TTO - Tòa án nhân quyền châu Âu ngày 5-9 đã giới hạn quyền của chủ sở hữu lao động trong việc truy cập tin nhắn cá nhân của nhân viên, một phán quyết bước ngoặt đối với sự riêng tư tại nơi làm việc.
Ông Barbulescu đã trải qua cuộc chiến pháp lý kéo dài 10 năm tại các tòa án Romania và châu Âu - Ảnh: AFP
AFP cho biết Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) đã phán quyết ủng hộ một người đàn ông Romania sau khi ông này tuyên bố rằng chủ của ông đã sa thải ông hồi năm 2007 vì gửi tin nhắn riêng trong văn phòng.
Ông Bogdan Mihai Barbulescu (38 tuổi, công dân Romani) đã trải qua một cuộc chiến pháp lý kéo dài 10 năm vì cho rằng quyền riêng tư của mình đã bị xâm phạm khi chủ doanh nghiệp nơi ông làm việc đã vi phạm bí mật thư tín cá nhân, cụ thể là truy cập vào những tin nhắn trao đổi giữa ông và người thân, bao gồm các nội dung về sức khỏe và đời sống tình dục.
Trong phán quyết hồi tháng 1-2016, Tòa Romani cho rằng chủ doanh nghiệp, nơi ông Barbulescu làm việc, được phép truy cập tin nhắn vì họ muốn xác tín "nhân viên đã hoàn thành nhiệm vụ trong giờ làm việc".
Tuy nhiên trong phiên tòa xem xét lại vụ kiện, 17 thẩm phán tối cao tại tòa án ở Strasbourg, Pháp đã phát hiện ra rằng tòa án tại Romania đã "không bảo vệ đầy đủ quyền của ông Barbulescu trong việc tôn trọng cuộc sống riêng tư và thư tín của ông".
ECHR cho rằng phán quyết của tòa án trước đây không "đạt được sự cân bằng giữa các quyền lợi" về quyền kiểm soát nhân viên và quyền riêng tư của nhân viên.
Các thẩm phán cũng nhận thấy rằng việc sử dụng Internet tại nơi làm việc vì một số lý do cá nhân là hợp lý.