TTO - Hàng loạt vụ đạo tác bị phát hiện gần đây đã làm dư luận ‘choáng váng’. Thế nhưng với cộng đồng nghệ sĩ, việc này đã trở nên quá đỗi quen thuộc và chẳng cần quan tâm nhiều.
Để tạo ra môi trường nghệ thuật trong sạch trước tình trang đạo nhái tràn lan hiện nay thì tiếng nói của cộng đồng nghệ sĩ lại vô cùng cần thiết. Dù những vụ việc như trên có xảy ra nhiều đến mức nào thì với từng trường hợp, sự vi phạm bản quyền đều là đơn nhất, đồng nghĩa với việc đó đều là một sự chà đạp lên tâm huyết, trí tuệ và "đứa con tinh thần" của tác giả bản gốc.
Chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, dư luận đã dăm lần bảy lượt xôn xao về chuyện bức ký họa Khỏa thân 5(3) của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng bị đạo trắng trợn, hay việc Maxk Nguyễn, một nhà thiết kế nổi tiếng, bị phát hiện sử dụng ý tưởng của các họa sĩ nước ngoài nhưng không xin phép.
Vừa mới đây, bức tranh khắc gỗ A di đà Phật của họa sĩ Nguyễn Khắc Hân, tác phẩm từng đoạt huy chương vàng Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2015, cũng bị đạo lại thành một tác phẩm khác.
Đáng chú ý, trong số những người đạo tranh, có người chỉ mới là sinh viên trường mỹ thuật nhưng cũng có người đã trưởng thành, gặt hái được những thành công nhất định trong nghệ thuật.
Hình như đứng trước cám dỗ của sự nổi tiếng, lời tung hô của cả giới chuyên môn lẫn người ngoại đạo, nhiều họa sĩ trẻ đã không giữ được bản lĩnh của mình, không phân định được đâu là bị ảnh hưởng từ các tác phẩm lớn, đâu là tự sáng tạo.
Cứ như vậy, những lần đưa sản phẩm đạo nhái ra cộng đồng trót lọt càng khiến các họa sĩ thêm dấn sâu vào sai phạm mà chính bản thân họ cũng không ý thức được.
Trao đổi với Tuổi Trẻ online, họa sĩ Siu Quý, phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, cho rằng việc kế thừa và sáng tạo các ý tưởng của các bậc tiền bối và sẽ giúp cho nền mỹ thuật được phát triển, tuy nhiên, điều đó cũng như một con dao hai lưỡi, người họa sĩ trẻ nếu không biết gạn lọc cẩn thận sẽ trở thành một kẻ vi phạm bản quyền.
Thế nhưng, những vụ việc gần đây cho thấy nhiều họa sĩ trưởng thành cũng rơi vào vấn đề đạo nhái tranh của các tác giả khác. Vi phạm không phải là do họ xốc nổi mà là vì thiếu hiểu biết về luật sở hữu trí tuệ.
Nguyên bản bức ký họa Khỏa thân 5(3) của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng (đen trắng) đã bị đạo trắng trợn thành bức Câu chuyện trăm trứng (màu)
Chẳng hạn như vụ việc bức ký họa Khỏa thân 5(3) của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng bị đạo. Sau khi thừa nhận hành vi của mình, người đạo tranh cũng cho rằng mình không làm trái luật, bởi chỉ làm… cho vui chứ không phải để bán và bức ký họa của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng vẫn chưa đăng ký bản quyền nên không thể nói là họ vi phạm được.
Thực tế, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 đã quy định rất rõ ràng về vấn đề bản quyền. Theo đó, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký (Khoản 1, điều 6).
Như vậy, dù chỉ làm cho vui cũng đã vi phạm bản quyền.
Việc thiếu hiểu biết về luật khiến nhiều họa sĩ đạo nhái lại các bức tranh mà mình từng thấy sau đó đưa lên các trang mạng xã hội, có trường hợp còn đưa đi triển lãm, gây ảnh hưởng đến uy tín của tác giả nguyên tác.
Một số họa sĩ chuyên nghiệp cho rằng sau khi sáng tác ra một tác phẩm, thay vì tận hưởng trước vẻ đẹp của chúng thì hãy đứng lùi lại, nhìn xuyên suốt quá trình sáng tạo để xem thử thử tác phẩm có bị trùng lặp ý tưởng không, mình đã bị ảnh hưởng của ai, ảnh hưởng đến mứa độ thế nào.
Trả lời những câu hỏi đó sẽ giúp người họa sĩ soi rọi rõ ràng nguồn gốc tác phẩm.
Và như vậy, lên tiếng chống lại đạo nhái không phải là để bới móc một nền mỹ thuật nhếch nhác, càng không phải để chấm dứt sự nghiệp của một họa sĩ mà chính là để khơi dậy ý thức tự trọng, sự tử tế với đồng nghiệp trong bản thân mỗi người cầm cọ.