Sống khỏe

Ngăn chặn nguồn cá chết tuồn về TP.HCM

TTO - Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM khẳng định TP sẽ phối hợp với các địa phương đang xảy ra tình trạng cá chết để kiểm soát, ngăn chặn từ xa việc tuồn hàng về TP tiêu thụ.

Ông Võ Văn Hoan (trái), chánh văn phòng UBND TP.HCM trả lời phỏng vấn tại cuộc họp báo ngày 28-4 - Ảnh: Mai Hương

Trưa 28-4, tại cuộc họp báo thường kỳ của UBND TP.HCM về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội TP, trả lời câu hỏi của PV Tuổi Trẻ về việc TP có biện pháp nào để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân nếu có tình trạng thương lái vận chuyển cá chết từ miền trung vào TP tiêu thụ, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP nhận định sự kiện cá tôm chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền trung trong những ngày qua đã ảnh hưởng đến tâm lý của người dân TP.

Theo ông Hoan, TP.HCM là nơi rất nhạy cảm và chịu ảnh hưởng từ những biến động xảy ra ở các vùng miền khác.

Đợt hạn hán, xâm nhập mặn của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long vừa qua đã góp phần ảnh hưởng đến tình trạng bệnh tật, tình hình mua bán lương thực, thực phẩm, thói quen tiêu dùng ở TP. Lần này, việc cá tôm chết cũng ảnh hưởng không kém.

Theo ông Hoan, trong thực tế, đã có báo đăng chuyện người dân, thương lái thu gom cá chết về làm thức ăn chăn nuôi hoặc đem mua đi bán lại rất phức tạp, đồng thời cho biết TP đã nắm được thông tin là Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đã nghiêm cấm hành vi vận chuyển, tiêu thụ cá chết này.

Về phía TP.HCM, ông Hoan bày tỏ “nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn những thực phẩm bẩn thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến du lịch của TP. Hiện nay du lịch các địa phương cũng đang gặp khó, TP.HCM cũng sẽ gặp khó khăn”.

Ông Hoan khẳng định TP sẽ phối hợp với các địa phương đang xảy ra tình trạng cá chết để kiểm soát, ngăn chặn từ xa việc tuồn hàng về TP tiêu thụ. Hiện các doanh nghiệp chế biến, cung cấp thủy, hải sản của TP cũng đã chủ động chuyển vùng thu mua lùi về các tỉnh từ Nha Trang trở vào để phục vụ cho nhu cầu người dân TP.

MAI HƯƠNG
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,247,386       141