Pháp luật

Đòi bồi thường vì bị chửi thề nhưng bị bác

TTO - Tòa nhận định hành vi chửi đổng, không nêu đích danh người cụ thể nào chỉ vi phạm chuẩn mực ứng xử trong giao tiếp và đã bị phạt hành chính nên bác kháng cáo yêu cầu đòi bồi thường, giữ y án sơ thẩm.

Đòi bồi thường vì bị chửi thề nhưng bị bác - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh bị kiện vì chửi thề với khách hàng - Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Chiều 5-6, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm vụ án bồi thường thiệt hại "vì bị chửi thề" và tuyên bác kháng cáo của ông Trương Lợi, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau.

Theo hồ sơ vụ kiện, ông Lợi (ngụ phường 2, TP Cà Mau) mua camera của ông Nguyễn Tuấn Khanh (ở phường 5, TP Cà Mau). Thời hạn bảo hành camera 1 năm, riêng cục sạc nguồn, theo anh Lợi trình bày, bảo hành 6 tháng, nhưng do quen biết nên hai bên không làm giấy bảo hành.

Khi cục sạc bị hư, hai bên gặp nhau bàn bạc chuyện bảo hành. Trong quá trình trao đổi, ông Khanh có quăng cái bóp lên bàn và nói tục một câu: "XX... nè!". Nói xong, ông Khanh đứng lên bỏ về công ty.

Ông Lợi đi theo đến công ty tiếp tục yêu cầu ghi phiếu bảo hành, ông Khanh chửi thêm câu thứ hai: "XX..., không ghi phiếu gì hết".

Cho rằng bị xúc phạm, ông Lợi báo công an khu vực. Công an phường 5 mời hai người về trụ sở, ông Khanh bị lập biên bản xử phạt hành chính 200.000 đồng theo nghị định 167/2013/NĐ-CP. 

Sau đó, ông Lợi kiện ông Khanh ra tòa, yêu cầu ông Khanh bồi thường 13 triệu đồng vì bị tổn thất tinh thần do xâm hại danh dự, nhân phẩm, gấp 10 lần mức lương cơ sở.

Tại tòa phúc thẩm, hội đồng xét xử nhận định hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác là khi ai đó kêu đích danh tên một người cụ thể nào đó ra chửi mắng, làm nhục. Còn hành vi chửi đổng của ông Khanh không phải là hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác, chỉ là vi phạm chuẩn mực ứng xử trong giao tiếp và anh đã bị phạt hành chính rồi. 

Từ đó, hội đồng xét xử tuyên bác toàn bộ yêu cầu kháng cáo của ông Trương Lợi.

Chửi thề - có kiện được không? Chửi thề - có kiện được không?

TTO - Nói tục, chửi thề diễn ra khá phổ biến, trở thành câu cửa miệng của một số người. Từ góc độ pháp lý và đời sống xã hội, hành vi này được nhìn nhận như thế nào?

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        402,173       108