TTO - Là người trực tiếp chỉ huy và tham gia cứu người trong vụ cháy chung cư Carina (quận 8), đại úy Lê Tấn Châu, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận 1 (Cảnh sát PCCC TP.HCM) chia sẻ với Tuổi Trẻ Online quanh câu chuyện cứu người thời điểm đó.
Đại úy Lê Tấn Châu kể lại quá trình cứu nạn trong vụ cháy chung cư Carina - Ảnh: SƠN BÌNH
Đại úy Lê Tấn Châu, nói:
- Tôi nhận được lệnh tăng cường lực lượng chữa cháy cứu người vào khoảng 1h40 rạng sáng 23-3. Đơn vị báo động nhiệm vụ và chưa đầy 60 giây, chúng tôi đã lên đường. Đơn vị xuất 8 xe cùng hơn 45 cán bộ, chiến sĩ, đi nhanh đến hiện trường. Ban đầu có một xe thang, sau đó bổ sung thêm một xe thang nữa.
Khi xe di chuyển cách hiện trường khoảng 3km, đã thấy khói cuồn cuộn trên cao, tôi nhận định vụ cháy rất lớn. Ngay trên xe, anh em chủ động hình dung hiện trường, các phương án chữa cháy cứu người, để đến nơi là lập tức triển khai. Các đội hình đã được phân công trên xe như trinh sát tìm kiếm cứu nạn trên các tầng, xe thang cứu người, chữa cháy, tiếp nước cho đơn vị mình và các đơn vị khác…
Nhiều người đóng cửa căn hộ tránh khói
*Hiện trường lúc đó như thế nào, thưa anh?
- Khi lực lượng tới nơi, đã nghe thấy tiếng kêu cứu quá trời quá đất, cho nên anh em rất khẩn trương. Đơn vị xác định vị trí phát cháy và chọn vị trí tác nghiệp để phối hợp các đơn vị khác. Cán bộ, chiến sĩ chạy bộ liên tục từ tầng dưới lên đến tầng trên cùng, làm nhiệm vụ cho đến sáng. Lối đi thang bộ đầy khói độc, cán bộ, chiến sĩ phải trang bị bảo hộ, khí tài, mặt nạ chống độc, dụng cụ vượt phá ngại vật. Từ thang bộ, tỏa đi các phòng, các tầng, tìm kiếm nạn nhân, hướng dẫn nạn nhân ra ngoài. Rất nhiều nạn nhân được di chuyển xuống bằng thang bộ, bằng xe thang, đưa dìu, cõng ra ngoài an toàn bằng nhiều cách.
* Cụ thể mọi người bên trong tòa nhà lúc đó ra sao?
- Khi lực lượng đi thang bộ lên đến lầu 3, thì phát hiện có nhiều thi thể nằm ở cầu thang bộ, có một thi thể ở tận tầng 12. Khi lên từng tầng, tỏa ra các phòng, cán bộ, chiến sĩ hô hoán kêu gọi, xem còn ai để cứu giúp. Khi đó phát hiện nhiều phòng đóng cửa, gõ cửa kêu gọi cũng không ai phản ứng.
Chúng tôi xin ý kiến chỉ huy, phá cửa xông vào bên trong tìm kiếm, bởi có thể vì lý do nào đó mà còn người kẹt trong nhà, không thể chủ quan bỏ sót. Khi phá cửa thì một số căn hộ không có người, do trước đó đã chạy ra ngoài. Nhiều căn hộ vẫn còn người bên trong, phần lớn họ đóng chặt cửa để tránh khói, hoảng loạn "tử thủ", có người ngất xỉu. Họ chờ đợi có người đến cứu giúp và đơn vị đưa ra an toàn khoảng 20 người.
Cảnh sát PCCC đang đưa người dân ra khỏi chung cư - Ảnh: LÊ PHAN
* Việc cứu người có gặp khó khăn?
- Ngoài việc nhiều người dân mất bình tĩnh, khi đó sức nóng, khí độc len lỏi hoặc bao trùm nhiều vị trí ở các tầng khác nhau, khiến việc hướng dẫn người dân ra ngoài gặp khó. Bởi cán bộ, chiến sĩ có khí tài, mặt nạ chống độc, trong khi nhiều người dân không trang bị. Cán bộ, chiến sĩ phải hướng dẫn họ đi từng lối ngắn khác nhau, tránh nơi nóng nguy hiểm, tránh khói, giảm khói mà xuống đất an toàn trong thời gian nhanh nhất.
* Cảm nhận của anh về sức nóng lúc đó?
- Nói về sức nóng lúc đó, cứ hình dung như cái lò nung. Lò lửa dưới tầng hầm nung nóng dần lên các tầng bên trên. Ngay cả khi đơn vị khống chế ngọn lửa, làm mát liên tục, nhưng tôi trực tiếp đi vào các tầng bên dưới thì vẫn còn rất nóng. Nhiều cán bộ, chiến sĩ bị trầy xước, bỏng da nhưng không ai nghĩ đến cảm giác đau rát, mà ráng lo làm nhiệm vụ.
Thêm 2 phút, chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình sẽ được cứu!
