Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, về pháp lý đủ cơ sở để cưỡng chế phá dỡ phần “vượt trần” của công trình Mường Thanh Khánh Hòa tại TP Nha Trang. Thế nhưng, cho đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa thể cưỡng chế phá dỡ, vậy còn vướng mắc gì?
Khách sạn, căn hộ Mường Thanh Khánh Hòa đã xây đến 43 tầng,"vượt trần" quy hoạch chung TP Nha Trang đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt - Ảnh:PHAN SÔNG NGÂN
Lãnh đạo UBND TP Nha Trang vừa cho biết nguyên nhân chưa thể thực hiện được việc cưỡng chế, phá dỡ phần vượt trần, các tầng từ 41-43 công trình dự án khách sạn, căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa.
Tỉnh yêu cầu điều chỉnh, vẫn xây 43 tầng
Công trình kể trên do DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư đã xây đến tầng 43, "vượt trần" quy định của thủ tướng chính phủ về quy hoạch chung TP Nha Trang, chỉ cho phép xây tối đa đến 40 tầng.
Ban đầu, vào năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp phép cho chủ dự án khách sạn, căn hộ Mường Thanh Khánh Hòa xây đến 47 tầng. Sau đó, tỉnh điều chỉnh dự án và Sở Xây dựng đã cấp "phụ lục điều chỉnh giấy phép xây dựng" cho dự án Mường Thanh Khánh Hòa được xây đến 48 tầng và hai tầng hầm.
Sau khi cho nhiều dự án xây "vượt trần", tỉnh Khánh Hòa đã xin "dỡ trần" quy hoạch chung TP Nha Trang, nhằm xóa quy định chỉ được xây tối đa đến 40 tầng, nhưng không được chấp thuận. Vì vậy, từ tháng 1-2016, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo "không được xây dựng công trình vượt quá 40 tầng".
Khi công trình Mường Thanh Khánh Hòa chỉ xây đến tầng 33, UBND tỉnh có thông báo, yêu cầu chủ dự án "khẩn trương lập phương án điều chỉnh kiến trúc công trình cho phù hợp với chiều cao tối đa 40 tầng" để Sở Xây dựng thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt, lập thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục xây lên.
Đến ngày 9-3-2016, đại diện DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên có văn bản gởi UBND tỉnh và Sở Xây dựng đề nghị "xem xét, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục thi công hoàn thiện từ tầng móng đến tầng 39" công trình đã nêu.
Doanh nghiệp này còn báo cáo "đơn vị đã dừng thi công tầng 40 và sẽ tháo dỡ phần thép dư trên tầng 40 để chờ điều chỉnh thiết kế" nhưng sau đó lại "đạp trần" xây luôn lên đến 43 tầng.
"Đủ pháp lý" sao không thể cưỡng chế tháo dỡ?
Ngày 9-9-2016 Sở Xây dựng Khánh Hòa có quyết định thu hồi giấy phép và phụ lục điều chỉnh giấy phép xây dựng đã cấp cho DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên. Cùng ngày, Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình Mường Thanh Khánh Hòa, vì "đã có hành vi vi phạm thi công xây dựng tại tầng 43, sau khi đã bị thu hồi giấy phép xây dựng".
Tháng 6-2017, UBND tỉnh Khánh Hòa có kết luận, yêu cầu "Sở Xây dựng khẩn trương triển khai các thủ tục pháp lý có liên quan để xử nghiêm các hành vi vi phạm của chủ đầu tư dự án tổ hợp khách sạn, căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa".
Hơn 7 tháng sau, chủ tịch tỉnh Lê Đức Vinh lại có công văn "khẩn", ngày 26-1-2018, đốc thúc "Sở Xây dựng thực hiện việc xử lý. Vì các hành vi vi phạm của chủ dự án vẫn chưa được xử lý nghiêm theo quy định".
Dự án khách sạn, căn hộ Mường Thanh Khánh Hòa đã xây 43 tầng gần ngay đầu cầu Trần Phú, TP Nha Trang - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Sau khi có các văn bản kể trên, Sở Xây dựng đã giao Thanh tra sở chuyển hồ sơ cho chủ tịch UBND TP Nha Trang để ban hành quyết định và tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm thuộc dự án tổ hợp khách sạn, căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa theo quy định.
Về cơ sở pháp lý để cưỡng chế, theo Sở Xây dựng Khánh Hòa, ngày 24-11-2016 sở đã ban hành phụ lục điều chỉnh giấy phép xây dựng, điều chỉnh quy mô công trình khách sạn, căn hộ Mường Thanh Khánh Hòa chỉ còn 40 tầng và 2 tầng hầm. Sau đó, sở nhiều lần có văn bản yêu cầu chủ đầu tư chấp hành nhưng chủ đầu tư không thực hiện.
Ngoài ra, cũng theo Sở Xây dựng, "chủ đầu tư vẫn không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, tự tháo dỡ các tầng từ 41 đến tầng 43 theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Sở Xây dựng". Sở đã mời làm việc nhiều lần nhưng chủ dự án không tham dự.
Tuy nhiên, theo ông Lê Huy Toàn - phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, muốn phá dỡ phần công trình cao trên 40-43 tầng của khách sạn Mường Thanh Khánh Hòa là hoàn toàn không đơn giản, không dễ thực hiện.
Do đó, phải có phương án cưỡng chế, phá dỡ được UBND tỉnh xem xét, chấp thuận thì TP mới thực hiện được". Thế nhưng "cho đến nay vẫn không có đơn vị nào chịu tư vấn để lập phương án cưỡng chế, phá dỡ công trình đó"- ông Toàn nói.
Căn cứ pháp lý để cưỡng chế Mường Thanh Khánh Hòa
Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, thời điểm Thanh tra sở ra quyết định, xử phạt vi phạm hành chính Mường Thanh Khánh Hòa (ngày 20-6-2017), hai nghị định 121/2013/NĐ-CP và 180/2007/NĐ-CP vẫn còn hiệu lực, chưa bị thay thế.
Vì vậy, việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm đó vẫn thực hiện theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và hai nghị định vừa nêu.
Theo luật, "cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; nếu không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện". Đồng thời, "chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ. Tùy mức độ vi phạm, chủ đầu tư còn phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra" (điều 13, NĐ 180/2007)
Mường Thanh giữ nguyên trạng chờ điều chỉnh quy hoạch
Theo một lãnh đạo DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên, "hiện tại, doanh nghiệp vẫn cho giữ nguyên hiện trạng công trình khách sạn, căn hộ Mường Thanh Khánh Hòa để chờ điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang.
Lâu nay doanh nghiệp vẫn không lên tiếng phản bác gì là vì doanh nghiệp vẫn muốn im lặng đồng hành với tỉnh Khánh Hòa để xin điều chỉnh quy hoạch".
Còn đối với việc thu hồi, điều chỉnh giấy phép xây dựng đã cấp, theo lãnh đạo doanh nghiệp đã nêu "không phải bỗng dưng mà doanh nghiệp được cấp các giấy phép xây dựng, điều chỉnh xây dựng ấy. Do đó, không phải cứ muốn thu là thu, muốn đòi điều chỉnh là điều chỉnh".
Vì vậy, theo doanh nghiệp, cho đến nay giấy phép xây dựng đã cấp cho DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên (cao 47 tầng - PV) và phụ lục điều chỉnh (cao 48 tầng) "vẫn còn giá trị pháp lý và doanh nghiệp không vi phạm gì theo giấy phép xây dựng đó".