước, do công chức thực hiện và dựa vào ngân sách. Và khi ngân sách khó khăn thì cả bộ máy triển khai dự án dừng lại.

Theo tôi, Nhà nước nên biến đây thành một dự án của toàn xã hội, đặc biệt là của những người yêu lịch sử. Khi đó, quy mô dự án có thể nhỏ hơn, thiết kế có thể kém hoành tráng hơn, thậm chí thay vì xây mới thì tìm cách mở rộng công trình hiện hữu, một trong những viên ngọc trong di sản kiến trúc Hà Nội. 

Tôi tin đó sẽ là một dự án thực sự có ý nghĩa với xã hội, thu hút được sự quan tâm và yêu mến của mọi người.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,407,137       489