TTO - Do chiếm đoạt hơn 476 tỉ đồng, phạm tội nhiều lần, chưa ăn năn hối cải nên tiến sĩ dạy "học làm giàu" Phạm Thanh Hải bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt tù chung thân.
Bị cáo Phạm Thanh Hải tại tòa - Ảnh: GIANG LONG
Chiều 21-5, sau 5 ngày xét xử, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Phạm Thanh Hải (nguyên là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty CP thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (IDT), chủ trang mạng Học làm giàu) chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, sau khi thành lập Công ty IDT hoạt động kinh doanh trên mạng Internet nhưng không có hiệu quả và do cần tiền để chi phí và phục vụ mục đích cá nhân, từ năm 2008 Phạm Thanh Hải bắt đầu tổ chức huy động vốn cho cá nhân.
Mặc dù huy động vốn cho cá nhân nhưng tất cả các hoạt động giới thiệu, quảng bá để thu hút các nhà đầu tư biết đến Hải và góp vốn cho ông ta đều được thực hiện thông qua Công ty IDT.
Tài liệu điều tra thể hiện Hải đã đứng ra tổ chức các cuộc hội thảo, thành lập trang mạng xã hội "hoclamgiau"; giới thiệu bản thân là tiến sĩ, có nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Liên Xô, là người có tài đầu tư, kinh doanh… Công ty IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây "tỉ đô"…
Để chứng minh tính khả thi của các dự án, Hải đưa ra các hợp đồng với lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng (40% - 50%/năm), cắt lãi ngay khi hợp nộp tiền (mặc dù chưa có hoạt động kinh doanh), đồng thời Hải khuyến khích việc mở rộng mạng lưới huy động vốn vằng cách chi từ 2-10% tiền thưởng kết nối, môi giới cho mỗi hợp đồng mới.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 10-2014 đến tháng 10-2015, Hải đã huy động từ các nhà đầu tư tổng cộng trên 2.700 tỉ đồng.
Sau khi có tiền, Hải sử dụng số tiền này vào mục đích cá nhân, chủ yếu là cho vay, thanh toán gốc và lãi cho những hợp đồng đến hạn, chi thưởng kết nối, chi phí tổ chức các cuộc hội thảo, tham quan, du lịch quảng bá dự án… để tiếp tục mở rộng mạng lưới huy động vốn của nhiều người.
Hải chỉ sử dụng một phần số tiền huy động được để góp vốn với danh nghĩa cá nhân vào một số công ty, dự án.
Bào chữa cho bị cáo Hải, luật sư cho rằng khách hàng tin tưởng giao cho bị cáo nên bị cáo có quyền điều tiết linh hoạt nguồn vốn, việc truy tố dựa vào hình thức lỗi nhỏ trong hợp đồng là oan cho bị cáo. Do đó, các luật sư cho rằng bị cáo không phạm tội. Luật sư cho rằng hình sự hóa quan hệ kinh tế.
Tuy nhiên, viện kiểm sát đã phản bác các ý kiến trên, cho rằng bị cáo xâm phạm quyền tài sản của khách hàng thông qua hứa hẹn trả lãi cao.
Và theo nhận định của HĐXX, để huy động số tiền lớn, bị cáo đưa ra thông tin gian dối IDT đang triển khai các dự án có lãi cao, Hải là chủ tịch HĐQT có nhiều kinh nghiệm tài chính, hợp đồng góp vốn vào IDT, dự án mắcca, cây tỷ đô. Để các nhà đầu tư đưa tiền, Hải đưa ra lãi suất 40-50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền, khuyến khích mạng lưới huy động vốn từ 2-10% tiền thưởng kết nối môi giới cho mỗi hợp đồng.
Với việc huy động tiền, Hải sử dụng dấu công ty, cho các nhân viên công ty giúp thu tiền. Số tiền để quay vòng, 1 phần chi vào góp vốn là 157 tỉ đồng/2.725 tỉ đồng với danh nghĩa cá nhân Hải góp vốn vào các công ty khác; tự ý cho vay không lãi suất 114 tỉ đồng.
Sau khi huy động vốn về, tất cả hoạt động sử dụng tiền, Hải không thông báo cho nhà đầu tư, hiện Hải mất khả năng thanh toán. Cơ quan điều tra đã gọi hơn 2.500 người bị hại nhưng chỉ có hơn 500 người hợp tác còn những người khác không hợp tác hoặc còn bị lôi kéo.
Hành vi trên của bị cáo Hải phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xét hành vi, theo HĐXX là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm tài sản nhiều cá nhân, gây mất an ninh trật tự, hoang mang lo lắng cho nhân dân. Theo tòa, bị cáo khai báo thành khẩn song chưa ăn năn hối cải.
Với việc chiếm đoạt số tiền hơn 476 tỉ đồng, phạm tội nhiều lần, khắc phục được 71 tỉ đồng, thành khẩn khai báo nhưng chưa ăn năn hối cải nên tòa phạt tuyên tù chung thân.
Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc bị cáo phải có trách nhiệm toàn bộ cho các bị hại, người quyền lợi liên quan, bồi thường cho 508 người là 387 tỉ đồng.
Ngoài ra, nội dung bản án cũng đề cập: "Có nhiều đối tượng tụ tập đông người, lập các trang mạng kêu gọi chống đối. Họ là ai, người bị xâm phạm tài sản hay đang được hưởng lợi % kết nối theo kiểu đa cấp cần được cơ quan điều tra làm rõ để lập lại trật tự an ninh".