TTO - Theo Bộ luật hình sự 2015, người bị kết án tử hình tội tham ô, nhận hối lộ nếu chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản phạm tội thì có thể được xem xét không thi hành án.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên tổng giám đốc OceanBank, vừa bị TAND TP Hà Nội kết án tử hình về 3 tội cố ý làm trái, tham ô và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền lên đến 246 tỉ đồng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Từ ngày 1-1-2018, Bộ luật hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực với hàng loạt quy định quan trọng.
Thoát án tử nếu nộp hơn 3/4 tài sản tham ô
Bộ luật hình sự 2015 xác định rõ tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Bộ luật đã bổ sung thêm các trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình.
Theo đó, hình phạt tử hình không áp dụng đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình đối với họ.
Quy định này nhằm góp phần hạn chế việc thi hành hình phạt tử hình trên thực tế và thúc đẩy việc thu hồi tài sản bị tham nhũng trong các vụ án tham nhũng.
Trốn đóng bảo hiểm xã hội, có thể bị phạt 7 năm tù
Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm, thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 7 năm tù.
Không còn tội cố ý làm trái
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã thay thế tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng một loạt các tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế.
Bên cạnh đó, 6 tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999 được phi tội phạm hóa gồm tội Tảo hôn; Kinh doanh trái phép; Báo cáo sai trong quản lý kinh tế; Vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; Không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính.
Xử lý hình sự với pháp nhân
Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Đây được xem là điểm mới nổi bật, mang tính đột phá trong chính sách hình sự.
Cụ thể, Điều 76 quy định pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 31 tội danh được liệt kê. Các tội danh này đều thuộc nhóm tội phạm về kinh tế và nhóm tội phạm về môi trường.
Chế tài áp dụng đối với pháp nhân gồm phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Luật sư phải tố giác thân chủ
Điều 19, Bộ luật Hình sự quy định luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm nếu không tố giác thân chủ của mình trong trường hợp thân chủ phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do thân chủ đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà luật sư biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.
"Khai tử" xăng 92 từ 1-1-2018
Theo thông báo của Văn phòng Chính Phủ, hai loại xăng: RON 92 và E5 RON92 chỉ được tồn tại đến hết ngày 31-12-2017.
Như vậy, kể từ ngày 1-1-2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 nhằm góp phần bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng và cải thiện môi trường.
Tăng lương tối thiểu vùng
Theo Nghị định số 141/2017 của Chính Phủ, kể từ ngày 1-1-2018 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.760.000 đến 3.980.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Công ty cổ phần SXTM May Sài Gòn (Garmex SaiGon JS) trong một ca sản xuất - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đối tượng áp dụng gồm người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động; doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động;
Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.