Sống khỏe

Phải làm quen với xếp hạng

TTO - Lần đầu tiên, một bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam được nhóm chuyên gia độc lập công bố.

Phải làm quen với xếp hạng - Ảnh 1.

Ngay tại buổi công bố kết quả này, nhóm chuyên gia đã bày tỏ quan điểm sẵn sàng nghe góp ý và cả "gạch đá" vì họ đã lường trước những phản ứng có thể xảy ra khi chuyện "xếp hạng" còn xa lạ với Việt Nam.

Và đúng như nhóm chuyên gia dự đoán, phản ứng trái chiều xảy ra ngay tại tọa đàm công bố bảng xếp hạng khi có đại diện nhiều trường đại học có mặt và lên tiếng bênh vực trường mình. Trên các trang mạng, tranh luận về "xếp hạng" cũng bắt đầu ồn ào. 

Có một luồng ý kiến khá lớn tỏ ra nghi ngại nguồn dữ liệu, phương pháp đo lường của nhóm chuyên gia khi kết quả gần như đảo lộn thứ hạng của các trường sáng giá.

Hãy khoan nói về tính thuyết phục của phương pháp và bộ tiêu chí của nhóm chuyên gia này, mà chỉ nói đến thái độ đón nhận. Rõ ràng người VN đã quá quen với những báo cáo thành tích, những danh hiệu thi đua khác nhau nên tỏ ra khá xa lạ với chuyện "xếp hạng", khiến nhiều người liên quan chưa đủ tâm thế để đón nhận một cách bình tĩnh.

Hành trình thu thập dữ liệu mà nhóm chuyên gia trần tình tại buổi công bố cũng cho thấy một hiện trạng phức tạp và "thật giả lẫn lộn" ở VN, khi cùng một nội dung nhưng số liệu của trường công bố trên các kênh khác nhau có độ chênh lớn. 

Việc cập nhật và minh bạch thông tin của nhiều trường cũng chưa có sự quan tâm thích đáng. Cả khi nhóm nghiên cứu tập hợp dữ liệu và gửi lại trường để xác nhận thì cũng có trường không đoái hoài đến. Vì "xếp hạng" là chuyện nhỏ, những lợi ích trước mắt, cách thu hút nhiều nhất người học vào trường mới đang là điều quan tâm số một của rất nhiều trường.

Nhóm chuyên gia cũng khẳng định bảng xếp hạng chỉ phản ánh một phần chất lượng đào tạo của các trường đại học theo thang đo mà nhóm đề ra. Còn trên thực tế, tùy theo sứ mệnh đào tạo của mỗi trường mà có thể đặt ra những mục tiêu chất lượng khác nhau. 

Điều này cũng lý giải cho việc có những trường luôn đứng ở vị trí số một của các nhóm ngành nhưng lại "rớt hạng" ở bảng xếp hạng này. Kết quả đó khiến những ai có thói quen "xếp hạng" theo kiểu cảm tính, lấy sức hút đầu vào làm tiêu chí chính không khỏi phản ứng. Nhóm chuyên gia đặt ở vị trí quan trọng tiêu chí về nghiên cứu khoa học dựa trên công trình khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín. 

Đây là quan điểm gây nhiều tranh cãi nhưng rõ ràng họ có lý, bởi những cơ sở đào tạo đại học có thứ hạng cao nhất định phải là nơi có bề dày nghiên cứu khoa học, sáng tạo tri thức và giải quyết các bài toán đặt ra trong xã hội, chứ không chỉ là nơi cung cấp các sản phẩm đào tạo cho thị trường lao động.

"Bảng xếp hạng" của những người dũng cảm đi đầu và những ồn ào xung quanh nó đã mở ra một vấn đề cực kỳ nghiêm túc là tới lúc VN cần nhiều hơn các tổ chức độc lập và có uy tín để xếp hạng trường đại học nói riêng và cơ sở giáo dục nói chung theo các thang đo khác nhau. 

Và dù còn nhiều tranh cãi về phương pháp đánh giá nhưng ít nhất đó cũng là hồi chuông cảnh báo với các trường về chất lượng đào tạo, đồng thời tạo ra động lực, tăng tính cạnh tranh và buộc các trường phải vận động, phát triển.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,365,740       679