*Trong quá trình chữa cháy cứu người, hình ảnh nào khiến anh nhớ nhất?
- Có một hình ảnh rất đau lòng, đó là cái chết của chị Phượng (bà Lưu Lê Bích Phượng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 - PV). Trong quá trình phóng thang cứu người, anh em phát hiện trên tầng cao có một phụ nữ đang leo ra ban công, chuẩn bị leo xuống thang dây ngắn. Khi nhận tin báo, tôi lo lắng đến sự an toàn của người phụ nữ. Tôi chỉ đạo rọi đèn vào khu vực đó, dùng loa thông tin, khuyên nạn nhân đừng leo xuống thang dây rất nguy hiểm, cứ đứng tại ban công, sẽ có xe thang lên cứu.
Thang dây mà Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình leo xuống - Ảnh: VIỄN SỰ
Tuy nhiên không hiểu vì sao, có thể là mất bình tĩnh, người phụ nữ cứ leo thang dây xuống. Khi xe thang đến vị trí chuẩn bị phóng lên để cứu người thì cũng là lúc chị rời dây thang rơi xuống từ khoảng tầng 14-15 và tử vong. Nhìn thi thể của chị mà tôi và các cán bộ, chiến sĩ phải kiềm nén cảm xúc.
Tôi tự nói với chính mình, chỉ cần thêm khoảng 2 phút nữa thôi, là chị sẽ được xe thang cứu, vậy mà... Chị rơi xuống, thi thể chị nằm gần xe thang đang phóng lên để cứu chị. Hình ảnh của chị lúc đó, giờ vẫn còn ám ảnh trong tâm trí tôi và nhiều cán bộ, chiến sĩ.
* Còn hình ảnh nào khác?
- Lúc mang nhiều thi thể xuống, anh em chỉ nhìn thoáng qua rồi không dám nhìn nữa vì nó quá thương tâm. Nhiều anh em cứ đau đáu trong lòng, rằng mình đã cố gắng hết sức và không muốn nhìn thấy thêm thi thể nào nữa, nó xót xa quá.
Một hình ảnh nữa, đó là rất nhiều người hoảng loạn kêu cứu. Khi anh em đến nơi thì họ mừng, họ khóc, họ ôm chặt, họ tin rằng đã được cán bộ, chiến sĩ giúp đỡ ra ngoài an toàn. Những lúc như vậy, tôi ước gì có rất đông cán bộ, chiến sĩ, xuất hiện bên cạnh tất cả nạn nhân, để họ không sợ hãi, để được hướng dẫn, giúp đỡ an toàn...
Bê tông rơi trúng đầu vẫn tiếp tục xông lên
* Anh có thể chia sẻ một vài hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quên mình cứu người lúc đó?
- Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ của đơn vị tôi và đơn vị khác bị nhiễm khói, bị sức nóng gây bỏng, trầy xước và còn bị những mảng bê tông rơi trúng. Nhưng anh em gần như không quan tâm đến bản thân, mà cứ lên xuống chữa cháy cứu người, liên tục nhiều giờ liền.
Có một chiến sĩ trong đơn vị, phải lên xuống các tầng cứu người liên tục trong khói độc. Một lần cố gắng đưa nạn nhân xuống an toàn, chiến sĩ này đuối sức, ngồi bệt tự do xuống đất, mặt mũi nám đen, hít thở để ổn định lại hô hấp. Khi tôi đến động viên, yêu cầu lau mặt nghỉ chút, thì chiến sĩ này gượng ngồi dậy, tiếp tục đi lên các tầng cứu người. Tôi yêu cầu kiểm tra khí tài cho an toàn thì chiến sĩ này không cần biết còn khí hay không, có nguy hiểm tính mạng mình không, rồi lại xông lên các tầng cứu người...
Cảnh sát PCCC đang cố gắng chữa cháy cứu người - Ảnh: LÊ PHAN
Cũng có trường hợp, một chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC Quận 6, trong quá trình tìm kiếm nạn nhân ở các tầng dưới, đã bị một mảng bê tông vỡ, rớt trúng đầu. Sau khi bị choáng, chiến sĩ này cho rằng không ảnh hưởng gì nhiều và xin tiếp tục công tác tìm kiếm cứu người...
* Đã từng có nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi chữa cháy cứu người. Điều đó có ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ ở hiện trường vụ cháy chung cư Carina?
- Điều đó không ảnh hưởng đến tâm lý chữa cháy cứu người, mà ngược lại còn là động lực rất lớn. Động lực nằm ở tính nhân văn, khi anh em vào ngành đã xác định, đây là ngành nhân văn, mà anh em hay nói vui nhau rằng: "mọi người tìm mọi cách để ra, còn mình tìm mọi cách để vào". Đó là trách nhiệm của chúng tôi để cứu giúp mọi người gặp nạn.
Thực tế đã có những tấm gương hy sinh trong quá trình chữa cháy cứu người và những tấm gương đó, càng tiếp sức cho anh em, phải chiến đấu hơn nữa để làm tốt nhiệm vụ chữa cháy cứu người, trong mọi điều kiện khó khăn, nguy hiểm.
* Cảm ơn anh!