TTO - Tình trạng bạo lực bất ngờ bùng nổ sau khi bão Irma tàn phá đảo Saint Martin ở khu vực Caribe.
Nhân viên an ninh đuổi hai thiếu niên có ý định cướp bóc trên đảo St Martin - Ảnh: AFP
Hòn đảo xinh đẹp Saint Martin bỗng chốc trở thành như bãi bình địa ngổn ngang nhà cửa sụp đổ và rác thải.
Tình trạng mất điện và thiếu thốn thực phẩm khiến người dân địa phương có dấu hiệu nổi loạn.
Một số thành phần quá khích đã xuống đường với súng và mã tấu để đi cướp bóc giữa ban ngày.
Không chỉ các cửa hàng mà nhà của người dân khá giả cũng trở thành mục tiêu bị tấn công khiến không ít người dân Pháp và Hà Lan sinh sống trên hòn đảo thuộc địa này phải tháo chạy ra sân bay về quê.
Một phụ nữ kể lại với đài truyền hình BMFTV: "Chúng tôi muốn rời đi bằng mọi giá vì sợ an ninh bản thân. Ở đâu cũng thấy mất an ninh, cướp bóc và tối nào cũng nghe tiếng súng nổ. Tôi đã mất nhà cửa rồi, mất hết rồi.
Tôi đã rời Pháp đến đây sống đã 20 năm rồi nhưng giờ muốn quay lại Pháp vì quá sợ"
Một cư dân người Pháp sống trên đảo St Martin
Binh sĩ Hà Lan được tăng cường bảo vệ an ninh ở đảo St Martin vẫn còn ngổn ngang sau bão Irma - Ảnh: REUTERS
Saint Martin là một hòn đảo nhiệt đới, nằm về phía bắc biển Caribe, cách Puerto Rico khoảng 300 km về phía đông.
Diện tích toàn đảo là 87 km2 được chia theo tỷ lệ 60/40 giữa Pháp (53 km2) và Vương quốc Hà Lan (34 km2).
Đây là hòn đảo trên biển nhỏ nhất được chia đôi bởi hai quốc gia. Nửa phía nam thuộc Hà Lan được gọi là Sint Maarten và là một trong bốn quốc gia cấu thành của Vương quốc Hà Lan.
Nửa phía bắc thuộc Pháp gọi là Collectivité de Saint-Martin (Cộng đồng Saint Martin) và là một lãnh thổ hải ngoại của Pháp.
Dân số của toàn bộ hòn đảo là 74.852 người (số liệu 2007), với 38.927 người sống ở phần thuộc Hà Lan và 35.925 ở phần thuộc Pháp.
Dân địa phương xông vào cướp một cửa hiệu - Ảnh chụp màn hình
Tình hình bên phần đảo của Hà Lan cũng tương tự như ở bên của Pháp với nạn cướp bóc bạo lực đe dọa mạng sống người dân gốc Hà Lan.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khẳng định đã cho tăng cường binh sĩ để đảm bảo an ninh.
Nhật báo AD của Hà Lan số ra ngày 8-9 dẫn lời một nhân chứng kể: "Tình hình rất là nghiêm trọng. Chẳng ai còn được an toàn. Ngoài đường có những kẻ tay lăm lăm súng và mã tấu đi cướp bóc".
Binh sĩ Hà Lan được bổ sung để bảo vệ người dân - Ảnh: AFP
Những người dân ở đây đang đổ về sân bay chờ được di tản.
Vấn đề là bão José lại đang đến và chưa rõ liệu có máy bay đủ điều kiện đến giúp họ hay không.
Người dân gốc Hà Lan và Pháp trên đảo St Martin xếp hàng ở sân bay chờ được di tản vì sợ cho an ninh bản thân - Ảnh: Instagram