TTO - Bị cáo Đặng Hoàng Thiện được xác định là người chế tạo bom xăng cho nhóm khủng bố đốt kho xe vi phạm của công an Biên Hòa và đặt bom tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Các bị cáo tại tòa - Ảnh chụp màn hình
Sáng 27-12, đại diện Viện KSND TP.HCM đã trình bày quan điểm luận tội đối với các các bị cáo trong nhóm khủng bố nhận tiền tài trợ từ nước ngoài để thực hiện một số hoạt động chống phá trong nước.
Theo Viện KSND TP.HCM trong quá trình điều tra, Thái Hàn Phong phủ nhận việc tham gia đốt kho xe vi phạm số 1 của công an TP Biên Hòa, không tham gia chế tạo bom xăng, bom gas, không tham gia các nhóm phản động. Tại tòa, Thái Hàn Phong cũng không nhận tội.
Bị cáo Nguyễn Thị Chung thì thừa nhận mình có gặp và đưa cho Đặng Hoàng Thiện 23 triệu đồng nhưng không thừa nhận mình là "hậu cần" cho các đối tượng để thực hiện hành vi khủng bố. Tại tòa, Chung khai không sử dụng facebook, không nhận đưa tiền cho Thiện.
Tuy nhiên, dựa vào lời khai của các nhân chứng, lời khai của chồng bị cáo Chung cho thấy Thiện là người tạo facebook cho Chung để Chung tham gia vào các nhóm phản động.
Các bị cáo Vũ Mộng Phong, Nguyễn Ngọc Tiền, Hoàng Văn Dương thay đổi lời khai tại tòa. Tuy nhiên trước đó các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội; đồng thời trong quá trình điều tra các bị cáo không bị ép cung, nhục hình.
Các bị cáo phần lớn là những bị cáo trẻ, "sống ảo", chỉ thấy mặt tiêu cực mà không nhận thấy mặt tích cực trong cuộc sống. Các bị cáo có học vấn thấp, không có nghề nghiệp ổn định, phần lớn lao động tự do, dễ nghe lời tuyên truyền, xuyên tạc của các đối tượng xấu.
Việc tổ chức ném bom xăng, bom gas nhưng không xảy ra thiệt hại về người là trái ý muốn của các bị cáo, do đó cần có mức án nghiêm khắc với các bị cáo.
Các bị cáo còn lại thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố.
Theo đó, Viện kiểm sát đề nghị mức án với 15 bị cáo bị truy tố về tội khủng bố như sau:
- Đặng Hoàng Thiện: từ 16-18 năm tù
- Nguyễn Đức Sinh: từ 14-16 năm tù
- Thái Hàn Phong: từ 13-15 năm tù
- Ngô Thụy Tường Vy: từ 12-14 năm tù
- Nguyễn Ngọc Tiền: từ 12-14 năm tù
Đồng thời, đề nghị tòa áp dụng hình phạt quản chế các bị cáo trên 4-5 năm kể từ sau khi chấp hành xong án tù.
- Nguyễn Thị Chung: từ 10-12 năm tù
- Trương Tấn Phát: từ 8-10 năm tù
Đề nghị phạt quản chế Chung và Phát 3-4 năm.
- Bùi Công Thành, Đoàn Văn Thế: 7-9 năm tù
- Lê Hùng Cường, Trần Quốc Lượng, Vũ Mộng Phong và Hoàng Văn Dương: 6-8 năm tù
- Trần Văn No, Hùng Văn Vương: 5-7 năm tù
Phạt quản chế Thành, Thế, Cường, Lượng, Phong, Dương, No, Vương 2-3 năm.
Riêng bị cáo Lê Thị Thu Phương: từ 1 - 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội không tố giác tội phạm.
Theo cáo trạng, ngày 16-2-1991, tại Califonia (Mỹ) một số nhóm phản động lưu vong người Việt Nam do Đào Minh Quân thành lập đã tiến hành đại hội lập ra tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời".
Tổ chức này sử dụng các website, hộp thư điện tử, blog... để đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, lật đổ Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam bằng phương pháp bạo động vũ trang. Đến năm 2007, do bị các lực lượng chức năng vô hiệu hóa, nên tổ chức phản động nói trên ngày càng suy yếu.
Từ cuối năm 2013, Đào Minh Quân cùng đồng bọn ở nước ngoài tiến hành khôi phục hoạt động của tổ chức.
Cuối năm 2016, Quân cấu kết với Phạm Anh Đào (còn gọi là Phạm Lisa) và một số đối tượng khác để thành lập các nhóm vũ trang khủng bố, ám sát cán bộ, phá hoại các mục tiêu, công trình trọng điểm trong nước.
Nhằm thực hiện kế hoạch chống phá Nhà nước Việt Nam, thông qua mạng xã hội, Phạm Lisa kết nối với nhiều đối tượng trong nước, trong đó có các đối tượng: Nguyễn Đức Sinh, Thái Hàn Phong, Nguyễn Thị Chung, Đặng Hoàng Thiện, Nguyễn Ngọc Tiến, Ngô Thụy Tường Vy, Trần Văn No, Lê Hùng Cường, Trần Quốc Lượng, Bùi Công Thành, Hùng Văn Vương, Đoàn Văn Thê, Vũ Mộng Phong, Hoàng Văn Dương, Trương Tấn Phát.
Ngoài hai vụ tổ chức đốt kho xe vi phạm giao thông của công an TP Biên Hòa và đặt bom tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhóm khủng bố này còn lên kế hoạch thực hiện nhiều vụ khủng bố khác nhưng chưa thực hiện được.