TTO - Ngày 12-6, hàng loạt nguyên lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Mạc Thị Bưởi, TP.HCM hầu tòa về những sai phạm trong việc để ngân hàng này thiệt hại gần 100 tỉ đồng.
Các bị cáo hầu tòa sáng 12-6- Ảnh: T.L
Có 8 bị cáo phải hầu tòa về hành vi lừa đảo, vi phạm quy định về cho vay, thiếu trách nhiệm. Trong đó có 5 bị cáo nguyên là lãnh đạo và cán bộ Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi.
Ký tên vay chục tỉ không biết để làm gì!
Trong vụ án này, hai bị cáo Phạm Thị Mai Toan - nguyên ủy viên HĐQT kiêm giám đốc Agribank Mạc Thị Bưởi và Phí Thị Ong - nguyên giám đốc - bị cáo buộc đã có những sai phạm trong việc cho hai công ty Á Châu và A.D.N vay 165 tỉ đồng.
Các công ty này do Hoàng Tiến Dzũng (quốc tịch Mỹ) thành lập nhưng thuê người khác làm giám đốc.
Tại tòa, bị cáo Phạm Văn Chính - giám đốc Công ty Á Châu - khai do có mối quan hệ quen biết nên được Dzũng thuê làm giám đốc với mức lương 3 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, thực chất Chính chỉ là giám đốc "bù nhìn", không biết công ty làm gì, có bao nhiêu nhân viên… Mỗi lần được Dzũng gọi thì Chính lại đến để ký tên vào giấy tờ vay ngân hàng, ký tên vào biên bản họp hội đồng thành viên hay báo cáo thuế…
"Việc ký hợp đồng với Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi, bị cáo không được bàn bạc gì. Hoàng Tiến Dzũng nhờ bị cáo đứng tên vay tiền. Bị cáo quá tin tưởng ông Dzũng, nghĩ ổng có nhiều tài sản và dùng để thế chấp ngân hàng vay tiền mua đất.
Việc lập khống báo cáo tài chính, lập khống dự án bị cáo không biết"- Chính khai khi được tòa hỏi về việc ký tên vay Agribank Mạc Thị Bưởi số tiền 90 tỉ đồng để thực hiện dự án.
Phạm Văn Chính cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là oan cho bị cáo, bởi bị cáo không hưởng lợi gì trong vụ án này. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng nếu bị cáo không ký tên vay tiền trên các hợp đồng tín dụng thì không làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
Tương tự Chính, bị cáo Hoàng Văn Cường cũng là người được Hoàng Tiến Dzũng nhờ đứng tên làm giám đốc Công ty A.D.N.
Cường không biết công ty có bao nhiêu người, hoạt động gì... Năm 2009, khi Dzũng gọi Cường đến ký hồ sơ vay Agribank Mạc Thị Bưởi 75 tỉ đồng, Cường vội ký tên mà không đọc kỹ hồ sơ, cũng không biết vay tiền để làm gì, dùng gì để thế chấp…
Đến nay, Công ty A.D.N không thể trả được các khoản nợ cho Agribank Mạc Thị Bưởi. Riêng Hoàng Tiến Dzũng đã nhanh chân bỏ trốn và xuất cảnh sang Mỹ trước khi bị truy nã. Hậu quả của vụ án, các giám đốc "bù nhìn" và lãnh đạo Agribank Mạc Thị Bưởi lãnh đủ.
Nhắm mắt cho vay dù biết trái quy định
Kết quả điều tra cho thấy Phạm Thị Mai Toan có mối quan hệ với Hoàng Tiến Dzũng từ trước. Năm 2009, Dzũng đặt vấn đề với Toan về việc Công ty Á Châu cần tiền để trả các khoản nợ lãi cũ cho các công ty khác mà Dzũng thành lập.
Dzũng "vẽ" ra dự án khu phức hợp căn hộ để vay tiền chứ thực chất không dùng tiền vay được để đầu tư. Dzũng hứa với Toan khi nào có tiền sẽ thực hiện dự án.
Toan biết dự án chưa được UBND TP.HCM phê duyệt, biết công ty sử dụng vốn vay sai mục đích nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới giải ngân cho Công ty Á Châu vay 90 tỉ đồng.
Cho đến nay, Công ty Á Châu mới trả được cho ngân hàng hơn 20 tỉ đồng.
Về việc cho Công ty A.D.N vay 75 tỉ đồng, bị cáo Toan khai đã ủy quyền cho phó giám đốc Phí Thị Ong chịu trách nhiệm chứ bị cáo không chỉ đạo cấp dưới cho vay.
Tuy nhiên, Phạm Thị Mai Toan cũng thừa nhận đã không kiểm tra, không giám sát cấp dưới trong việc để cho Công ty A.D.N vay 75 tỉ đồng. Hậu quả đến nay ngân hàng không có khả năng thu hồi số nợ nêu trên.
Phủ nhận lời khai trên của bị cáo Toan, bị cáo Phí Thị Ong cho rằng khi cho hai công ty nói trên vay tiền, bị cáo biết các công ty vay tiền để trả nợ lãi cho Hoàng Tiến Dzũng chứ không phải để thực hiện dự án. Tuy nhiên theo chỉ đạo của Toan, Phí Thị Ong vẫn phê duyệt cho cả hai công ty vay 165 tỉ đồng mà không kiểm tra hồ sơ vay vốn có đủ điều kiện hay không.
Hậu quả của việc cho vay, đến nay Agribank Mạc Thị Bưởi bị thiệt hại gần 100 tỉ đồng chưa thể thu hồi.
Ngày 13-6, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.