TTO - Theo các quy định hiện hành, một trong những điều kiện để được tha tù trước thời hạn là "phạm tội lần đầu". Dự thảo Luật Đặc xá sửa đổi không quy định điều kiện này nữa.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình dự thảo Luật Đặc xá sửa đổi chiều 21-5 - Ảnh: T.B.DŨNG
Chiều 21-5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày trước Quốc hội về dự án Luật Đặc xá sửa đổi, so với Luật Đặc xá năm 2007 có nhiều điểm thay đổi quan trọng.
Cụ thể, theo quy định tại điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, một trong những điều kiện để được tha tù trước thời hạn là "phạm tội lần đầu". Trong dự thảo Luật Đặc xá sửa đổi không còn quy định điều kiện này nữa.
Tuy vậy, dự thảo vẫn theo hướng thể hiện đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định đối với người bị kết án phạt tù.
Những người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá vẫn phải là những người chấp hành tốt nội quy; tích cực học tập, lao động; đã chấp hành ít nhất 1/2 thời gian đối với án tù có thời hạn và ít nhất 15 năm đối với án chung thân, đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, án phí...
Trường hợp tuy chưa thực hiện xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, chưa thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác, nhưng có thỏa thuận không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá, cũng có thể được Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá.
Bên cạnh đó là các trường hợp đặc biệt có thể giảm thời gian chấp hành hình phạt tù như đã lập công lớn, là thương binh; bệnh binh, được tặng thưởng các danh hiệu, đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc ốm đau thường xuyên, dưới 18 tuổi và đủ 70 tuổi trở lên, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, là phụ nữ đang có thai hoặc có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi...
Dự thảo cũng bỏ những người "trước đó đã được đặc xá và có từ hai tiền án trở lên" ra khỏi các trường hợp không đề nghị đặc xá.
Theo dự thảo, thời điểm tiến hành đặc xá vẫn là nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.
Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước sẽ được công bố và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và được niêm yết tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, UBND cấp xã nơi người được đặc xá cư trú để bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường khả năng giám sát, giúp đỡ người được đặc xá nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Dự thảo cũng cụ thể hóa hơn chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với người nước ngoài phạm tội. Theo đó, khi phạm nhân là người nước ngoài được đặc xá, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân, đồng thời bố trí nơi lưu trú cho họ trong thời gian chờ đợi.
Chỉ 1,16% người hưởng đặc xá tái phạm tội
Theo Bộ Công an, trong giai đoạn 2009-2016, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá cho 85.897 phạm nhân và 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Đa số đã về đúng địa chỉ cư trú, gần 50.000 người đã có việc làm và thu nhập ổn định. Tỉ lệ người có hành vi vi phạm pháp luật, tái phạm tội chỉ chiếm 1,16%.
Trong giai đoạn 2009 - 2017, các đối tượng được đặc xá đã thực hiện xong nghĩa vụ dân sự với số tiền là hơn 3.184 tỉ đồng.