TTO - Trưởng thôn Lỷ A Tài, 28 tuổi, từng gặp trực tiếp phó thủ tướng Phạm Bình Minh để "xin" một con đường cho dân thôn Màu Sán Cáu đỡ khổ.
Lỷ A Tài (trái) cùng anh Lỷ Văn Lâm ôn lại chặng đường xây dựng con đường bêtông gian khổ trong thôn - Ảnh: ĐỨC HIẾU
Tài tiếp nhận chức trưởng thôn Màu Sán Cáu (xã Quảng An, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh) 2 năm trước, khi bản làng nghèo xác xơ, người dân quanh ra quẩn vào với suy nghĩ "sống chung với... nghèo".
Trăn trở mãi về một con đường
Ngày chúng tôi vào thôn Màu Sán Cáu, cơn mưa rừng đổ ào ạt. Trên con đường bêtông rộng 2,5m, chiếc xe máy gầm gừ, ì ạch leo lên con dốc cao, một bên vách núi, một bên vực sâu.
Anh Lỷ Văn Lâm, công an viên thôn Màu Sán Cáu, cho biết: "Bây giờ con đường này tốt rồi, chứ trước đây bùn trơn trượt, trời mưa thì xe máy đừng hòng đi được. Khi đó có người ốm nặng phải khiêng bằng cáng lên trạm y tế. Mọi thứ thay đổi từ khi A Tài về đây làm việc".
Chúng tôi đến nhà Lỷ A Tài vừa lúc Tài đón con nhỏ về. Anh chàng người Dao này có đôi mắt rất sáng, nói chuyện chân thật, thoải mái.
"Con đường này bao năm không sửa chữa nên xuống cấp, lầy lội lắm. Trời mưa lớn, có khi cả tháng bà con không đi chợ được. Có con lợn, bó quế cũng không ai mua, nếu mua cũng bị giá rẻ vì thương lái phải chờ những hôm nào thật nắng, thuê xe tải Hoa Mai hai cầu mới vào được. Năm 2013, mình từ Hà Nội về quê lập nghiệp mà cứ trăn trở mãi về con đường này" - Tài bộc bạch.
Thời gian đó Tài được bầu làm bí thư chi đoàn thôn. Thấy trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn đi họp mãi mà chẳng có ý kiến gì, Tài sốt ruột lắm. Nghĩ nhiều đêm, Tài quyết định phải lên tiếng "xin" đường cho bà con đỡ khổ. Vậy là cứ mỗi dịp lên xã, huyện, Tài lại đề xuất được cấp kinh phí làm đường.
Tháng 4-2014, phó thủ tướng Phạm Bình Minh về tiếp xúc cử tri huyện Đầm Hà, Tài cũng đăng ký phát biểu nhưng chưa được chọn. Chờ hết buổi, chàng trai người Dao vội chạy đến gặp trực tiếp Phó thủ tướng, bày tỏ nguyện vọng về con đường.
Trong khi chờ đợi, Tài đề xuất với lãnh đạo xã Quảng An và vận động bà con cho trích tiền thủy lợi phí hơn 10 triệu đồng để vá đường đi tạm.
Trưởng thôn Lỷ A Tài đi vận động các hộ dân thay đổi cách nghĩ cách làm - Ảnh: ĐỨC HIẾU
Tài nhớ lại: "Thời gian đó mình cũng đi xin nhiều nguồn xã hội hóa, các thầy giáo trên bản, thương lái... mỗi người cho 5-10 bao ximăng, chủ tịch xã thấy vậy cũng cho thêm. Tổng cộng các khoản hơn 22 triệu đồng. Sau mình vận động đoàn viên đi làm đường, cứ chỗ đường nào trơn trượt là đổ bêtông để đi được xe máy".
Con đường nối hai thôn Màu Sán Cáu - Nà Pá khởi động. Mùa khô trên đỉnh dốc không có nước, trưởng thôn cùng anh em phải chở từng can nước, bao cát, ximăng về làm đường. Liên tiếp trong hai năm 2014-2015, hình ảnh những thanh niên trong thôn bản kéo vữa lên đỉnh đồi đổ đường đã dần quen thuộc với bà con.
Năm 2016 dự án tăng cường chống thảm họa thiên tai cho cộng đồng tại Quảng Ninh do Hội Chữ thập đỏ Úc tài trợ đã chọn Quảng An là một trong hai xã của huyện Đầm Hà để thực hiện dự án. Kết hợp với vốn chương trình 135, tuyến đường nối hai thôn Nà Pá - Màu Sán Cáu được hoàn thành, giúp gần 200 hộ dân thoát cảnh cô lập.
Phải thoát nghèo ngay từ trong tư tưởng
Ngày còn làm bí thư chi đoàn kiêm công an viên và cả cho đến khi làm trưởng thôn năm 2015, Lỷ A Tài phải đi giải quyết không biết bao nhiêu vụ ẩu đả của thanh niên trong thôn vì thói nghiện rượu.
"Nói đâu xa, Lỷ A Nhì liên tục ba ngày say xỉn đánh bác, đánh bố. Mình vào can ngăn, phân tích mãi hắn mới thấy sai, xin lỗi. Lỷ Văn Chung cũng say xỉn định dùng súng kíp đi bắn người, mình cũng phải nói mãi mới bỏ rượu" - Tài cho biết.
Sau hai năm Tài kiên trì vận động, 90% thanh niên trong thôn đã bỏ tật nhậu nhẹt, say xỉn, tìm hướng đi làm ăn, tích vốn để khởi nghiệp.
Tài quả quyết: "Quan trọng nhất là phải giúp bà con thoát nghèo ngay từ trong tư tưởng. Nhiều hộ có điều kiện nhưng không muốn thoát nghèo, tâm lý trông chờ ỷ lại còn quá lớn. Mình đã đọc nhiều sách đắc nhân tâm, sách kinh tế và các loại sách thay đổi tư duy để làm giàu. Bây giờ mình cũng muốn các bạn trẻ thay đổi tư duy ỷ lại đó".
Lỷ A Tài chăm sóc đàn bò của gia đình - Ảnh: ĐỨC HIẾU
Nghĩ là làm, Tài miệt mài vận động bà con trong thôn nhận những chương trình chăn nuôi được Nhà nước hỗ trợ. Một lần không được, Tài kiên trì nói chuyện vài ba bận bà con mới chịu nghe.
Tháng 8 này, những con bò trong chương trình hỗ trợ chăn nuôi về với 6 hộ dân trong thôn Màu Sán Cáu. Trước đó cả năm, Tài lặn lội về Hà Nội tìm hiểu phương pháp nuôi, loại cỏ nào phù hợp, rồi về nhà trồng thử, chia sẻ giống cho các hộ cùng trồng để nuôi bò.
Không chỉ vận động người trẻ làm kinh tế, trưởng thôn 8X còn là cầu nối bà con dân bản với những quy định luật pháp, bỏ dần những hủ tục, lễ lạt tốn kém.
Đầu năm 2017, Tài được Tỉnh đoàn Quảng Ninh bầu chọn là một trong những gương thanh niên dân tộc, tôn giáo tiêu biểu trên địa bàn. 28 tuổi, hiện Tài vẫn là trưởng thôn trẻ nhất của xã Quảng An.