TTO - Việc sử dụng mạng xã hội để tung tin đồn câu like hoặc với mục đích đùa giỡn không còn là chuyện lạ dù nhiều người đã bị xử lý về hành vi này.
Thông tin rơi máy bay được đăng trên Facebook - Ảnh chụp màn hình
Ngày 30-8 vừa qua, cơ quan điều tra công an tỉnh Thái Nguyên đã bắt giữ người tung tin đồn vỡ đập Hồ Núi Cốc. Đây không phải là trường hợp đầu tiên người tung tin đồn thất thiệt lên mạng xã hội bị xử lý.
Trước đó, cơ quan chức năng đã phạt hành chính hoặc mời những người dùng mạng xã hội để "câu like" hoặc thậm chí chỉ để "đùa giỡn".
Tung tin chỉ để "câu like"
Ảnh hưởng của những thông tin thất thiệt để lại hậu quả không nhỏ nhưng nhiều người vẫn thực hiện. Tung tin máy bay rơi để câu like bán hàng online, tung tin đồn sờ ngực làm từ thiện gây bức xúc trong cộng đồng và hiểu lầm đối với chính quyền và cơ quan tổ chức…
Tất cả những việc "tung tin ảo" này đều có hình thức chế tài, nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thừa nhận rằng việc mạng xã hội phát triển phát sinh ra nhiều vấn đề khiến cơ quan chức năng luôn luôn phải xử lý những tình huống hoàn toàn mới, tuy nhiên, một cán bộ điều tra Bộ Công an cho rằng, việc truy tìm các nguồn thông tin, gốc gác của những tin đồn để xử lý tốn nhiều thời gian.
Thậm chí, người vô tình chia sẻ thông tin đó gây hoang mang cho dư luận cũng có thể bị xem xét xử lý.
Về vấn đề này, luật sư Phạm Hoài Nam - đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng cùng với công nghệ phát triển, việc người dân sử dụng mạng xã hội làm phương thức liên lạc, tiếp nhận, chia sẻ thông tin đã không còn xa lạ.
Thời gian qua, cũng xuất hiện nhiều trường hợp sử dụng mạng xã hội để tung những tin kiểu giật gân nhằm thu hút sự quan tâm của mọi người để "câu like", bán hàng hoặc cố tình gây ảnh hưởng đến người khác.
Điều đáng nói là ở đây những thông tin này có thể thiếu căn cứ, không đúng sự thật, tuy nhiên nó vẫn được nhiều người quan tâm, lan truyền.
Hành vi này tưởng chừng như vô hại, không ảnh hưởng đến ai hoặc do ý thức chủ quan không cần quan tâm việc mình làm sẽ gây hậu quả như thế nào.
Việc tung tin đồn thất thiệt trên mạng sẽ gây kích động dư luận, gây hoang mang tinh thần người dân, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh xã hội; thậm chí đã dẫn tới nhiều vụ việc gây thiệt hại về vật chất, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của người khác từ những tin đồn không được kiểm chứng.
Có thể kể đến một số trường hợp gần đây như tin đồn bắt cóc trẻ em ở Cao Bằng, Hải Dương, hiếp dâm ở Bình Thuận, các thông tin liên quan đến chính trị - xã hội, an ninh… được đăng tải trên tài khoản facebook cá nhân nhiều người.
Còn nhiều sự việc không có thật hay việc đăng tải thông tin, sử dụng hình ảnh, clip cá nhân của người khác để tạo tin đồn để "sống ảo, câu like", thậm chí cố ý gây ảnh hưởng đến người khác, nhưng vẫn được đông đảo người sử dụng mạng xã hội lan truyền.
"Nhiều trường hợp tung tin đồn đoán thất thiệt này đã gây những hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị tung tin đồn mà người chia sẻ tin chưa lường định được" - luật sư Nam nói.
Theo Điều 122, Bộ luật Hình sự 1999, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Luật sư NGUYỄN THẠCH THẢO - Đoàn luật sư TP.HCM
Xử phạt hành vi tung tin đồn thất thiệt
Việc tung tin đồn thất thiệt thông qua mạng xã hội vì bất cứ lý do gì đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy thuộc vào nội dung, mức độ hậu quả nghiêm trọng của việc tung tin đồn gây ra cho dư luận, tình hình an ninh trật tự, xã hội, con người… thì sẽ có hình thức và mức xử lý tương ứng về hành chính, dân sự, hình sự.
Trong lĩnh vực xử phạt hành chính, có thể bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện từ tổng hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP với hành vi "Cung cấp nội dung thông tin sai sự thất, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tin của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân".
Xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với hành vi "Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác" quy định tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định trên.
"Trong lĩnh vực dân sự, căn cứ Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và quy định tại Điều 584, từ Điều 589 đến Điều 592 Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thì cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu đính chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại. Nặng hơn thì bị xử lý hình sự", luật sư Phạm Hoài Nam bình luận.
Cần chọn lọc thông tin để chia sẻ!
Mạng xã hội là nơi mọi người sử dụng để bày tỏ ý kiến của mình, tiếp nhận, chia sẻ thông tin, đây là quyền của mỗi người, nhưng trước hết, mỗi người dân cần phải tự ý thức trách nhiệm đối với những thông tin do bản thân đưa lên.
Đặc biệt, không nên lạm dụng mạng xã hội để đưa thông tin sai sự thật, không có căn cứ dù chỉ nhằm mục đích trêu đùa, không có chủ đích xâm phạm đến quyền lợi của người khác.
Người dân cũng cần phải cảnh giác, chọn lọc thông tin; không nên chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở; đồng thời, nên tiếp nhận thông tin thông qua các trang chính thống, có uy tín để tránh những hậu quả đáng tiếc do sự thiếu hiểu biết, bị các đối tượng xấu lợi dụng.
Và trong trường hợp phát hiện có người tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, người dân cần thông báo ngay với các cơ quan chính quyền địa phương, cơ quan công an nơi xảy ra vụ việc để có biện pháp xử lý kịp thời.
Luật sư Phạm Hoài Nam