TTO - Một ngày trước khi phiên tòa xét xử vụ tai biến chạy thận làm 8 người chết tại Hòa Bình, Bộ Y tế gặp gỡ báo chí, cho rằng "không có lỗi đánh máy" trong các văn bản bộ gửi Công an Hòa Bình, luật sư và phủ nhận liên quan vụ định tội bác sĩ Lương.
Ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, phát biểu tại cuộc gặp chiều 4-6 - Ảnh: L.ANH
Có đến bốn lãnh đạo cấp vụ trưởng và vụ phó của Bộ Y tế đã tham gia gặp báo chí chiều nay 4-6.
Theo ông Nguyễn Huy Quang - vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - có ba bất thường trong vụ tai biến chạy thận làm 8 người chết tại Hòa Bình:
1. Hóa chất sử dụng để súc rửa đường ống ngoài danh mục được sử dụng trong lĩnh vực y tế;
2. Rắc rối hợp đồng B và B "phẩy" giữa công ty Thiên Sơn và Trâm Anh;
3. Tồn dư hóa chất sau súc rửa đường ống cao gấp hàng trăm lần mức cho phép.
Trong vụ việc này, ông Quang cho rằng Bộ Y tế đã có hai văn bản gửi cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình và Công ty TNHH Thực hành luật Nguyễn Chiến.
"Có ý kiến tại tòa cho rằng hai công văn này cung cấp thông tin mâu thuẫn, là cơ sở để Viện Kiểm sát buộc tội bác sĩ Lương...
Thực tế, trong văn bản 4342 gửi cơ quan điều tra, do cơ quan điều tra hỏi về hợp đồng cụ thể là có phải kiểm tra theo tiêu chuẩn AAMI sau súc rửa đường ống không, tôi căn cứ hợp đồng giao kết giữa Bệnh viện đa khoa Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn thấy có giao kết này nên tôi trả lời có.
Nhưng về quy trình chung như Công ty Luật Nguyễn Chiến hỏi, thì VN hiện nay không bắt buộc mà chỉ khuyến khích áp dụng AAMI, hai văn bản này không có mâu thuẫn và không phải có lỗi đánh máy" - ông Quang cho hay.
Về lỗi của Bộ Y tế xung quanh việc chậm cập nhật quy trình lọc nước RO, tức mãi đến tháng 4-2018 mới có cập nhật quy trình, trong khi vụ tai biến xảy ra từ tháng 5-2017, ông Nguyễn Trọng Khoa - phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho hay từ năm 1997, Bộ Y tế đã bắt đầu xây dựng các quy trình.
Tính đến năm 2018 đã có trên 7.020 quy trình được xây dựng và cập nhật.
"Tháng 4-2018, quy trình lọc nước RO được cập nhật, nhưng trước đó cũng đã có quy trình này rồi chứ không phải Bộ Y tế không có quy trình" - ông Khoa cho hay.
Báo chí đặt rất nhiều câu hỏi xung quanh các văn bản mà Bộ Y tế đã trả lời cơ quan điều tra tỉnh Hòa Bình, theo đó trong cáo trạng buộc tội bác sĩ Hoàng Công Lương và hai bị cáo có nói đến tiêu chuẩn AAMI.
Tuy nhiên, ông Quang cho rằng theo cáo trạng, việc buộc tội bác sĩ Lương dựa trên quan điểm "bác sĩ được phân công phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo, được đào tạo kỹ thuật lọc máu nhưng chủ quan ra y lệnh lọc máu khi chưa kiểm tra chất lượng nước", trong đó bác sĩ Lương bị truy tố tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là chưa đủ chứng cứ, chưa đủ căn cứ, do bác sĩ Lương không phải là người được phân công phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo.
Nếu không có gì thay đổi, 14h chiều mai 5-6, TAND TP Hòa Bình sẽ tuyên án vụ tai biến y khoa tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình làm 8 người tử vong.
Đây là vụ án đặc biệt cả về tính chất nghiêm trọng (8 người tử vong), cả về sự quan tâm của dư luận với các bị cáo, điều này cũng khiến phiên tòa kéo dài hơn gấp đôi so với dự kiến ban đầu.
Trả lời về việc Bộ Y tế tổ chức cuộc gặp với báo chí trước khi tòa tuyên án nhằm mục đích gì? Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng, Bộ Y tế Vũ Mạnh Cường cho rằng cuộc gặp này không vì mục đích thay đổi điều gì ở phiên tòa.
"Bộ Y tế chỉ muốn nói về những điều đã làm, giải thích về những điều chưa rõ"- ông Cường cho biết.