Sống khỏe

Không nên ăn cay quá

TTO - Món mì cay 7 cấp độ đang thu hút nhiều bạn trẻ.

Một nhóm bạn trẻ
Một nhóm bạn trẻ "thử sức" ăn mì cay 7 cấp độ tại một quán ăn ở TP.HCM - Ảnh: Hoài Linh

Với những món cay, ấm nóng thì phù hợp với xứ lạnh hơn. Mỗi người có một ngưỡng ăn cay nhất định. Mức độ, khả năng hấp thu, chịu đựng độ cay của cơ thể mỗi người khác nhau.

Những người có khả năng ăn cay tốt là nhờ luyện tập. Bất cứ cái gì ăn với liều lượng quá nhiều thì đều gây độc, ăn cay quá cũng vậy, nếu như độc cấp tính thì phải vào bệnh viện rửa ruột.

Vì vậy, chỉ nên ăn ở mức độ khi cơ thể thấy vừa đủ để không ảnh hưởng sức khỏe.

BS TRẦN HÀ HIẾU

Dù trời Sài Gòn có những ngày nắng nóng gần 40 độ C nhưng có người không ngần ngại thử cảm giác “bốc hỏa” vì cay nóng, thậm chí là cảm giác đau tức bao tử, để chinh phục những thố mì từ cay đến rất cay.

Tại một quán mì cay trên đường Phạm Văn Đồng (Q. Gò Vấp), mỗi tối thường chật kín khách, đa số là các bạn trẻ. Mì cay ở đây có nhiều loại: mì kim chi đặc biệt, mì kim chi hải sản, mì bò thập cẩm... có giá từ 39.000 - 59.000 đồng/thố.

Rộ “mốt” mì cay 7 cấp độ

Theo một nhân viên ở quán này, vị cay của thố mì có từ bột ớt Naga, là một loại ớt cực cay ở nước ngoài.

“Để chế biến món mì cay phù hợp cho người Việt Nam, độ cay của ớt Naga được giảm đi nhiều, nếu để nguyên thì không thể ăn nổi. Dùng ớt Naga cay nhưng không hăng, hắc. Còn ớt của Việt Nam nhiều loại có mùi hăng nên khó ăn”- nhân viên này nói.

Cũng theo nhân viên này, mì cay nhẹ nhất thì có cấp độ 0 và 0,5, cay nhất là cấp độ 7. Đa số mọi người thường gọi mì cấp độ 1, 2. Cũng có nhiều người ăn cay giỏi thì gọi cấp độ 4, 5.

Một khách hàng của quán là bạn Lam Giang, ngụ Q.Gò Vấp, chia sẻ: “Thấy nhiều bạn đi ăn, tôi thử ăn để xem chịu được cay đến mức nào. Chỉ ăn cấp độ 1 mà tôi đã thấy tê lưỡi và môi, nóng họng. Ăn vài miếng không sao nhưng càng ăn càng thấy nóng, mặt đỏ, cay xé lưỡi, vừa ăn vừa uống nước thật lạnh”.

Hơn 20g ngày 13-5, chúng tôi ghé vào một quán mì cay 7 cấp độ trên đường Trường Sa thì nhân viên giữ xe nói đang hết bàn, chờ 40 phút nữa mới có.

Trong khi đó, một khách hàng của món mì cay là chị Trần Thùy Trang (25 tuổi, Q.3) nói: “Tôi ăn thử vì một phần ai cũng bảo cay lắm nên muốn xem thử mức độ cay như thế nào. Tôi đã cẩn thận chọn loại cay nhẹ, cấp độ 1 nhưng ăn xong thấy nóng ran người và cảm thấy hơi ách tức bao tử”.

