TTO - Nhiều ý kiến tài xế cho rằng để xe ưu tiên đi ngược chiều vào đường cao tốc là quá nguy hiểm bởi các xe đều đang đi với tốc độ cao, rất khó xử lý khi bất ngờ cần thắng gấp.
Xe phòng cháy chữa cháy chạy ngược chiều bị xe khách tông trên đường cao tốc - Nguồn: FB
Tai nạn giữa xe cứu hộ của PCCC Hà Nội đi ngược chiều với xe khách trên cao tốc Pháp Văn - Cầu Giẽ tiếp tục gây luồng tranh luận về việc có nên cho xe ưu tiên đi vào đường cao tốc vì nguy cơ xảy ra tai nạn khi các xe chạy với tốc độ cao.
Không thể thắng gấp
Xem video clip ghi cảnh xe cứu hộ của Cảnh sát PCCC Hà Nội bị xe khách tông ngang hông khi đi ngược chiều vào đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chiều 18-3, nhiều bạn đọc nhận định tài xế xe cứu hộ đã quá chủ quan và đây là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn.
Bạn đọc Phạm Dũng QM bình luận: "Ưu tiên là được đi vào đường ngược chiều, chứ không phải cứ lao vào đường ngược chiều thế nào cũng được. Nếu không phải đường cao tốc thì tốc độ xe thấp có thể kiểm soát được việc phải thắng gấp, còn vào đường cao tốc phải có tín hiệu từ xa.
Đằng này lao ngang vào đường cao tốc trong khi trời có mưa, đường trơn thì xe khách không thể thắng gấp".
Theo bạn đọc Hoàng Ưu, tình huống tai nạn cho thấy tài xế xe cứu hộ thiếu kinh nghiệm khi sử dụng quyền ưu tiên. Lẽ ra xe cứu nạn phải đi ngược chiều trên là đường ngoài cùng có tốc độ thấp và vốn là làn đường dành cho các xe dừng khẩn cấp thì đã không xảy ra tai nạn.
Đáng tiếc là tài xế xe cứu hộ từ lối rẽ đã băng ngang đường để đi vào làn đường trong cùng, cho phép các xe chạy với tốc độ cao nhất nên đã xảy ra tai nạn thương tâm.
"Giả sử xe khách phát hiện ra xe PCCC, phải thắng gấp hoặc chuyển làn để nhường đường nhưng do đi với tốc độ cao trên đường cao tốc với điều kiện trời mưa phùn, đường trơn trợt và xe khách bị lật, gây thương vong cho hành khách thì sao? Lúc này thương vong có thể còn thảm khốc hơn" - bạn đọc Van Nguyen nói.
Không nên cho xe đi ngược chiều đường cao tốc!
Cũng không ít ý kiến cho rằng do các xe đi trên đường cao tốc đều chạy với tốc độ cao nên dù có nhận ra xe ưu tiên đi ngược chiều cũng rất khó có thể nhường đường hoặc dừng tránh một cách an toàn.
Theo bạn đọc Ngô Văn Liên, trong tình trạng kỹ thuật tốt, hai xe đi ngược chiều nhau với vận tốc 100km/h và cùng đạp thắng thì khoảng cách giữa hai xe tối thiểu 200 mét mới không tông vào nhau.
"Luật Giao thông đường bộ cho phép xe ưu tiên chạy ngược chiều trên đường cao tốt thì cần phải xem xét lại để tránh tình trạng xe đi cứu hộ cần phải… cứu hộ" - bạn đọc Ngô Văn Liên bình luận.
Anh Ngô Thanh Tâm, 34 tuổi, lái xe khách tuyến đường TP.HCM - Đà Lạt nhận định với điều kiện xe chạy trên đường cao tốc, bật máy lạnh và đóng kín cửa thì tài xế vẫn có khả năng nhận biết và nghe được tiếng còi hú của xe ưu tiên, tuy nhiên không biết được xe ra từ hướng nào do tốc độ di chuyển quá nhanh, âm thanh sẽ bị tạp đi.
Tài xế Ngô Thanh Tâm - Ảnh: LÊ PHAN
Anh Tâm cho biết thông thường chỉ gặp trường hợp xe ưu tiên chạy từ sau tới chứ chưa gặp trường hợp xe chạy ngược chiều. Khi nghe tiếng còi ưu tiên anh sẽ cho xe giảm dần tốc độ và bật đèn xin đường tấp vào làn có tốc độ lưu thông thấp hơn để nhường đường.
"Sáng giờ tôi đã coi rất kỹ clip tai nạn giữa xe khách giường nằm và xe cứu hỏa và nhận thấy xe cứu hỏa dù được ưu tiên nhưng cách qua đường như vậy là sai. Vì đây là đường cao tốc nên muốn qua đường phải đi men dần qua chứ không thể đột ngột cắt ngang như vậy.
Đa số xe khách khi đưa vào hoạt động đều được làm lại thắng để xử lý tốt hơn khi gặp sự cố. Các xe mới mua về mà đưa vào chạy luôn thì với trường hợp trên tai nạn còn thảm khốc hơn do xe không thể dừng lại ngay mà lết dài trên đường sau khi thắng" - anh Tâm nói.
Còn anh Võ Anh Tuấn, 44 tuổi, lái xe tuyến TP.HCM - Đồng Nai cho biết không đồng tình việc cho chạy ngược chiều trên cao tốc, kể cả xe ưu tiên.
Tài xế Võ Anh Tuấn - Ảnh: LÊ PHAN
Việc xe cứu hỏa chạy băng ngang như vậy khiến tài xế xe khách khó xử trí ngay, chưa kể nếu né có thể gây tai nạn cho xe từ phía sau tới. Mặt khác cánh tài xế xưa nay ít gặp trường hợp nào như trên nên sẽ bất ngờ và không thể nào xử lý kịp. Còn đối với trường hợp có sự cố nghiêm trọng, bất khả kháng phải đi ngược chiều để giải cứu, cấp cứu nhiều người thì cần có lực lượng chức năng hướng dẫn từ xa để các xe đang lưu thông nhận biết và giảm tốc dần
Tài xế Võ Anh Tuấn
Theo anh Tuấn, ở đường bình thường thì khi gặp trường hợp trên tài xế có thể xử lý được do tốc độ không quá cao. Nhưng đường cao tốc, tốc độ thường ở mức 80-90km/h, xe trước vụt qua là xe sau đã tới.
Vì vậy khi xe trước có sự cố thì tích tắc xe sau đã ở sát đuôi nên khó mà xử lý được nếu khoảng cách giữa hai xe không hơn 100m.