Sống khỏe

Sau điện đàm, Mỹ-Trung hứa giải quyết hòa bình chuyện Triều Tiên

TTO - Bắc Kinh tuyên bố sẽ xử lý các vấn đề giao thương với Bình Nhưỡng để vừa đảm bảo hòa bình, ổn định của bán đảo Triều Tiên vừa bám sát con đường phi hạt nhân hóa.

Sau điện đàm, Mỹ-Trung hứa giải quyết hòa bình chuyện Triều Tiên - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) - Ảnh: REUTERS

Nhấn mạnh trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump ngày 6-9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói Bắc Kinh muốn vấn đề Triều Tiên phải được giải quyết thông qua đối thoại và các phương thức hòa bình khác.

Trung Quốc "sẽ không ngần ngại" trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trích lời ông Tập.

"Nhưng đồng thời, chúng tôi kiên quyết bảo vệ hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn. Cần bám sát các giải pháp hòa bình cho vấn đề", ông Tập nhấn mạnh.

Tuyên bố sau đó của Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo đã nhất trí cùng phối hợp để giải quyết vấn đề Triều Tiên trong thời gian tới.

Tổng thống Mỹ tuyên bố hành động quân sự chống Triều Tiên không phải là lựa chọn đầu tiên và ông đã có một cuộc thảo luận thẳng thắn và mạnh mẽ qua điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc về vấn đề này.

"Tôi tin là Chủ tịch Tập đã hoàn toàn đồng ý 100% với tôi. Có vẻ như ông ấy đang muốn làm một thứ gì đó. Chờ xem ông ấy có thể làm được hay không nhưng chúng ta chắc chắn không thể tha thứ cho những gì diễn ra ở Triều Tiên", tổng thống Trump nhấn mạnh trước đông đảo báo giới sau cuộc nói chuyện.

Cuộc điện đàm diễn ra chỉ một ngày trước khi 4 bệ phóng thuộc tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được triển khai tới Hàn Quốc. Cũng như lần trước, hàng ngàn người dân đã xuống đường biểu tình và xung đột với cảnh sát tại địa điểm triển khai THAAD.

Ngày 3-9, Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch (bom H) có thể gắn lên tên lửa đạn đạo liên lục địa. Cộng đồng quốc tế đã lập tức phản ứng trước vụ thử hạt nhân lần 6 của Bình Nhưỡng.

Trong mấy ngày gần đây, các cuộc điện đàm, gặp gỡ giữa các quan chức và lãnh đạo Mỹ diễn ra thường xuyên xoay quanh vấn đề Triều Tiên. Trung Quốc trở thành nước bị gây sức ép thứ hai chỉ sau "nhân vật chính" Bình Nhưỡng vì mối quan hệ gần gũi giữa hai nước.

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, năm 2016, Trung Quốc chiếm tới 92% giao thương của Triều Tiên. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng làm căng, triệt tất cả đường sống của Triều Tiên. Điều đó đã được thể hiện rõ hơn qua tuyên bố sáng 7-9 của Bộ Thương mại Trung Quốc.

Không loại trừ Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc bằng các lệnh trừng phạt cấm giao dịch tại Mỹ đối với các tổ chức, cá nhân Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không để yên và Washington cũng chưa thể đụng vào các tập đoàn, ngân hàng mạnh nhất của Trung Quốc, theo giới chuyên môn.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,364,874       738