Nhiều người tìm ăn món này vì tò mò, có người ăn vì thích ẩm thực xứ sở kim chi, nên các quán mì cay đang hút khách, đặc biệt là buổi tối. Ăn cay là chuyện cũng không có gì đáng nói nếu nhiều bạn trẻ không thách đố nhau để nâng đô ăn cay của mình.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều người đăng tải hình ảnh những thố mì với nhiều cấp độ cay khác nhau, kèm theo đó là những lời bày tỏ cảm giác sau khi ăn. Mới đây, trên YouTube cũng đăng tải clip một nam thanh niên suýt nhập viện vì thử thách ăn mì cay cấp độ 7.

Nên lượng sức mình khi ăn cay

Bác sĩ Trần Hà Hiếu - phó trưởng khoa nội tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 175, TP.HCM - cho biết khi ăn cay, cơ thể có cảm giác nóng, sau đó sẽ tăng tiết, đó là hiện tượng thoát mồ hôi. Lượng nước thoát ra ngoài làm cơ thể có cảm giác mát.

Khi ăn quá cay, cơ thể cảm giác nóng, bồn chồn, nôn ói, tiêu chảy. Đó là cơ chế phản ứng tự bảo vệ cơ thể, để đưa độc tố ra vì khi không hấp thu được. Nếu sau khi nôn ói vẫn chưa hết, chất độc đã xuống dưới cơ thể, không nôn được nữa thì sẽ gây ra tiêu chảy để đẩy hết độc ra.

Còn nếu nặng quá, tiêu chảy nhiều lần, gây rối loạn nhiều bộ phận trong cơ thể, bắt buộc phải nhập viện để cân bằng lại tình trạng ban đầu. Với đường tiêu hóa có một lớp tiết nhầy để bảo vệ, nếu ăn cay quá, có thể phá hủy lớp nhầy của niêm mạc, chất cay tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc ảnh hưởng đến dạ dày.

Ví dụ như những người đang ăn ở chế độ rất nghèo dinh dưỡng, đột ngột ăn nhiều thịt quá, có thể gây ra viêm tụy cấp.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, ớt được xem như một loại trái cây, chứa chất capsaicin, beta-caroten, nhiều loại vitamin, tinh chất cần thiết, nhất là ớt màu đỏ, màu cam, chống oxi hóa. Chất capsaicin trong ớt có thể dùng làm thuốc, thường dùng làm thuốc giảm đau. Capsaicin còn có thể dùng làm thuốc rượu để xoa bóp, bôi ngoài da.

Nhưng 
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức khuyến cáo ăn cay gây ra cảm giác khó chịu về mặt vị giác, có thể gây kích ứng lưỡi, niêm mạc miệng. Những người ăn cay mà thấy khó chịu thì nên hạn chế ăn.

Sau khi ăn cay có thể uống sữa để bớt cay. Ăn cay kích thích cơ thể làm tiết axit dịch vị, có thể giúp cho tiêu hóa tốt hơn, nhưng với người yếu dạ dày, tiết nhiều axit thì không tốt. Một số người yếu dạ dày, có tiền sử bị viêm loét dạ dày, ăn cay có thể gây tổn hại niêm mạc.

Nói thêm về ớt Naga, bác sĩ Lê Thị Thu Hà, trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Quân y 175, cho biết những thông tin về ớt này rất ít người biết đến và tìm hiểu, nghiên cứu. Ớt Naga là giống ớt trái to, có độ cay cao nhưng cay dễ chịu, không hắc, không nồng như ớt Việt Nam.

Về công dụng, ớt Naga cũng có những công dụng như một số loại ớt khác. Nó cũng có các loại vitamin A, C, K, E..., chất khoáng, kẽm, capsaicin, kích thích ăn ngon, tăng sức đề kháng cơ thể, chống oxy hóa, kích thích tiêu hóa.

Bác sĩ Thu Hà cũng cho rằng người Hàn Quốc dùng ớt nhiều vì đây là xứ lạnh, ớt giúp tăng độ ấm, kích thích tim mạch. Song những người đã bị viêm loét dạ dày, tá tràng nên tránh ăn cay. Ngoài ra, không được ăn hạt ớt vì hạt ớt không tiêu hóa được qua dạ dày, dễ gây loét dạ dày

NGỌC LOAN
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,365,013       1,109