TTO - Giải pháp nào cho vấn nạn cảnh sát giao thông (CSGT) mãi lộ vốn đã nhức nhối nhiều năm qua, đã được phát hiện nhiều lần và đã nhiều lần được dư luận đặt ra rất bức xúc?
Sau loạt bài CSGT "làm luật" đăng trên Tuổi Trẻ tuần qua, Tuổi Trẻ đặt câu hỏi này với các cơ quan chức năng, chuyên gia và người dân, và nhận được những gợi mở giải pháp sau đây.
* Trung tướng LÊ ĐÔNG PHONG (giám đốc Công an TP.HCM):
Trách nhiệm của người đứng đầu
Khi đánh giá, xem xét sai phạm của bất cứ cán bộ, chiến sĩ nào thì cần phải quy cả trách nhiệm cho các cấp chỉ huy, người đứng đầu. Ban giám đốc Công an TP.HCM đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp có sai phạm và quy trách nhiệm liên đới của người chỉ huy nếu buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra đôn đốc, không kiên quyết, kịp thời trong đấu tranh, xử lý sai phạm.
Đây sẽ là một trong các giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống vi phạm, tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ chiến sĩ Công an TP.HCM nói chung và lực lượng CSGT nói riêng.
Quan điểm của ban giám đốc Công an TP là mọi vi phạm của cán bộ, chiến sĩ phải được xử lý kịp thời, nghiêm theo đúng tính chất, mức độ vi phạm; tuyệt đối không bao che, dung túng bất cứ trường hợp nào. Các trường hợp cụ thể mà báo Tuổi Trẻ nêu, nếu xác định đúng tính chất, mức độ sai phạm tới đâu thì xử lý tới đó, không có ngoại lệ.
Chúng tôi cũng kêu gọi mọi người cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong quá trình tham gia giao thông cũng như khi bị CSGT xử lý vi phạm (nếu có). Chúng ta không chấp nhận các cá nhân cán bộ, chiến sĩ suy thoái đạo đức, tiêu cực. Đồng thời, chúng ta cũng cần lên án các hành vi vi phạm pháp luật giao thông dù người đó là ai, tuyệt đối không để tình trạng vi phạm rồi tìm cách "thỏa hiệp" với CSGT.
* Luật sư NGUYỄN THẾ TRUYỀN (Đoàn luật sư Hà Nội):
Dùng công nghệ để theo dõi
Hạn chế tình trạng này để loại trừ hẳn là việc luôn luôn khó khăn, bắt nguồn từ nhiều phía, nhiều lý do như việc bảo đảm đời sống cho cán bộ chiến sĩ, tức là mức thu nhập của CSGT phải được xem xét các chế độ đãi ngộ. Khuyến khích CSGT làm tốt nhiệm vụ sẽ chỉ là khẩu hiệu khi bản thân các phòng, đội lại đang áp "chỉ tiêu" dẫn đến tình trạng "nuôi nhau".
Việc phạt nguội với chế tài cao, minh bạch chính là một biện pháp tốt để giải quyết cho vấn nạn mãi lộ hiện nay. Khi đã hạn chế tối đa sự tiếp xúc của CSGT với người vi phạm thì việc xử lý sẽ tránh hoàn toàn được câu chuyện cảm tính, tùy tiện, đối phó phát sinh trong quá trình làm việc giữa người vi phạm và CSGT.
Việc phạt nguội bằng các thiết bị công nghệ cần phải được thực hiện kịp thời chứ không phải để tới lúc xe hết đăng kiểm đến làm thủ tục mới biết mình đã vi phạm bao nhiêu lần, ở đâu, lúc nào, lỗi gì và chế tài ra sao, sẽ phát sinh các bất cập cho trường hợp bạn bè mượn xe đi vi phạm xong chủ xe lại phải nộp phạt.
Thủ tục xử phạt hiện nay đối với vi phạm hành chính về giao thông cũng quá rườm rà, thủ công, dễ phát sinh sự tùy tiện. Việc áp dụng công nghệ sẽ thay đổi cách tiếp cận của những thủ tục này và luôn bảo đảm sự minh bạch, tuân thủ tuyệt đối các quy định pháp luật.
Ngay cả những cung đường buộc phải sử dụng CSGT tuần tra kiểm soát cũng buộc phải sử dụng các công nghệ hiện đại từ việc dùng camera, biên bản điện tử, vé phạt điện tử toàn bộ được kết nối về trung tâm điều khiển để giám sát toàn bộ quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm.
* Thạc sĩ LÊ MINH TIẾN (giảng viên xã hội học):
Lực lượng giám sát CSGT
CSGT nhận mãi lộ là chuyện hoàn toàn không mới và điều đáng nói là cách các cơ quan có liên quan xử lý các CSGT nhận mãi lộ cũng không mới: chỉ tuyên bố xử lý, đình chỉ công tác những người được nhận diện. Và đây chính là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng CSGT mãi lộ cứ dai dẳng.
