TTO - Thủ tướng Lý Hiển Long gây bất ngờ khi thuyên chuyển một bộ trưởng trong nội các, người được xem nằm trong nhóm 6 ứng viên nặng ký thừa kế ông.
Bộ trưởng phát triển gia đình và xã hội Tan Chuan Jin - Ảnh: REUTERS
Ngày 6-9, Thủ tướng Lý Hiển Long thông báo đề cử Bộ trưởng phát triển gia đình và xã hội Tan Chuan Jin cho vị trí chủ tịch Quốc hội.
Giới quan sát bình luận đây là một động thái gây bất ngờ và bối rối, vì nó chẳng khác nào tước đi cơ hội của ông Tan cho vị trí lãnh đạo cao nhất.
Ông Tan sẽ phải từ chức bộ trưởng để đảm nhận vai trò mới và dự kiến sẽ được Quốc hội Singapore chính thức bổ nhiệm trong phiên họp vào ngày thứ Hai tuần sau.
Đề xuất của Thủ tướng họ Lý sẽ được thực hiện dễ dàng vì Đảng Nhân dân hành động (PAP) cầm quyền đang giữ 83/89 ghế đại biểu do dân bầu.
Bộ trưởng Tan bắt đầu sự nghiệp chính trị từ năm 2011 và được đánh giá nằm trong nhóm 6 bộ trưởng thuộc "thế hệ thứ 4", tức những người đang được đào luyện để thay thế ông Lý Hiển Long và các "tướng" chủ chốt sau khi họ về hưu (dự kiến sau kỳ bầu cử năm 2021).
Ngày 6-9, ông Tan lên tiếng bác bỏ những đồn đoán rằng ông đã bị đẩy ra khỏi đỉnh cao chính trị. Phát biểu trước các phóng viên, ông giải thích "có rất nhiều vai trò và hướng đi khác nhau" trong sự nghiệp phục vụ dân.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng quyết định của Thủ tướng Lý Hiển Long là có lý do.
Thủ tướng Lý Hiển Long từng được chuẩn bị kỹ để trở thành Thủ tướng Singapore - Ảnh: REUTERS
"Sự ra đi của Bộ trưởng Tan rất bất ngờ, cứ như là ông ấy không đủ tiêu chuẩn đảm nhiệm trọng trách lớn hơn, dù nhìn thì không phải vậy" - GS Eugene Tan,ở ĐH Quản lý Singapore, bình luận.
Trên mạng xã hội, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, thậm chí một số tỏ ra thất vọng vì sự ra đi của Bộ trưởng Tan.
"Cá nhân tôi cảm thấy thất vọng và chán nản vì ngài không được giữ lại trong nội các. Ngài đã thể hiện một tư cách rất nhân văn, điều vô cùng quan trọng đối với nội các sắp tới" - người dùng Facebook Derek Goh viết.
Chức chủ tịch Quốc hội Singapore về mặt nghi thức đứng thứ 3 sau tổng thống và trưởng cố vấn tổng thống, tuy nhiên vị trí này không giữ vai trò nào trong việc định hình chính sách.
Trong hệ thống chính trị Singapore, Thủ tướng là người nắm trong tay nhiều quyền hành nhất.