TTO - Giữa ngày đầu hè nóng nực, bước vào những quán cà phê máy lạnh ở Hà Nội, nếu không bắt sóng kịp thời cuộc, bạn có thể sẽ hốt hoảng vì khói mù mịt. Đó là vape, loại thuốc lá điện tử đang được giới trẻ sành điệu săn lùng.
Một nhóm bạn trẻ chơi vape tại một quán nước ở phố Quán Thánh, Hà Nội - Ảnh: Quang Thế |
Dạo trên các website trao đổi mua bán vape có thể cảm nhận độ “nóng” của vape khi có quá nhiều người, đa số là bạn trẻ vào tìm hiểu, trao đổi thông tin mua, bán, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng từ thiết bị đến juice (tinh dầu), cách trải nghiệm về “mùi” và “tạo khói” cho sành điệu...
Vape là sành điệu
Một quán cà phê cuối đường Triệu Việt Vương, Hà Nội, vừa bán vừa tư vấn cho khách về vape, tuy mới mở nhưng đã nhộn nhịp khách. Hầu hết là người trẻ tuổi, trong đó có cả nữ giới.
“Ở đây có cả trăm loại juice, mùi hoa hay mùi trái cây, mùi kẹo ngọt, cà phê..., giá 200.000-300.000 đồng/chai 30ml cũng có, giá 400.000-500.000 đồng/chai dung lượng tương tự cũng có, tùy nguồn gốc”, đây là lời chào bán của chủ quán.
Ngay tại quán này, các bàn đều bày sẵn các lọ juice và mẫu thiết bị tạo khói. 100% thiết bị đều ghi nguồn gốc Trung Quốc. Nhưng tinh dầu thì theo chủ quán có loại của Mỹ, của Malaysia, Philippines hoặc Trung Quốc.
Tại một quán khác cũng ở con phố này, chủ quán thuê hẳn một nhân viên phục vụ khách sửa thiết bị nếu có trục trặc hoặc bơm tinh dầu theo nhu cầu của khách.
“Một chai juice giá 480.000-500.000 đồng, dùng trong 1 tuần. Nhưng thường khách chơi vape thích thể hiện sự sành điệu nên có khi một ngày dùng mấy loại”, cậu nhân viên chia sẻ.
Trên nhiều trang mạng xã hội hiện nay tràn lan những hình ảnh các cô, cậu thổi khói “nghệ thuật”. Lượng khói hút vape nhiều hơn hút thuốc lá thông thường rất nhiều. Đó là lý do nhiều quán cà phê hiện nay lúc nào cũng mù mịt khói.
Nhưng do được tuyên truyền “vape không có hại cho sức khỏe người hút và người hít phải khói, thậm chí có thể dùng vape để cai nghiện thuốc lá”, nên hầu hết giới hút vape đều thản nhiên nhả khói mù mịt vào mặt khách khác mà không thấy ngại.
Giới trẻ Sài Gòn cũng có nhiều người chuộng vape. Các cửa hàng bán vape mọc lên như nấm, không khó tìm ra địa chỉ cho món đồ chơi mới lạ này.
Trưa 11-5, tại một cửa hàng trên đường Lê Hồng Phong (P.2, Q.10), nhiều bộ dụng cụ vape được bày bán với rất nhiều sản phẩm khác nhau. Nhân viên cửa hàng này giới thiệu loại đồ chơi này không độc hại, rất dễ sử dụng, đang được nhiều người ưa dùng.
Loại rẻ nhất của cửa hàng là 1,2 triệu đồng, cũng có loại mini có giá từ 600.000 đồng đến dưới 1 triệu đồng. Đặc biệt, có rất nhiều loại hương (tinh dầu) để khách sử dụng như mùi cà phê, sữa, trái cây... ở các nước Mỹ, Nhật, Ý, Úc, Malaysia có giá 120.000 đồng loại 10ml.
Tại một quán cà phê ở Q.3, một nhóm bạn sinh viên thay phiên nhau dùng thử vape, bạn K.T. cho biết: “Cảm giác phả khói ra rất sướng, mát mẻ, mùi hương lại thơm, tan liền trong không khí, không ảnh hưởng đến sức khỏe người khác. Nhóm bạn em ai cũng dùng loại thuốc lá điện tử này”.
Không độc hại, phong cách, sành điệu, chứng tỏ đẳng cấp (giàu, ăn chơi, cá tính), không hôi miệng là những “ưu điểm” được rất nhiều người bán hàng trực tiếp hoặc bán qua mạng quảng bá. Nhiều người trẻ bị hút vào cơn sốt vape vẫn là để chứng tỏ mình “sành điệu”.
Có độc hại không?
