Sống khỏe

Dễ chết với bệnh tim tiềm ẩn

TTO - Một số người bị bệnh tim tiềm ẩn nhưng sức khỏe không có biểu hiện gì bất thường. Đột nhiên họ tử vong tại nhà, nơi làm việc hoặc tại bệnh viện gây bàng hoàng cho người thân.

Chị V.T.L. (20 tuổi) điều trị tại Viện Tim TP.HCM ngày 24-3 vì bị tắc hai mạch vành tim, gây nhồi máu cơ tim - Ảnh: L.TH.H.
Chị V.T.L. (20 tuổi) điều trị tại Viện Tim TP.HCM ngày 24-3 vì bị tắc hai mạch vành tim, gây nhồi máu cơ tim - Ảnh: L.TH.H.

Các ca đột tử này nếu không được giám định pháp y thì nguyên nhân tử vong khó kết luận được. Thậm chí khi pháp y kết luận nguyên nhân tử vong do bệnh tim tiềm ẩn, người nhà vẫn không tin.

Cái chết bất ngờ

Đó là trường hợp của anh L.N.H.L. (Đồng Nai) tử vong đột ngột tại nhà khi mới 19 tuổi cách đây hơn một năm.

Ngày 25-3, ông Lê Minh Xê - cha anh L. - cho biết khoảng 22g đêm trước khi mất con trai ông vẫn đi ngủ như thường lệ.

5g30 hôm sau thấy điện thoại trên phòng con trai báo thức hoài mà không thấy con dậy, ông Xê mới gọi nhưng không thấy con trả lời. Khi vào phòng con, ông Xê thấy người con trai đã cứng, lạnh hết.

Theo ông Xê, con ông không có triệu chứng hay biểu hiện gì bất thường về sức khỏe, cũng không có bệnh gì về tim mạch.

Sau khi L. mất, đầu tháng 10-2015 ông Xê đưa người con trai còn lại là L.N.N.H. (sinh năm 2002) đến Viện Tim TP.HCM khám bệnh. Kết quả điện tâm đồ, siêu âm tim của H. đều bình thường.

Để kiểm tra kỹ hơn, bác sĩ cho H. đeo máy nhật ký tâm đồ để theo dõi nhịp tim trong 24 giờ. Kết quả nhật ký tâm đồ cho thấy nhịp tim của H. có lúc đập bất thường.

Viện Tim TP kết luận H. dương tính với tuýp nguy hiểm của hội chứng brugada. Hội chứng này là bệnh di truyền, có thể gây rối loạn nhịp tim khiến bệnh nhân tử vong bất cứ lúc nào.

H. được Viện Tim TP giúp đỡ đặt máy phá rung tim tự động miễn phí và theo dõi sức khỏe định kỳ.

Tình cờ phát hiện bệnh

Tương tự, một bệnh nhân khác đến Viện Tim TP điều trị và tình cờ được bác sĩ phát hiện bị bệnh Takayasu là chị N.T.T.H. (26 tuổi).

Chị H. nhập viện ngày 10-3 vì bệnh tăng huyết áp. Khi khám và làm xét nghiệm bác sĩ phát hiện chị H. bị hẹp động mạch thận, hẹp động mạch chủ bụng.

Do động mạch chủ bụng hẹp ít chưa cần phải nong nên bệnh nhân được bác sĩ nong động mạch thận. Sau khi nong, huyết áp chị H. trở lại bình thường.

Tuy nhiên, cẩn thận hơn các bác sĩ đã chụp DSA (chụp mạch máu xóa nền) mạch vành tim cho chị H. và phát hiện chị bị hẹp 99% lỗ xuất phát thân chung nhánh trái mạch vành.

Theo TS.BS Đỗ Quang Huân - giám đốc Viện Tim TP.HCM, bệnh Takayasu (bệnh viêm tổn thương động mạch chủ và các nhánh chính của động mạch chủ) thường gây hẹp mạch vành nhưng Viện Tim TP chưa thấy bệnh nhân nào hẹp đến 99% mạch vành ở vị trí thân chung như chị H..

