Pháp luật

Bị cáo ẵm con sơ sinh đến tòa, ứng xử thế nào cho thỏa đáng?

TTO - Bị cáo Bùi Thị Kim Loan ẵm theo con mới sinh tới phiên tòa xét xử bà Hứa Thị Phấn cùng các đồng phạm làm thiệt hại 6.300 tỉ đồng cho Ngân hàng Đại Tín ngày 8-5. Tòa phải ứng xử thế nào cho đúng luật và đảm bảo tính nhân đạo?

Bị cáo ẵm con sơ sinh đến tòa, ứng xử thế nào cho thỏa đáng? - Ảnh 1.

Bị cáo Bùi Thị Kim Loan và chồng bế theo con mới sinh đến tòa - Ảnh: TUYẾT MAI

Bắt đầu xét xử, bị cáo Loan được thẩm vấn lý lịch đầu tiên, thư ký phải mang micro lại tận chỗ ngồi để bị cáo trả lời. Thẩm vấn xong, chủ tọa cho bị cáo được ra ngoài hoặc vắng mặt trong những phần không liên quan nhưng bị cáo Loan vẫn ôm con ngồi dự tại phiên tòa.

Gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng

Trong vụ án này, Bùi Thị Kim Loan - 40 tuổi, nguyên kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ, giúp việc cho bị cáo Hứa Thị Phấn - được xác định là bị cáo có vai trò thực hành tích cực, có hành vi hạch toán thu khống số tiền 5.256 tỉ đồng.

Bị cáo Loan bị cáo trạng xác định nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch thuộc sở hữu của bà Phấn lên cao gấp 8 lần giá thị trường, rồi mua bán lòng vòng trước khi bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỉ đồng.

Bị cáo Loan bị cơ quan điều tra khởi tố và bắt tạm giam ngày 26-9-2017 nhưng được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 12-3. Trong thời gian chờ đưa vụ án ra xét xử, bà Loan sinh con, đến hôm mở phiên tòa, bé vẫn chưa đầy tháng.

Trước khi mở phiên tòa, với lý do sức khỏe, luật sư bào chữa cho bị cáo Loan có đơn đề nghị hoãn phiên tòa. Trong quá trình điều tra và truy tố, bị cáo Loan cũng như luật sư đều có đơn kiến nghị gửi các cơ quan tố tụng nhưng không nhận được phản hồi. Luật sư cho rằng việc không được hồi âm là vi phạm về tố tụng.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Loan cho biết sau khi bị cáo Loan được tại ngoại thì phải nhập viện điều trị liên tục do huyết áp cao, tim mạch không ổn định. Bị cáo bị sinh non. "Sinh con ít nhất 6 tháng mới phải ra tòa nhưng hiện nay sức khỏe chị Loan rất yếu, chúng tôi tiếp tục đề nghị hoãn phiên tòa đến khi nào bị cáo Loan đủ sức khỏe và tinh thần để tham gia phiên tòa" - luật sư bào chữa cho bị cáo Loan phát biểu trong phần thủ tục.

Thẩm phán đến tận nhà thăm bị cáo

Đó là thông tin từ ông Phạm Lương Toản, chánh tòa hình sự TAND TP.HCM. Ông Toản cho rằng HĐXX rất chia sẻ về tình hình sức khỏe của bị cáo, nên cử thẩm phán và thư ký phiên tòa trực tiếp đến nhà gặp bị cáo Loan, khi đó có mặt luật sư của bị cáo. 

"Vì tình trạng sức khỏe sinh sản của bị cáo, HĐXX có thể cho bị cáo được xét xử vắng mặt nhưng bị cáo không đồng ý. Trong những ngày xét xử mà nội dung không liên quan đến hành vi của bị cáo, HĐXX có thể cho bị cáo vắng mặt nhưng bị cáo cũng không đồng ý. Lý do thai sản của bị cáo không phải là lý do để hoãn phiên tòa" - ông Toản nói.

