TTO - Chiều ngày 4-6, phiên tòa xét xử các bị cáo trong nhóm khủng bố sân bay Tân Sơn Nhất, đốt kho xe vi phạm số 1 tiếp tục phần thẩm vấn.
Tại tòa bị cáo Đặng Ngọc Thiện - người chế tạo 2 trái bom để Ngô Thụy Tường Vy mang đến kích nổ tại cột số 9, sảnh chờ ga đến quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất, thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Đặt bom sân bay vì sốc trong công việc
Bị cáo này cho biết mục đích đặt bom ở sân bay Tân Sơn Nhất ngày 22-4-2017 vì lúc này sắp tới lễ 30-4 nên có nhiều lãnh đạo cấp cao sẽ bay từ Hà Nội vào TP.HCM. Như vậy, việc đặt bom sẽ tạo được tiếng vang cho tổ chức.
Bị cáo Đặng Hoàng Thiện được dẫn giải về trại tạm giam sau phiên tòa - Ảnh: HỮU KHOA
Trước đó, Thiện chế tạo 2 quả bom xăng điều khiển từ xa và giao 1 thùng carton chứa 1 trái bom xăng cho Vy. Tuy nhiên, trái bom này đã bị Trương Tấn Phát tháo pin nên không phát nổ.
Sau đó, Thiện mang quả bom xăng khác giao cho Vy kích nổ, bom phát nổ và cháy khiến các hành khách hoảng sợ bỏ chạy. Lực lượng chức năng ngay lập tức có mặt và dập đám cháy.
Thiện thừa nhận để thực hiện việc đặt bom sân bay, Phạm Lisa đã chuyển hơn 8 triệu đồng vào tài khoản của Lê Thị Thu Phương - bạn gái Thiện. Thiện không nhận tiền từ Nguyễn Thị Chung như nhận định của bản án sơ thẩm.
Trái lại, bị cáo Ngô Thụy Tường Vy - người đã bấm nút kích nổ trái bom tự chế ở sân bay Tân Sơn Nhất thừa nhận đã có hành vi bấm nút kích nổ nhưng bị cáo không tham gia tổ chức phản động, không có động cơ chính trị mà chỉ cùng Thiện gây rối trật tự công cộng.
Bị cáo Vy khai đặt bom sân bay để gây tiếng vang - Ảnh: HỮU KHOA
Vy khai do bị sốc trong công việc, tâm lý không ổn định nên tham gia đặt bom khói để gây tiếng vang. Vy khai bị cáo nói với Thiện nếu việc đặt bom không nguy hiểm, không gây chết người thì bị cáo mới tham gia.
Vy cho rằng tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 11 năm tù là quá nặng.
Cùng tham gia vụ đặt bom xăng sân bay, bị cáo Trương Tấn Phát xin giảm nhẹ hình phạt vì chỉ là người chở Vy ra sân bay, ngoài ra bị cáo lo sợ nên đã tháo pin điều khiển từ xa không kích nổ bom xăng.
Nhiều bị cáo kêu oan, bị ép cung
Trong vụ án, nhiều bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng tại tòa lại trình bày mình không tham gia các tổ chức phản động, không có động cơ chính trị, không thực hiện hành vi khủng bố...
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thị Chung được xác định là hậu cần của tổ chức phản động, cung cấp tiền cho các bị cáo khác thực hiện hành vi khủng bố, kháng cáo kêu oan.
Bị cáo Chung phủ nhận lời khai trước đó - Ảnh: HỮU KHOA
Chung cho rằng mình vô tội, phủ nhận việc cung cấp tiền, phủ nhận việc liên lạc với Phạm Lisa. Khi HĐXX cho biết trích xuất nội dung trao đổi của bị cáo với Phạm Lisa qua facebook thì bị cáo này khẳng định mình không nói chuyện với Phạm Lisa và không biết xài facebook.
Facebook của bị cáo do Thiện lập nhưng bị cáo không biết sử dụng. Bị cáo quen Thiện do gọi nhầm số điện thoại, từ đó bị cáo đã nhiều lần mời Thiện đến nhà ở Dầu Tiếng, Bình Dương chơi. Ngoài ra, Chung phủ nhận lời khai ở cơ quan điều tra và khai mình bị ép cung.
Tương tự, bị cáo Vũ Mộng Phong khai không tham gia vào việc đốt kho xe số 1 mặc dù bị cáo này thừa nhận cho các bị cáo khác mượn nhà mình để chế tạo bom xăng. Mộng Phong khai 2h ngày 8-4-2017 Phong đi khám bệnh chứ không phải làm nhiệm vụ cảnh giới.
Bị cáo này cũng cho biết do hoang mang, lo sợ, bị ép cung nên bị cáo mới thừa nhận hành vi phạm tội.
Bị cáo Trần Văn No cũng kháng cáo kêu oan vì No khai rằng mình không chơi facebook, không biết gì về chính trị, chỉ nghe lời điều tra viên nói nhận tội sẽ được giảm nhẹ. Nhưng sau đó tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 6 năm tù làm bị cáo bất ngờ vì bị cáo "không làm gì cả".
Còn bị cáo Đoàn Văn Thế thì thừa nhận mình có tư tưởng chống phá chính quyền nên mới gia nhập các nhóm phản động nhưng chưa hành động. bị cáo Thế cho rằng mình không phạm tội khủng bố mà phạm một tội khác.
Đến chiều an ninh ngoài phiên tòa vẫn được thắt chặt - Ảnh: HỮU KHOA
Rất đông cảnh sát xung quanh khu vực xét xử - Ảnh: HỮU KHOA
Phiên tòa tiếp tục vào ngày 5-6.