TTO - Viện kiểm sát nhân dân quận Gò Vấp vừa có quyết định kháng nghị đối với vụ án Tranh chấp đòi lại tài sản mà Tuổi Trẻ vừa đăng bài “Sự thật 5,5 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của người chết ở đâu?” sáng 28-5.
Theo quyết định kháng nghị, Công ty cổ phần cơ khí xây dựng công trình khởi kiện yêu cầu Tòa án Nhân dân (TAND) quận Gò Vấp buộc bà Nguyễn Thị Hằng và các đồng thừa kế với bà phải trả lại công ty 5,5 tỉ đồng và 129 triệu.
Trong quá trình giải quyết vụ án, tòa án đã xác định các đồng thừa kế là cha chồng bà Hằng, bà Hằng và hai con.
Đáng lý ra tòa phải xác định cả bốn người này là đồng bị đơn. Việc tòa xác định cha chồng và hai con là người có quyền và nghĩa vụ liên quan là không đúng theo quy định tại khoản 3 điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Trong quá trình họp giao ban ngày 23-1-2017, có sự tham gia của giám đốc công ty nhưng tòa chưa triệu tập giám đốc công ty tham gia vụ án với tư cách là người làm chứng.
Biên bản họp giao ban ngày 23-1-2017 về việc chuyển 6,737 tỉ đồng vào tài khoản chồng bà Hằng nhưng không có chữ ký của tất cả những người tham gia phiên tòa.
Trong biên bản họp ngày này thể hiện căn cứ vào kết quả cuộc họp đại cổ đông bất thường ngày 19-1-2017 mới mở cuộc hợp giao ban ngày 23-1-2017 nhưng khi được yêu cầu cung cấp biên bản họp cổ đông bất thường này thì nguyên đơn không cung cấp được.
Kế toán và thủ quỹ là người làm chứng xác nhận số tiền chuyển vảo tài khoản cho chồng bà Hằng là tiền của công ty nhưng không xác định rõ nội dung chuyển tiền là gì.
Trong khi đó, phía bị đơn - bà Hằng cho rằng giữa chồng bà và công ty có mối làm ăn hợp tác đầu tư và vay mượn qua lại thể hiện qua các bảng sao kê từ năm 2005 đến tháng 3-2017 có rất nhiều lần công ty chuyển tiền vào tài khoản chồng bà Hằng và chồng bà Hằng cũng cho công ty vay, tạm ứng cho công ty rất nhiều lần.
Đồng thời chồng bà Hằng cũng đang nắm giữ 88 cổ phiếu là cổ phần công ty nên số tiền công ty chuyển vào tài khoản cá nhân chồng chị Hằng là để trả nợ vay và tiền lời trong quá trình làm ăn.
Nhận thấy số tiền chuyển vào tài khoản cá nhân chồng bà Hằng, có phải là tiền giữ hộ như nguyên đơn trình bày hay tiền trả nợ vay và tiền lời trong quá trình làm ăn như bị đơn trình bày, chưa được làm rõ.
Công ty không cung cấp chứng cứ khi được yêu cầu là biên bản họp đại cổ đông bất thường ngày 19-1-2017, là chứng cứ có liên quan đến biên bản cuộc họp ngày 23-1-2017.
Biên bản họp ngày 23-1-2017 này thể hiện ban lãnh đạo công ty thống nhất chuyển tiền vào tài khoản của chồng bà Hằng 6,737 tỉ đồng để mở sổ tiết kiệm, lấy tiền lãi bổ sung làm quỹ công đoàn, vậy ban lãnh đạo công ty là những ai.
Hội đồng xét xử cũng không làm rõ vấn đề này mà chỉ dựa vào lời khai nhân chứng là nhân viên công ty và việc tại bàn làm việc có 11 sổ tiết kiệm đứng tên chồng bà Hằng và 3 sổ đứng tên giám đốc công ty, mỗi số 500 triệu đồng, để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không đánh giá toàn diện, đầy đủ chứng cứ của vụ án theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự.
Đồng thời, tại khoản 2 điều 26 Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng quy định "Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được tòa án chấp nhận".
Nhưng TAND quận Gò Vấp lại xác định cha chồng, hai con là người có quyền và nghĩa vụ liên quan nhưng lại buộc những người này cùng bị đơn - bà Hằng phải chịu án phí sơ thẩm hơn 113 triệu đối với yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận là không đúng với quy định trên.
Vì các lẽ trên, Viện KSND quận Gò Vấp kháng nghị bản án, đề nghị TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo hướng phân tích trên.