Cùng với việc không đồng ý hoãn phiên tòa, HĐXX còn yêu cầu có bác sĩ sản nhi đến phiên tòa để đảm bảo sức khỏe của bị cáo và cháu bé. "HĐXX cho bị cáo vắng mặt những phần không liên quan đến bị cáo, còn nếu bị cáo không đồng ý thì HĐXX chuẩn bị đầy đủ thủ tục để đảm bảo sức khỏe của bị cáo khi tham dự phiên tòa" - chủ tọa phiên tòa công bố.

Trong khi đó, quy định tại thông tư của TAND Tối cao ban hành kèm quy định về nội quy phiên tòa có nêu rõ việc không cho phép những người dưới 16 tuổi vào tòa án, trừ khi đó là những người bị tòa triệu tập. Bấy lâu nay, quy định này được thực hiện khá tốt tại TAND TP.HCM.

Dứt khoát không cho cháu bé vào phòng xử

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - nguyên phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM - cho biết nội quy phiên tòa quy định như thế nào thì phải thực hiện đúng như thế. Quy định chung là trẻ con không đến tòa bởi lý do nhân đạo, các hình ảnh về còng tay, hình ảnh cảnh sát tư pháp dẫn giải các bị cáo hay các lời khai về các hành vi vi phạm pháp luật dễ ám ảnh đối với tuổi thơ của trẻ.

Theo bà Thủy, trong tình huống của bị cáo Loan, ngoài việc phải có bác sĩ túc trực để chăm sóc sức khỏe cho mẹ và em bé, tòa nên bố trí cho bị cáo bế con ở một phòng khác yên tĩnh hơn khi theo dõi phiên tòa, lúc nào thẩm vấn hoặc tranh luận thì bị cáo mới cần có mặt tại phòng xử.

Bà Thủy kể trong cuộc đời làm thẩm phán của mình, không phải không có tình huống bị cáo phải mang con theo. Có thể bị cáo không thể gửi con cho ai trông nom. Khi đó, để đảm bảo việc xét xử, tòa phải cử người giữ cháu bé, dứt khoát không cho các cháu vào phòng xử. 

"Tôi nhớ nhất là việc xét xử một vụ án buôn bán ma túy, trong đó nữ bị cáo có con nhỏ. Ngày mở tòa, bị cáo dắt theo mấy đứa con. Khi biết bị cáo không thể gửi người thân thì tòa cử người trông nom cháu bé ở phòng khác, khi nào xử xong thì giao cháu lại cho mẹ".

Bà Thủy tâm sự bản thân là một người mẹ từng có con nhỏ, bà rất xót xa khi thấy bị cáo ôm đứa con đỏ hỏn đến phiên tòa. Sự ồn ào và thiếu không khí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. 

"Trong tình huống HĐXX cho phép bị cáo vắng mặt nhưng vì quyền lợi và nghĩa vụ mà bị cáo thấy cần thiết phải có mặt thì tòa bố trí người trông nom chăm sóc hai mẹ con. Nhưng dù sao thì việc một người mẹ phải mang con nhỏ ra tòa cũng là rất đau lòng" - bà Thủy nói.

Bị cáo có con nhỏ được hưởng tình tiết giảm nhẹ

Đó là khẳng định của một kiểm sát viên đang giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử các bị cáo.

Theo vị này, bị cáo đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì có thể được tại ngoại để nuôi con, được coi là tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình. Thậm chí, khi bản án có hiệu lực pháp luật, bị án còn được tạm hoãn thi hành án.

Nguyên trợ lý bà Hứa Thị Phấn ôm con chưa đầy tháng đến tòa Nguyên trợ lý bà Hứa Thị Phấn ôm con chưa đầy tháng đến tòa

TTO - Bị cáo Bùi Thị Kim Loan, nguyên kế toán Công ty Phú Mỹ, trợ lý của bà Hứa Thị Phấn, đã mang con chưa tròn tháng đến phòng xử án, dù trước đó đã có đơn đề nghị hoãn phiên tòa.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        398,353       881