Sống khỏe

Cuộc chiến Make in India chống lại Made in China ở Ấn Độ

TTO - Nhiều cuộc tuần hành kêu gọi tẩy chay hàng hóa “made in China” đã diễn ra trong tháng qua ở Ấn Độ. Người Ấn cho rằng Trung Quốc chơi không sòng phẳng.

Cuộc chiến Make in India chống lại Made in China ở Ấn Độ - Ảnh 1.

Tuần hành kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ hồi tháng 8 - Ảnh: Reuters

Ấn Độ là một trong các nhà sản xuất thuốc generic lớn nhất thế giới, dù đã xuất đi Mỹ, châu Âu nhưng lại không thể xâm nhập thị trường Trung Quốc vì chính sách bảo hộ của Bắc Kinh

K. S. Venkatachalam (nhà phân tích chính trị)

Anh Đức Thiện, một cán bộ nghiên cứu môi trường từ TP.HCM, có đôi chút bất ngờ trong chuyến tập huấn tại thành phố Hyderabad, thủ phủ bang miền nam Telangana của Ấn Độ. 

Đầu tháng 9, lang thang trên những con đường "sao mà giống Sài Gòn ngày xưa" của Hyderabad, anh Thiện tìm một số quà lưu niệm "made in India" cho bạn bè. 

"Đâu đâu tôi cũng thấy bày bán đồ Trung Quốc, không lẽ qua đây mà lại mua đồ made in China..." - anh Thiện ngạc nhiên.

Ba năm sau ngày Thủ tướng Narendra Modi phát động sáng kiến "Make in India" (tháng 9-2014), đây có lẽ cũng là một thực tế mà ít người Ấn cảm thấy vui.

Điều tra liên tục

Cuối tháng 8, Ấn Độ lên tiếng bác bỏ thông tin của truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng New Delhi sẽ áp thuế chống phá giá lên 93 mặt hàng Trung Quốc trong năm nay. 

Bộ Ngoại giao Ấn Độ giải thích lý do là các biện pháp này thật ra... đã có hiệu lực, và đây là kết quả của những cuộc tranh luận liên hồi kéo dài 5 năm tại Ấn Độ.

93 mặt hàng Trung Quốc bị Ấn Độ "bủa thuế" bao gồm hóa phẩm và hóa phẩm dầu khí, các sản phẩm thép và kim loại, sợi và len, máy móc, cao su và sản phẩm nhựa, sản phẩm và linh kiện điện tử, hàng tiêu dùng..., theo Đại sứ quán Ấn Độ tại Trung Quốc.

Theo số liệu Bộ Thương mại Trung Quốc, Ấn Độ đã tiến hành 212 cuộc điều tra hàng Trung Quốc từ năm 1994, và 93 cuộc trong số đó vẫn đang diễn ra. 

Trong năm nay, 13 cuộc điều tra khác đã được khởi động và Ấn Độ đã vượt qua Mỹ về số lượng các cuộc điều tra thương mại chống lại Trung Quốc.

Ấn Độ có lý do chính đáng để lo sợ. Tháng trước, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã có cuộc nói chuyện thẳng thắn với người đồng cấp Trung Quốc Zhong Shan về việc "quả bong bóng" thâm hụt thương mại giữa hai nước đã phình quá to. 

Nếu như cách đây vài năm, thâm hụt thương mại Ấn - Trung chỉ khoảng 37,2 tỉ USD, bây giờ đã tăng lên 52,68 tỉ USD. Đây là một con số khổng lồ, và người Ấn lo nó đã chạm ngưỡng "không còn bền vững".

Ông Sitharaman đặc biệt nhấn mạnh Bắc Kinh cần có hành động giảm mức thâm hụt này bằng cách mở cửa thêm thị trường cho các sản phẩm dược, công nghệ thông tin và nông nghiệp của Ấn Độ.

Chưa có lối thoát

Tại một hội nghị đang diễn ra ở thành phố Mathura, bang Uttar Pradesh, các nhà lãnh đạo của Tổ chức Tình quyện quốc gia (RSS, tổ chức được xem là nguồn gốc của Đảng Nhân dân cầm quyền Ấn Độ) yêu cầu chính phủ trung ương tiến hành "phong tỏa kinh tế" Trung Quốc, hoặc ít nhất là áp thuế chống phá giá lên hàng Trung Quốc để giúp hàng Ấn Độ có thể cạnh tranh.

Lời kêu gọi "chống Trung" của RSS - một tổ chức cánh hữu - được đánh giá là xuất phát từ đợt đối đầu căng thẳng giữa quân đội Ấn và Trung Quốc trên cao nguyên Doklam vừa qua. Nhưng thực tế không phải không có lý do từ việc hàng hóa Trung Quốc đang tràn ngập khắp chợ ở Ấn Độ.

Một bài xã luận của tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cũng đáp trả bằng cách kêu gọi các công ty Trung Quốc "cân nhắc rủi ro" khi đầu tư vào Ấn Độ, đồng thời cảnh báo New Delhi "chuẩn bị tinh thần đón nhận hậu quả vì hành động nông nổi". 

Bài báo khẳng định Trung Quốc "có thể trả đũa dễ dàng" bằng cách phong tỏa hàng Ấn Độ, nhưng bổ sung rằng điều này "không mang lại ý nghĩa kinh tế" cho Trung Quốc.

Đáng tiếc là lời đe dọa của Trung Quốc là có cơ sở. Chuyên gia K. S. Venkatachalam đánh giá dù sáng kiến "Make in India" của Thủ tướng Modi đang được thúc đẩy, không dễ dàng để Ấn Độ gia tăng năng lực sản xuất trong một thời gian ngắn. 

"Cần phải lưu ý rằng xuất khẩu của Trung Quốc vào Ấn Độ chỉ chiếm 2% tổng xuất khẩu của nước này. Nếu tẩy chay hàng Trung Quốc, các công ty Ấn Độ sẽ bị thiệt hại nhiều nhất" - ông phân tích.

Quay lại Hyderabad, sau một hồi tìm kiếm, anh Đức Thiện đành tạm hài lòng với một chiếc xe tuk-tuk đồ chơi và một con voi gỗ cho cậu con trai. 

"Không có gì nhiều nhưng ít nhất người bán hàng nói với tôi đây là hàng sản xuất ở Ấn Độ. Hi vọng lần sau tôi có dịp quay lại đây thì mọi thứ sẽ khác" - anh tâm sự.

Trung Quốc tự tin

Truyền thông Trung Quốc cho rằng điện thoại di động của Trung Quốc đang chiếm lĩnh 50% thị trường ở Ấn Độ nhưng thực tế đều được lắp ráp tại Ấn. Vì thế, tẩy chay điện thoại Trung Quốc cũng chính là giết chết công việc của người lao động Ấn.

Trung Quốc giải thích rằng hàng hóa của mình sở dĩ thống lĩnh ở Ấn bởi giá rẻ, dễ dùng do tính tương đồng của hai nền kinh tế khổng lồ và mới nổi.

Bắc Kinh cũng cho rằng doanh nghiệp Trung Quốc đâu chỉ xuất hàng hóa mà còn xuất khẩu cả công nghệ cho phía Ấn Độ, vốn phù hợp với trình độ người dân hơn là các công nghệ tinh vi của phương Tây.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,365,948       673