Sống khỏe

5-10% thai phụ có nguy cơ mắc tiểu đường

TTO - Năm 2015, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) có 135.000 thai phụ tới khám thai, có gần 19.000 trường hợp được xét nghiệm tầm soát, trong đó gần 1.800 người bị đái tháo đường thai kỳ.

Bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM tư vấn cho sản phụ bị bệnh tiểu đường - Ảnh: Hữu Khoa
Bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM tư vấn cho thai phụ bị bệnh đái tháo đường - Ảnh: Hữu Khoa
Đang tải audio...
""

Chị T.B.V., 25 tuổi, ở Bến Lức, Long An, kể chị đang mang thai đứa con đầu tiên 37 tuần tuổi. Từ khi mang thai, chị thường đi khám thai ở bệnh viện địa phương.

Gần sinh chị lên Bệnh viện Hùng Vương khám lại cho yên tâm thì được ghi nhận tình trạng thai to và dư ối, bác sĩ cho xét nghiệm, phát hiện có đái tháo đường trong thai kỳ. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ cho chị nhập viện.

Ngày 30-3, tại khoa sản bệnh Bệnh viện Hùng Vương, chị V. nói chưa từng biết về bệnh đái tháo đường trong thai kỳ, lo lắng không biết bệnh có ảnh hưởng gì đến em bé không.

Bác sĩ cũng hồi hộp

PGS.TS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - trưởng khoa sản bệnh Bệnh viện Hùng Vương - cho biết nhiều bệnh viện tuyến tỉnh chưa có chương trình tầm soát bệnh đái tháo đường trong thai kỳ nên nhiều chị khi lên Bệnh viện Hùng Vương khám thai hoặc nhập viện vì lý do khác thì được phát hiện mắc bệnh.

Nếu không có hậu quả gì cho bà mẹ và em bé, các bác sĩ tiếp tục theo dõi, còn nếu thai lưu, thai chậm tăng trưởng hoặc tăng nhanh thì bác sĩ chỉ can thiệp được tính từ thời điểm thai phụ phát hiện mắc bệnh.

Theo PGS Khánh Trang, những thai phụ này khi chưa có thai không mắc bệnh, chỉ mắc bệnh từ khi mang thai.

Sau khi sinh con được 6 tuần, 7-8% số thai phụ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ này vẫn còn bệnh và cần được điều trị. Gần 50% những người còn lại, khi đến tuổi trung niên sẽ bị đái tháo đường tuýp 2.

Một bác sĩ điều trị hiếm muộn tại Bệnh viện Hùng Vương cũng chia sẻ mỗi lần nhận kết quả xét nghiệm tầm soát bệnh đái tháo đường ở những thai phụ, chị rất hồi hộp... Khi nhận kết quả xét nghiệm âm tính, chị mới thở phào nhẹ nhõm vì thai phụ sẽ giảm đi một mối lo.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường trong thai kỳ như ăn quá nhiều năng lượng, lại ít vận động. Ngoài ra, người thừa cân có nguy cơ bị đái tháo đường nhiều hơn, cha mẹ ruột bị đái tháo đường con sẽ có nguy cơ mắc bệnh gấp hai lần bình thường, người mẹ sinh con muộn có nguy cơ mắc bệnh gấp 4-5 lần người bình thường, tăng hơn 20kg lúc mang thai có nguy cơ 2,9 lần.

Nhiều trường hợp bị bỏ sót

Trước đây, người có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường trong thai kỳ như từng sinh con hơn 4kg, cha mẹ ruột mắc bệnh đái tháo đường đang điều trị mới được các bác sĩ cho làm xét nghiệm tầm soát bệnh lý này.

Hiện nay các thai phụ có thể tầm soát ở tuần lễ 24-28 của thai kỳ. Dù tỉ lệ tầm soát gần đây nhiều hơn trước nhưng vẫn còn nhiều trường hợp chưa được tầm soát, đặc biệt ở các bệnh viện tỉnh.