Chị H. được TS Huân nong và đặt một stent tại lỗ xuất phát thân chung mạch vành trái. Nếu chị H. không được phát hiện và can thiệp kịp thời thì có thể đột tử bất cứ lúc nào.

Một bệnh nhân khác là chị V.T.L. (20 tuổi) được Bệnh viện Đa khoa Cà Mau chuyển viện lên Viện Tim TP ngày 5-3 với chẩn đoán hẹp hở van hai lá 4/4. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ thấy tim của chị L. không to nhiều nhưng bóp yếu.

Nghi ngờ chị L. có bệnh khác kèm theo nên bác sĩ cho chụp mạch vành và phát hiện chị bị tắc hai mạch vành tim, gây nhồi máu cơ tim.

Với một người 20 tuổi, bị tắc mạch vành như chị L. rất hiếm gặp. Y văn ghi nhận 30-50% bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim tử vong trước khi nhập viện.

Nhiều bệnh gây đột tử

Theo TS.BS Đỗ Quang Huân, trong các bệnh lý tim mạch, có bệnh biểu hiện rõ ràng và dễ phát hiện. Tuy nhiên, có những bệnh tim tiềm ẩn không phát hiện được khi đo điện tim, siêu âm tim.

Do vậy, người bình thường, sinh hoạt bình thường, siêu âm tim và đo điện tim bình thường không có nghĩa là bình thường mà vẫn có thể tiềm ẩn bệnh tim.

Cụ thể, người bị bệnh cơ tim phì đại, rối loạn nhịp tim có thể xảy ra và gây rung thất, dẫn đến cái chết bất ngờ. Bệnh cơ tim giãn nở lâu ngày, cơ tim bóp yếu cũng có thể gây rối loạn nhịp và đột tử.

Có người không hẹp mạch vành nhưng bị nhồi máu cơ tim do co thắt mạch vành (nếu ngoài cơn co thắt mạch vành thì như người bình thường) cũng có thể dẫn đến đột tử, nhất là khi tiếp xúc với lạnh, căng thẳng thần kinh làm mạch vành co lại, dẫn đến nhồi máu cơ tim và tử vong.

Van tim có thể bị một số bệnh như hẹp van động mạch chủ, đến một lúc nào đó sẽ làm cơ tim dày lên, sau đó giãn ra và đi đến suy tim, hậu quả là bệnh nhân bị tử vong do suy tim hoặc đột tử do rối loạn nhịp. Hở van hai lá lâu ngày cũng dẫn đến cơ tim giãn nở rồi đi đến suy tim.

Ngoài ra, nếu bị rối loạn dẫn truyền điện tim, nhịp chậm như bloc nhĩ thất độ 3, hoặc nhịp nhanh như nhịp nhanh thất, rung thất, xoắn đỉnh, bệnh nhân có thể bị tử vong đột ngột, nhất là khi bị rối loạn nhịp nhanh.

Trường hợp bệnh nhân bị rung nhĩ (chiếm đến 2-3% dân số châu Âu và Bắc Mỹ) dẫn đến nguy cơ tạo cục máu đông tại tâm nhĩ, gây tai biến mạch máu não và tử vong bất ngờ.

Hằng năm tại Hoa Kỳ có đến 180.000-200.000 người tử vong vì hội chứng đột tử do rối loạn nhịp...

Còn trẻ vẫn bị nhồi máu cơ tim

Ở người lớn tuổi tình trạng hẹp mạch vành tim do xơ vữa động mạch thường gặp và biến chứng của xơ vữa mạch vành là gây nhồi máu cơ tim, dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, vẫn có người còn rất trẻ đã bị nhồi máu cơ tim.

Ngoài ra, một số người trẻ tuổi do co thắt mạch vành, sốc làm tụt huyết áp (ví dụ do nhiễm trùng huyết...), thiếu hồng cầu, rối loạn nhịp nhanh tim, rối loạn nhịp chậm tim, suy hô hấp... cũng dẫn đến nhồi máu cơ tim dù mạch vành bình thường và gây tử vong (trong y khoa gọi là nhồi máu cơ tim type 2 - mất cân bằng giữa nhu cầu oxy và khả năng cung cấp oxy cho cơ tim).

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,253,086       172