TTO - Sau khi Đài truyền hình TP.HCM bác bỏ toàn bộ yêu cầu của nghệ sĩ Duy Phương trong vụ kiện Sau ánh hào quang, luật sư Nguyễn Quốc Cường - đại diện cho nghệ sĩ Duy Phương có ý kiến.
Lê Giang và MC Trấn Thành trong chương trình Sau ánh hào quang
Luật sư Nguyễn Quốc Cường cho biết "Những ý kiến của Đài truyền hình TP.HCM theo quan điểm bên nguyên đơn thì đây mới là ý kiến một phía.
Họ đưa ra những lý do để bảo vệ quan điểm của họ. Còn chúng tôi đã tập hợp những chứng cứ để phản bác lại những luận cứ phía Đài truyền hình TP.HCM.
Trên tinh thần ban đầu xác định, nghệ sĩ Duy Phương muốn sự việc giải quyết tôn trọng lẫn nhau, nhanh chóng, thỏa đáng thì tốt. Bên Đài truyền hình TP.HCM không có thiện chí. Nếu Đài truyền hình TP.HCM như vậy thì chúng tôi đi tới cùng.
Theo ý kiến riêng tôi việc dân sự cốt ở hai bên. Vấn đề để sự việc giải quyết nhanh chóng, muốn nhỏ thì nhỏ, còn muốn lớn chuyện sẽ lớn chuyện.
Tôi nghĩ việc khởi kiện này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các nhà đài cần hết sức nghiêm túc trong việc thẩm định những thông tin đưa đến công chúng, để đừng để lại những hậu quả lớn hơn, đau lòng về sau."
Tuổi Trẻ Online đã hỏi luật sư Lê Trung Phát - Đoàn Luật sư TP.HCM, ông Phát cho rằng "Kể chuyện đơn phương, nhà đài gây tổn thương bên vắng mặt!"
Ông Phát nói: "Lí lẽ phía Đài truyền hình TP.HCM đưa ra cho rằng mình đã làm đúng quy định để phản bác yêu cầu của nghệ sĩ Duy Phương là không thuyết phục.
Cụ thể: Nghệ sĩ Lê Giang kể về cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc với người chồng cũ (Duy Phương) trong chương trình Sau ánh hào quang. Mặc dù không nói tên người chồng là nghệ sĩ Duy Phương nhưng khán giả và những người biết chuyện đều biết là Lê Giang nói về ai.
Nhất là, họ đều là những người nghệ sĩ, là người của công chúng, ai cũng biết họ. Tên chỉ có ý nghĩa như các đại từ nhân xưng khác. Việc có nêu tên hay không thì không có ý nghĩa gì.
Đương nhiên, việc nghệ sĩ Lê Giang kể về cuộc hôn nhân không hạnh phúc chỉ là tâm sự chứ không nhằm bôi nhọ, nói xấu chồng cũ. Nhà đài cũng không chủ đích tổ chức chương trình cho Lê Giang nói xấu chồng mình.
Nhưng rõ ràng chuyện kể của Lê Giang nói về chuyện hôn nhân rất đỗi riêng tư. Đáng nói, câu chuyện hậu trường được chia sẻ lại liên quan, gây thiệt hại đến người thứ ba vắng mặt.
Chủ đề rất riêng tư như đổ vỡ cuộc sống hôn nhân, yêu đương, các mối quan hệ... luôn là chủ đề "hot" đối với khán giả. Những câu chuyện kể đó ít nhiều bộc lộ những lỗi lầm, thiếu sót, chuyện thầm kín của người thứ ba.
Việc Đài truyền hình TP.HCM cho rằng ê-kíp đã phản ánh trung thực câu chuyện kể của Lê Giang cho nên đã không cắt ghép, chỉnh sửa và đã làm đúng quy trình thẩm định, kiểm duyệt... để nói mình không có lỗi đối với Duy Phương là không đúng.
Cần phân định rằng quy trình thẩm định, kiểm duyệt nội dung chỉ là quy trình nội bộ của riêng nhà đài đối với talk show. Đài truyền hình TP.HCM đã phản ánh trung thực câu chuyện kể của Lê Giang.
Tuy nhiên, nhà đài chỉ mới trung thực trong chuyển tải chuyện kể của Lê Giang đối với nhà đài và khán giả. Mà câu chuyện lại liên quan đến người thứ ba vắng mặt là Duy Phương.
Và Duy Phương cảm thấy bị xúc phạm, bị bôi nhọ, tổn thương với cách mà Đài truyền hình TP.HCM chuyển tải câu chuyện đó đến với khán giả.
Bởi lẽ, với cách thức chuyển tải chuyện kể đơn phương, khó tránh khỏi nhiều thông tin được người xem đón nhận theo chiều hướng phiến diện, thiếu khách quan hoặc chỉ tập trung phô bày ra những cái xấu, chuyện không mong muốn của Duy Phương.
Thậm chí, khó có thể kiểm soát có cả những sự mâu thuẫn, uất ức, ghét bỏ đối với người thứ ba trong câu chuyện đó. Như vậy vô hình trung người thứ ba bị nêu ra và được nhiều người đón nhận với những thông tin bị méo mó, xấu xí.
Nặng nề hơn, người thứ ba phải đối mặt với sự dèm pha của xã hội, đồng nghiệp, bạn bè gây xáo trộn đời sống, thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm.
Vụ việc Duy Phương kiện nhà sản xuất chương trình và Đài truyền hình TP.HCM là một bài học để họ cần phải cẩn trọng việc xây dựng kịch bản. Bởi việc sản xuất chương trình kể chuyện theo cách kể đơn phương sẽ gây thiệt hại khó có thể khắc phục cho người thứ ba vắng mặt kể cả sau đó chương trình có cho người thứ ba được lên sóng để kể lại, đính chính, phản đối.
Bởi lẽ người thứ ba bị tổn thương nhiều khi không có nhu cầu nói qua, nói lại hoặc vạch áo cho người xem lưng.
Với tâm lý, văn hóa người Á Đông chúng ta, thì những chuyện riêng tư, thầm kín không ai muốn chia sẻ, tung hê. Việc nhà sản xuất tiếp tay dẫu vô tình hay cố ý thì đều không đúng về đạo đức và cả pháp luật.
Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với Đài truyền hình TP.HCM để hỏi thêm về sự vụ ồn ào này, nhưng đại diện của Đài truyền hình TP.HCM cho biết những gì cần lên tiếng họ đã nói ở phiên hòa giải đầu tiên, và sẽ không nói thêm gì.