Đúng 11h, chúng tôi ghé Bảo tàng Lịch sử VN tại TP.HCM, anh bảo vệ lắc đầu: "Hết giờ bán vé rồi, nghỉ từ 11h30, đến 13h30 anh quay lại!".
Gần 12h trưa ngày 9-9, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) vẫn nhộn nhịp du khách. Bảo tàng này mở cửa thông tầm từ 1-6-2017 - Ảnh: THÁI LỘC
Trước đó, một anh bạn dẫn nhóm khách nước ngoài đến bảo tàng này tham quan, đang lúc chăm chú ở gian điêu khắc Chăm thì anh bảo vệ nhắc nhở sắp hết giờ, đúng 11h30 hệ thống chiếu sáng tắt ngấm, cả anh bạn lẫn nhóm khách thất thểu đi ra trong sự thất vọng.
Thực ra, việc đóng cửa "ngủ trưa" của hàng loạt bảo tàng khiến nhiều hãng lữ hành lẫn du khách "than trời" lâu nay.
Bởi lẽ, các bảo tàng ấy đều chiếm vị trí quan trọng trong ngành du lịch các địa phương, nơi du khách "không thể không ghé".
Đó là những bảo tàng như: Bảo tàng Lịch sử VN tại TP.HCM, Dinh Thống Nhất (TP.HCM), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia VN (Hà Nội), Bảo tàng Hà Nội...
Nhiều chuyên gia nhận xét rằng, tình trạng "im lìm khi giữa giấc trưa" chỉ có ở VN, còn hầu hết bảo tàng thế giới đều hoạt động thông tầm.
Một giám đốc bảo tàng ở TP.HCM viện lí do "ngủ trưa" rằng: các nước buổi trưa mát mẻ, trong khi VN khí hậu nhiệt đới trưa nắng gắt, nên nhu cầu nghỉ ngơi là có thật; cần phải dành thời gian vệ sinh bảo tàng sau cả buổi tham quan.
Bảo tàng VN không chỉ phục vụ du khách mà còn thu hút lứa tuổi học sinh đến từ sớm; mở cửa thông tầm thì phải trả thêm chi phí điện nước và nhân công...
Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, các công ty du lịch thường chỉ ta thán một cách rất cảm tính, trong khi lại không đưa ra được kết quả nghiên cứu, điều tra xã hội học chứng minh nhu cầu đến bảo tàng buổi trưa của du khách ở mức nào...
Nhưng, nhiều bảo tàng khác ở VN thì chứng minh sự phát triển ở chiều ngược lại: mở cửa thông tầm.
Đó là các bảo tàng: Dân tộc học VN, Phụ nữ VN, Mỹ thuật VN, Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Mỹ thuật TP.HCM...
Khi mình quyết định mở như thế, gần như cả bảo tàng không có ngày nghỉ. Mà quá tải thì phải tìm cách giảm tải, cả lãnh đạo lẫn nhân viên phải thay phiên nhau; mình phải động viên họ bằng vật chất, bằng cách xây dựng quy chế để lấy nguồn thu chi trả cho công lao động ngoài giờ...
Bà Nguyễn Thị Bích Vân - giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Bích Vân - giám đốc Bảo tàng Phụ nữ VN - cho biết trước đây khách đến bảo tàng rất... "hẻo". Bà cho tìm hiểu và quan sát: du khách thường dậy muộn, phần lớn ra đường trong khoảng 10h.
Khi đến bảo tàng đã khá muộn, 11h30 lại bị "rung chuông, tắt điện, đuổi ra đường" làm gián đoạn cuộc tham quan, khách nản chí.
Đến cuối năm 2011, bảo tàng này mở hội nghị khách hàng nghe góp ý. Nhiều hãng lữ hành lúc đó đồng thanh "kêu" rất khổ sở vì bảo tàng không thông tầm, đồng thời ngày thứ hai tất cả bảo tàng đóng cửa khách chẳng biết đi đâu.
Vậy là ban giám đốc quyết định "cú đúp": vừa mở cửa thông tầm và liên tục, không nghỉ bất cứ ngày nào. Cũng nhờ vậy, từ số lượng "bèo" 50-70 khách/ngày, lượng khách bảo tàng này đạt cấp số nhân vào năm sau, và càng ngày càng tăng nữa...