TTO - Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp thứ hai trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh.
Bệnh nhân trầm cảm đến khám tại khoa thần kinh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: T.Long |
WHO khuyến cáo việc ruồng bỏ, hay gạt sang bên lề người mắc trầm cảm là vấn đề lớn ngăn cản nhiều người tìm đến các dịch vụ giúp đỡ.
PV Tuổi Trẻ đã đến khoa khám bệnh của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương để hiểu hơn câu chuyện mặc cảm của nhiều bệnh nhân trầm cảm.
Nhiều nghiên cứu về bệnh trầm cảm cho biết tỉ lệ người bệnh trầm cảm ở các quốc gia trên thế giới chiếm khoảng 2-5% dân số. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay có hơn một nửa bệnh nhân trầm cảm không biết hoặc một mực không tin khi bác sĩ chẩn đoán bị trầm cảm.
“Mất ngủ thôi, sao bị trầm cảm”
Sảnh chờ trước các phòng khám bệnh của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đông nghịt người. Khác với cảnh ở các bệnh viện đa khoa, bệnh nhân ở đây ít nói chuyện với nhau. Nhiều người, nhất là người trẻ tuổi, còn đeo khẩu trang vì sợ ánh mắt dò xét, dị nghị.
Đôi mắt sâu hoắm, thâm quầng sau nhiều đêm mất ngủ, chị V.T.M.Tr. (23 tuổi, Đồng Nai, sinh viên năm cuối) ngồi thu mình một góc, tránh sự dò xét của người khác. Sau khi khám, Tr. được bác sĩ cho làm trắc nghiệm tâm lý.
Trong lúc Tr. chờ kết quả, chúng tôi hỏi chuyện Tr.. Lúc đầu Tr. tỏ ra sợ sệt, e dè, ánh mắt đầy nghi ngại. Phải gần một tiếng sau Tr. mới chịu mở lời trò chuyện. Tr. là con út trong gia đình có 6 anh chị em. Hoàn cảnh khó khăn nên Tr. đi làm thêm kiếm tiền đi học. Đậu đại học, bước chân lên thành phố với niềm tự hào, kỳ vọng của gia đình, mới đầu Tr. rất hào hứng, đầy niềm tin vào một tương lai đổi thay.
Nhưng cuộc sống vốn không dễ dàng như Tr. nghĩ. Đến năm hai, các môn học càng khó dần. Tr. cố vùi đầu vào để “đua” kịp với bài giảng của thầy cô. Chỉ duy nhất một môn học dù cố gắng nhưng ba lần thi đều trượt, Tr. bắt đầu chán nản. Niềm đam mê ban đầu giờ phủ đầy sự chán ghét, buông bỏ. Từng bước chân đến trường của Tr. cũng gượng ép.
59-87% những người tự sát có rối loạn trầm cảm. 15% bệnh nhân trầm cảm chết do tự tử. |
Cuối cùng Tr. bỏ học, kiếm việc làm thêm. Một năm sau quay lại trường, Tr. học hành sa sút, không còn hứng thú. Gia đình thúc giục con học, Tr. càng hoảng sợ và vùi đầu vào sách vở. Áp lực, nỗi sợ đè nén khiến Tr. triền miên mất ngủ, bỏ ăn, rồi thu mình trong bốn bức tường, mất hết hứng thú với mọi việc.
Quá mệt mỏi, Tr. đến bệnh viện đa khoa khám. Uống thuốc 10 ngày không giảm, Tr. được chuyển sang Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, bác sĩ chẩn đoán bị bệnh trầm cảm. Khi bác sĩ nói về bệnh, Tr. không tin mình trầm cảm. Bác sĩ giải thích hồi lâu, chị mới nghe và chấp nhận uống thuốc điều trị. Tr. chia sẻ chị chỉ nói với người trong nhà, còn bạn bè thì giấu biệt vì sợ mọi người đồn đoán bị bệnh tâm thần.
Cũng như chị Tr., chị N.H.P.L. (Q.8) được bạn đưa vào khám với khuôn mặt đờ đẫn, mệt mỏi. Bạn chị L. kể L. vừa ra trường được một năm và về làm việc tại công ty của một người trong gia đình. Người nhà luôn ép L. làm theo ý mình, có khi dùng đến vũ lực, L. sợ hãi, hoảng loạn.