Năm 2015, Bệnh viện Hùng Vương có gần 1.800 ca bị đái tháo đường thai kỳ, trong đó có 60% trường hợp chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn ngoại trú đã đáp ứng, đường huyết ổn định, còn 40% (khoảng 800 ca) mới phải nhập viện điều trị.

Những thai phụ nhập viện được điều trị bệnh bằng chế độ ăn do khoa dinh dưỡng bệnh viện cung cấp, giúp đường huyết ổn định.

Qua nghiên cứu tại bệnh viện, sau một tuần nhập viện ăn theo chế độ của bệnh viện, khoảng 80% bệnh nhân sẽ đáp ứng với chế độ ăn và chỉ còn 20% bệnh nhân không đáp ứng, phải dùng thuốc insulin trong thai kỳ.

Sau 6 tuần sinh con, những sản phụ này được xét nghiệm để xem còn bị đái tháo đường hay không. Chỉ khoảng 8% sản phụ vẫn còn bệnh 
và phải điều trị tiếp.

Thai phụ mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ như em bé nặng trên 4kg hoặc là rất nhỏ dưới 2,5kg (do bệnh ảnh hưởng đến mạch máu, làm mạch máu teo nhỏ dẫn đến chậm tăng trưởng). Phần lớn là em bé rất nặng ký làm tỉ lệ sinh mổ nhiều, dễ có tai biến nhiều.

Nguy hiểm hơn là trong quá trình phát triển thai có thể bị chết lưu, thai ngừng tiến triển đột ngột khi đường huyết không ổn định.

Hiện nay, Bệnh viện Hùng Vương đã có đơn vị quản lý đái tháo đường trong thai kỳ, sẽ sàng lọc tầm soát bệnh, tư vấn hướng dẫn dinh dưỡng phù hợp cho thai phụ, cung cấp phương tiện, hướng dẫn việc tự theo dõi đường huyết tại nhà, theo dõi và quản lý thai nghén đến ngày sinh. Đồng thời phối hợp chuyên khoa nội tiết chọn lọc những trường hợp nặng.

Ăn sáng lành mạnh, không bỏ bữa

Theo bác sĩ Nguyễn Phương Mai (Bệnh viện Bạch Mai), tỉ lệ thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ đang tăng khá nhanh, hiện ở mức 5%/phụ nữ có thai và khoảng 20% trong nhóm phụ nữ có thai có nguy cơ cao.

Hôm nay (7-4) là Ngày sức khỏe thế giới với chủ đề là dự phòng và kiểm soát bệnh đái tháo đường tại cộng đồng.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, VN đang có trên 3 triệu bệnh nhân đái tháo đường và nằm trong nhóm quốc gia có tỉ lệ bệnh này gia tăng nhanh trên thế giới.

Trong 10 năm gần đây, tỉ lệ người bệnh đái tháo đường tại VN tăng gấp 2 lần và ở mức khoảng 5,5% người trưởng thành, 60% trong số đó chưa được phát hiện đã mắc bệnh.

Trong khi đó theo PGS.BS Nguyễn Thị Bích Đào - phó chủ tịch Hội Đái tháo đường và nội tiết TP.HCM, 70% bệnh đái tháo đường tuýp 2 có thể phòng nhờ ăn uống.

Thông tin này được đưa ra tại hội thảo “Đẩy lùi bệnh đái tháo đường” do Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng tổ chức ngày 6-4.

BS Bích Đào cho rằng chế độ ăn uống là yếu tố quan trọng để phòng bệnh tiểu đường tuýp 2, trong đó cần ăn sáng lành mạnh, không bỏ bữa. Chế độ ăn lành mạnh là chế độ không sử dụng thức ăn nhanh, không dùng nước trái cây đóng hộp...

Mặt khác, nên uống nước suối, trà không đường, giới hạn uống chất có cồn, lựa chọn thịt trắng, cá thay vì thịt đỏ, chọn chất béo từ dầu ôliu, dầu hạt cải, hạt hướng dương, ăn nhiều rau và trái cây.

LAN ANH - MỸ DUNG

THÙY DƯƠNG (thuyduong@tuoitre.com.vn)
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,388,164       216