Bởi vì khi xử lý như vậy, ngành công an vẫn chỉ xem việc nhận mãi lộ là chuyện cá biệt, không phổ biến nên chỉ xử lý những người có liên quan mà không xem xét lại toàn bộ quy trình để làm sao cho việc mãi lộ không thể diễn ra dù cho người vi phạm có muốn đưa và cảnh sát có muốn nhận.
Chẳng hạn, cần đặt câu hỏi trong thời gian đặt trạm, chốt xử lý vi phạm, có bao nhiêu biên bản vi phạm được lập? Liệu ngày nào cũng bao nhiêu biên bản, bao nhiêu số tiền đó hay có khác biệt không? Bộ phận thanh tra công an thử tiến hành vài cuộc thanh tra, kiểm tra xem tổng số tiền mà những CSGT đứng ở trạm đó đang có trong người, trong xe và đối chiếu với số biên bản vi phạm thì sẽ biết được liệu có mãi lộ hay không.
Do đó, theo tôi, nếu ngành công an thực sự muốn giải quyết triệt để nạn mãi lộ thì cần phải có nhiều giải pháp hơn. Hoặc có lẽ cần phải nghĩ đến một lực lượng khác giám sát lực lượng CSGT làm việc trên đường phố.
* Một cựu CSGT:
Mong sao...
Từ khi chuyển ngành, rồi về hưu, đôi lúc đi đường như một người dân bình thường tôi cũng không tránh khỏi tình huống lơ đễnh rồi phạm phải những lỗi cơ bản như không chú ý tín hiệu đèn, quẹo phải ở ngã ba mà không bật xinhan, đi đêm quên bật đèn chiếu gần... và bị anh em CSGT thổi còi ra hiệu dừng lại. Nhiều lúc tôi cũng nhận được từ anh em CSGT những "tín hiệu" gợi ý chung chi.
Mong sao những cán bộ, chiến sĩ CSGT hiện giờ và về sau không để tái diễn những hình ảnh như vậy, dần dần tạo được niềm tin trong mắt người đi đường.
Đại tá ĐÀO VỊNH THẮNG (trưởng Phòng CSGT Hà Nội)
* Đại tá ĐÀO VỊNH THẮNG (trưởng Phòng CSGT Hà Nội):
15 điều "không được làm" để ngăn tiêu cực
Tại Hà Nội, từ năm 2013 tôi đã tham mưu cho ban giám đốc Công an TP ban hành quy định riêng cho lực lượng CSGT, đó là "Quy định những điều cán bộ, chiến sĩ CSGT thủ đô được làm và không được làm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ". Quy định này nêu ra 12 điều "được làm" và 15 điều "không được làm" cho lực lượng CSGT thủ đô.
Đó là từ những hành vi đơn giản như cử chỉ, hành động, giao tiếp trong công việc nhằm xây dựng hình ảnh CSGT thân thiện, nâng cao tinh thần phục vụ, hiệu quả công việc, đến những nguyên tắc để ngăn ngừa tiêu cực. Đó là việc CSGT không được có những cử chỉ hành động hách dịch, lời nói thiếu văn hóa khi tiếp xúc và giải quyết công việc với nhân dân; không được đút tay vào túi quần, túi áo, khoanh tay trước ngực, vung vẩy gậy, hút thuốc lá, nhai kẹo cao su trong khi làm nhiệm vụ...
Quan trọng nhất là những quy định như: không được kiểm tra xe tràn lan khi không có dấu hiệu vi phạm; không được vượt tuyến làm ở những điểm, những chốt, những tuyến không được phân công; không được làm việc với người trung gian; không được chuyển lỗi vi phạm, phải xử lý đúng lỗi, đúng người, đúng thẩm quyền; nghiêm cấm không được nhận tiền, tài sản và lợi ích vật chất của cá nhân, tổ chức liên quan đến công việc của mình đang giải quyết hoặc trong quá trình xử lý vi phạm...
Đối với việc lập chốt, tuần tra kiểm soát, quy định nêu rõ: không được đứng tụm ba, tụm bốn, đứng ở các vị trí che khuất tầm nhìn để kiểm tra, xử lý vi phạm; trong quá trình làm nhiệm vụ không được giải quyết việc riêng, không được đưa người không có nhiệm vụ vào nơi làm việc, đơn vị, đội trạm, nơi làm việc của cán bộ, chiến sĩ...
Quy định này được in thành cuốn cẩm nang như sổ tay mà mỗi CSGT phải học thuộc.
LÂM HOÀI ghi