Ban đầu chỉ khóc buồn, bỏ ăn. Lâu ngày nỗi sợ ám ảnh khiến L. mất ngủ dài ngày. Chợp mắt chỉ toàn mơ ác mộng. Xấu hổ, L. giấu biệt bạn bè, thu mình sợ sệt.
Một thời gian biết được, bạn của L. mới đưa chị vào khám. Cả bạn và L. chỉ nghỉ căng thẳng nên mất ngủ chứ không nghĩ đến chuyện bị trầm cảm. Đến khi bác sĩ cho biết bệnh tình, L. liên tục thắc mắc: “Em chỉ mất ngủ, sao bị trầm cảm...”.
Không riêng gì chị Tr. và chị L., nhiều bệnh nhân khi đi khám đều không biết mình bệnh trầm cảm. BS CKII Nguyễn Hữu Thăng, phó trưởng khoa khám bệnh I Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, chia sẻ nhiều bệnh nhân đến khám khi được chẩn đoán một mực cho rằng mình không bị trầm cảm. Có người còn từ chối, tự ngưng việc uống thuốc.
“Hầu hết bệnh nhân còn sợ bị kỳ thị, nghe bệnh liên quan đến tâm thần ai cũng mặc cảm. Bác sĩ phải giải thích cặn kẽ, phải tư vấn thêm qua điện thoại sau đó, người bệnh mới chịu hợp tác điều trị” - bác sĩ Thăng chia sẻ.
Mặc cảm với bệnh
BS CKII Vũ Kim Hoàn - phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - cho biết hiện nay quá trình đô thị hóa, những khó khăn trong cuộc sống, áp lực công việc càng tăng, gây ra những mâu thuẫn trong gia đình, xã hội.
Nếu chúng ta không đáp ứng được sự thay đổi này, áp lực này... dễ dẫn đến tình trạng trầm cảm và hàng loạt bệnh lý khác. Lâu ngày trở nên buồn chán, suy nghĩ bi quan, nặng hơn nữa là có ý định tự tử.
Thường độ tuổi từ 30-40 tuổi trở lên dễ bị trầm cảm. Phụ nữ sau khi sinh, người bệnh sau khi bị đột quỵ, tai biến, động kinh, Parkinson, đái tháo đường... rất dễ bị trầm cảm.
Đáng nói, người bệnh thường ít khi ý thức được họ bị bệnh và do còn nhiều định kiến về bệnh tâm thần nên họ không chịu đến bệnh viện tâm thần khám ngay. Khi có các triệu chứng bất thường, họ chỉ nghĩ bị các bệnh lý cơ thể nên thường đến các chuyên khoa như tim mạch, tiêu hóa, thần kinh... để khám.
Nếu đi khám ở nhiều nơi, bệnh không thuyên giảm mà càng nặng hơn mới chịu đến cơ sở chuyên khoa tâm thần điều trị, hoặc được các cơ sở y tế không chuyên khoa chuyển đến.
Bác sĩ Hoàn khuyến cáo, do áp lực trong cuộc sống, mâu thuẫn trong gia đình; ngoài xã hội, tại nơi công tác hoặc học tập..., ai cũng có thể gặp một cơn trầm cảm, nên cần nhận biết và phát hiện triệu chứng bất thường để điều chỉnh lại cuộc sống. Khi các triệu chứng chuyển biến nặng hơn phải đi khám, điều trị đúng chuyên khoa.
“Nhiều người khi đến khám tại Bệnh viện Tâm thần thường sợ người khác nghĩ mình bị khùng, bị điên nên né tránh việc khám và điều trị, cuối cùng để bệnh nặng hơn” - bác sĩ Hoàn cho biết.
Các triệu chứng phổ biến của bệnh trầm cảm: buồn rầu, mất hứng thú trong các hoạt động hằng ngày, mất hi vọng; rối loạn giấc ngủ, thay đổi cảm giác ăn uống, sút cân, giảm hoặc mất ham muốn tình dục, mệt mỏi, giảm sinh lực; cảm thấy mình vô dụng, bận tâm suy nghĩ nhiều đến cái chết hoặc tự sát... Mỗi năm căn bệnh này cướp đi 850.000 mạng người trên thế giới. |