TTO - Căn phòng trị liệu tâm lý của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) được đóng kín, phía cửa treo biển “không gõ cửa, giữ im lặng”.
Yoga là một môn tập giúp giải tỏa căng thẳng hiệu quả - Ảnh minh họa: Lê Phan |
Cuộc sống cần đa dạng, chúng ta không nên chỉ biết một mặt như hoặc chỉ gia đình, hoặc chỉ công việc… Đến khi có chuyện gì đó sẽ dễ rơi vào hụt hẫng, suy nghĩ tiêu cực, buồn chán |
TS Ngô Tích Linh |
Trong không gian yên tĩnh, riêng tư, chuyên viên tâm lý bắt đầu buổi trị liệu với bệnh nhân của mình. Buổi trị liệu kéo dài khoảng 30-45 phút.
Điều trị tâm lý
Chuyên viên tâm lý Huỳnh Thị Hoài Như - giảng viên bộ môn tâm thần Đại học Y dược TP.HCM, đang tham gia điều trị tại khoa tâm thần kinh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - chia sẻ người bệnh trầm cảm thường chôn giấu, cố quên đau buồn.
Quá trình điều trị, bác sĩ tâm lý giúp họ bộc lộ cảm xúc, đào sâu những câu chuyện của họ từ hồi nhỏ. Rà soát xem trước đó cuộc sống của họ có biến cố gì, giúp họ hiểu rõ vấn đề của mình.
Thay vì cho lời khuyên, bác sĩ để người bệnh đau buồn một khoảng thời gian để họ hiểu và tìm được một người hoặc động lực giúp họ khỏe mạnh trở lại. Hoặc sau thời gian được nghỉ ngơi tâm trí, bệnh nhân tìm thấy nguồn sức mạnh tinh thần giúp họ bình tâm.
Một liệu trình điều trị tâm lý kéo dài ít nhất 6-12 tháng, tùy mức độ nghiêm trọng về vấn đề tâm lý. Có người điều trị tới hai năm. Thông thường một tuần một lần, bác sĩ tâm lý sẽ tiếp xúc, trò chuyện cùng bệnh nhân của mình. Tùy mỗi bệnh nhân sẽ có cách thức nói chuyện, sử dụng kỹ năng tham vấn phối hợp với những bài tập điều trị khác nhau giúp người bệnh thoát khỏi gánh nặng tâm lý kia.
Ở góc độ chuyên môn, ThS.BS tâm lý lâm sàng Giang Ngọc Thụy Vy - khoa tâm lý y học Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - cho biết ở nước ta đang thiếu đội ngũ nhân viên công tác xã hội, hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần nhằm tìm hiểu và cải thiện môi trường sống của bệnh nhân.
Trong khi ở nhiều nước, bệnh viện có riêng nhân viên công tác xã hội hoặc thông qua đội ngũ công tác xã hội tại địa phương có thể đến tìm hiểu nơi sinh sống, làm việc của bệnh nhân. Qua đó, đội ngũ này giúp điều chuyển tích cực phần nào môi trường sống của bệnh nhân.
Mặt khác, không gian và cơ sở vật chất phục vụ cho trị liệu tâm lý chưa đầy đủ và phù hợp. Bệnh nhân trầm cảm có nhiều vấn đề bí mật cần thổ lộ nên họ rất cần không gian riêng tư để nói chuyện thoải mái, không bị tác động bởi yếu tố bên ngoài.
Trong khi đó, cơ sở công lập hầu hết không có phòng tách biệt cho người bệnh. Mặt khác, theo bác sĩ Vy, điều trị tâm lý cho rối loạn trầm cảm không chỉ một buổi mà đòi hỏi người bệnh và nhà trị liệu tâm lý phải cam kết đồng hành trong một tiến trình đầy đủ.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của BS Thụy Vy, đặc điểm giảm hứng thú, động lực của rối loạn trầm cảm cũng góp phần khiến không ít bệnh nhân mắc rối loạn này đều bỏ cuộc giữa chừng hoặc tạm ngưng điều trị, khi đạt vài mục tiêu điều trị ban đầu, đặc biệt lúc người bệnh cảm thấy mình “tạm ổn”!
Nhìn cuộc sống tích cực
Áp lực trong cuộc sống là điều không tránh khỏi, có người vượt qua stress, sang chấn tâm lý một cách dễ dàng. Nhưng có người triền miên đau khổ, áp lực, dồn nén lâu ngày trở thành trầm cảm.
TS Ngô Tích Linh - chủ nhiệm bộ môn tâm thần Trường đại học Y dược TP.HCM - chia sẻ trầm cảm thường xuất phát từ đa yếu tố nên rất khó tìm nguyên nhân rõ ràng, nhưng chắc chắn có sự thay đổi về chất dẫn truyền thần kinh. Vì vậy, mỗi người cần tìm cách cân bằng, khi gặp stress cần bình tĩnh giải quyết để không rơi vào trầm cảm.
Trong cuộc sống nên hài hòa ba yếu tố bản thân, gia đình và xã hội. Nhiều người dường như hiểu rất rõ mong đợi của người xung quanh, nhưng lại quên việc tìm hiểu bản thân.
Thực tế nhiều người quá ôm đồm, chuyện gì cũng làm. Trong công việc không tin đồng nghiệp, cấp dưới, kiểm soát từng chi tiết. Cuối cùng ôm công việc về nhà, đầu tắt mặt tối không có thời gian thư giãn dẫn đến áp lực không đáng có.
Ngay trong gia đình, mỗi thành viên cũng có vai trò của mình. Mọi người cùng san sẻ trách nhiệm, không đẩy thành viên nào ra khỏi cuộc sống chung của gia đình.
ThS.BS Đinh Hữu Uân - phụ trách văn phòng Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến Bệnh viện Tâm thần trung ương I - cũng cho biết có hai nguyên nhân của bệnh trầm cảm là nội sinh và ngoại sinh.
Nếu trầm cảm xuất phát từ nội sinh, tự phát ra sẽ không có cách phòng tránh. Nhưng nếu xuất phát từ áp lực gia đình, công việc hoặc bị stress nặng, bệnh có thể phòng được.
Muốn vậy cần chú ý cân bằng công việc và thời gian nghỉ ngơi. Không làm việc quá sức, căng thẳng và ngủ đủ giấc. Cần hạn chế, đề phòng những áp lực, bất hòa trong cộng đồng và các mối quan hệ xã hội. Nên có cách nhìn cuộc sống lạc quan, tích cực, đa chiều. Tìm kiếm công việc phù hợp, yêu thích, có cảm hứng để mình làm.
“Bệnh trầm cảm có thể xảy ra với bất cứ ai. Khi có dấu hiệu buồn rầu, chán chường, u uất kéo dài trong hai tuần, nên đến ngay bác sĩ chuyên khoa tâm thần để khám và điều trị”, bác sĩ Uân khuyến cáo.
Bệnh nhân bị các bệnh mãn tính như bị đột quỵ, tai biến, động kinh, Parkinson… dễ dàng bị trầm cảm nên cần giúp họ suy nghĩ tích cực. Không để họ rơi vào buồn chán, cô đơn, suy nghĩ túng quẫn. |