TTO - Theo kết quả nghiên cứu do nhóm nghiên cứu xương và cơ (BMR) thuộc Trường ĐH Tôn Đức Thắng thực hiện vừa công bố ngày 5-5 cho thấy hiện nay bệnh tiểu đường ở TP.HCM đã đạt mức dịch bệnh.
Các biến chứng nguy hiểm của tiểu đường - Ảnh: Internet |
Dùng phương pháp xét nghiệm HbA1c trên 1.300 người trưởng thành ở TP.HCM, nhóm nghiên cứu phát hiện có đến 12% người mắc bệnh tiểu đường. Nhưng trong số này, chỉ có 1/3 là biết mình mắc bệnh, còn lại 2/3 không hề biết mình mắc bệnh.
Công trình nghiên cứu còn so sánh chẩn đoán tiểu đường bằng xét nghiệm đường trong máu và phương pháp HbA1c. Kết quả cho thấy xét nghiệm đường trong máu có thể bỏ sót rất nhiều ca bệnh. Trong số những người mắc bệnh tiểu đường (qua tiêu chuẩn HbA1c), xét nghiệm đường trong máu bỏ sót đến 50% ca bệnh.
Được biết, đây là kết quả đầu tiên của chương trình nghiên cứu và tầm soát bệnh "VOS" (Vietnam Osteoporosis Study) do GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan (Úc), trưởng nhóm BMR, và BS Hồ Phạm Thục Lan, đồng trưởng nhóm BMR Trường ĐH Tôn Đức Thắng, chủ trì.
Mục tiêu của công trình là sẽ tuyển 4.000 cư dân TP.HCM để theo dõi các bệnh liên quan đến cơ xương khớp, béo phì và tiểu đường, tim mạch… cùng các yếu tố gây bệnh. Công trình còn dự kiến phân tích di truyền để khám phá những gen có liên quan đến các bệnh mãn tính ở người Việt.
Tiểu đường (có khi còn gọi là "đái tháo đường") là một bệnh lí nguy hiểm vì sự ảnh hưởng của bệnh đến bệnh nhân về lâu dài. Một trong những biến chứng quan trọng là bệnh nhân bị chứng võng mạc tiểu đường và dẫn đến mù sau một thời gian mắc bệnh nếu không được điều trị.
Ngoài ra, bệnh nhân còn bị các chứng như: lở loét bàn chân, có khi phải cắt chân; gây rối loạn chức năng thận; dẫn đến bệnh tim mạch; và xơ gan. Do đó, bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ tử vong tăng gấp 5 lần so với người không mắc bệnh.