Xem thành phần của vape có nicotin, bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh - giám đốc Tổ chức Heath Bridge Canada, một tổ chức rất tích cực trong phòng chống tác hại thuốc lá ở VN - cho rằng sản phẩm có nicotin là có độc hại, bên cạnh mức độ độc hại do nicotin thì thuốc lá thông thường và các loại “thuốc lá kiểu mới” đều có thể gây độc do các thành phần phụ trợ, hóa chất dùng để xử lý, ngâm tẩm. Ở vape, đó là nhiều loại tinh dầu không rõ nguồn gốc.
“Khi hít vào thì khói ngấm qua thành mạch, thẩm thấu vào máu, gây ra các tác động có thể nguy hiểm cho các cơ quan tổ chức của cơ thể. Khi hít vào là các chất trong thuốc lá có thể có tiếp xúc với thành mạch, không bao giờ khói hít vào và thở ra là như nhau”- bà Hoàng Anh cho biết.
Cũng theo bà Hoàng Anh, nicotin có tác động lên hệ thần kinh, tim mạch và gây nghiện nên việc áp dụng các quy định đối với sản phẩm có nicotin phải tương tự như quy định với thuốc lá, tức là cấm hút ở trường học, bệnh viện, khu công cộng có mái che...
Khi vape có nicotin là có thành phần độc hại, phải chịu sự điều chỉnh của Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Nếu trong danh mục áp dụng chưa có sản phẩm thì cần tham vấn các nhà làm luật để bổ sung.
Theo ông Đinh Ngọc Sỹ - nguyên giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư, nguyên lý của vape theo mô tả tương tự người hút thuốc lào, hơi nước người dùng vape tưởng mình hít vào thật ra vẫn là hít hơi nicotin và các nguyên liệu tạo mùi được tẩm trong sợi đốt, việc lọc qua hơi nước sẽ làm ẩm, làm mát khiến người dùng tưởng là vô hại.
Cứ có nicotin là gây nghiện và một loại chất khiến người dùng phải lệ thuộc vào nó là có hại.
Nguồn gốc trôi nổi Theo nhiều người đã sử dụng vape, để mua một chiếc máy thuốc lá điện tử có nguồn gốc rõ ràng không dễ bởi trên thị trường hầu như là hàng trôi nổi. “Các đầu mối cung cấp vape ở phía Bắc hiện chủ yếu nhập hàng từ Trung Quốc vì đa số khách hàng không biết phân biệt và lợi nhuận cao. Vape xách tay từ châu Âu cũng có nhưng giá cao hơn và phải khách quen mới mua được, sau khi đặt hàng thì phải chờ vài tuần”- Đăng, một “đầu nậu” kinh doanh vape trên mạng, nói. Đăng kể trước đây nhiều bạn trẻ khi ngồi quán cà phê hoặc lên bar phải hút shisha, nhưng bây giờ người chơi muốn thể hiện đẳng cấp thì phải hút vape. Bởi vậy có những thời điểm như cuối năm 2015, mặt hàng này khan hiếm rất khó mua nhưng sau đó có nhiều “shop online” bán, nhiều “đầu nậu” nhập về bán tại nhà thì nguồn hàng phong phú hơn. Theo chân Đăng về cửa hàng tại nhà trong một con ngõ ở quận Ba Đình (Hà Nội), chúng tôi thấy hàng chục chiếc vape cùng những lọ tinh dầu nhiều loại được Đăng xếp trong một tủ kính cho khách lựa chọn. “Ngoài khách hàng chính ở Hà Nội thì tôi còn đổ sỉ cho nhiều mối ở Hải Phòng, Quảng Ninh và bán online cho nhiều khách hàng ở các tỉnh thành khác. Trước đây chủ yếu bán hàng xách tay từ Đức, Canada nhưng khi vape thành trào lưu thì cửa hàng nhập đủ loại, có cả hàng nhái của Trung Quốc để phục vụ nhiều khách hàng khác nhau”, Đăng chia sẻ. Khi biết chúng tôi có ý định “nhập hàng” với số lượng lớn để bán, Đăng cho biết nếu nhập đầy đủ thì có vài chục loại vape với mẫu mã, chất lượng và giá tiền khác nhau. Thế nhưng do người chơi nhiều mà lại ít kiến thức về vape nên các “đầu nậu” thường lập lờ bán hàng Trung Quốc là chính, nguồn hàng nhập về rất dễ và giá cả “mềm”. Tương tự, với tinh dầu tại cửa hàng của Đăng có gần 20 loại với đủ hương vị từ hoa quả như cam, táo, bưởi... đến trà xanh, vani và rất khó để phân biệt hàng xách tay từ châu Âu và hàng “fake”. Nếu là hàng xịn theo như Đăng nói giá bán từ 450.000-550.000 đồng, còn hàng trôi nổi được nhập về chỉ có giá từ 90.000-130.000 đồng/lọ 10-30ml. |