Pháp luật

Từ 1-1-2018: Ghi âm, ghi hình khi hỏi cung, xét xử

TTO - Đây là quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và thông tư 02/2017 của TAND tối cao, có hiệu lực từ 1-1-2018.

Từ 1-1-2018: Ghi âm, ghi hình khi hỏi cung, xét xử - Ảnh 1.

Quy định phải ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can nhằm chống ép cung, nhục hình. Trong ảnh: đại diện TAND tối cao xin lỗi ông Nguyễn Thanh Chấn (ngụ Bắc Giang) - người bị kết án oan về tội “giết người”. Trong suốt 10 năm ngồi tù thụ án chung thân, ông Chấn luôn kêu oan và cho rằng ông bị ép cung - Ảnh: TÂM LỤA

Ngoài bộ luật Tố tụng hình sự, 9 bộ luật khác cũng có hiệu lực từ 1-1-2018. Tuổi Trẻ giới thiệu những nội dung quan trọng của một số luật này.

Bỏ hình phạt tử hình 7 tội

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội: cướp tài sản; sản xuất, buôn bán hàng cấm là lương thực, thực phẩm; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch.

Đồng thời luật này cũng bỏ luôn 5 tội sau đây: hoạt động phỉ (Bộ luật hình sự 2015 quy định mức án cao nhất cho tội này là tử hình); đăng ký kết hôn trái pháp luật; kinh doanh trái phép; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật mới chống bức cung, nhục hình

Để chống bức cung, nhục hình; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Liên quan đến vấn đề này, thông tư 02/2017 của TAND tối cao quy định tòa án ghi âm, ghi hình có âm thanh diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng.

Bộ luật tố tụng hình sự 2015 còn quy định các cơ quan tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa thời gian và địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng để họ tham dự; bổ sung các quy định để Viện KSND thực hiện tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp; bắt buộc kiểm sát viên phải hỏi cung khi bị can kêu oan hoặc khi phát hiện hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng; cơ quan tố tụng cấp trên phải kiểm tra hoạt động tố tụng của cơ quan cấp dưới.

Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng bổ sung thêm một số nguyên tắc như không ai bị kết án hai lần vì một tội, tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra. 

Bộ luật này cũng sửa đổi tên gọi nguyên tắc "không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật" thành "suy đoán vô tội", nguyên tắc "xét xử công khai" thành "tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai".

7 đối tượng được trợ giúp pháp lý

Theo Luật trợ giúp pháp lý, có 7 đối tượng sau đây được trợ giúp pháp lý miễn phí: người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, người thuộc một trong các trường hợp có khó khăn về tài chính theo quy định.

Những trường hợp có khó khăn về tài chính gồm có: cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật phòng chống mua bán người; người nhiễm HIV.

Có ba hình thức trợ giúp pháp lý là: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng.

10 luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2018

* Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015.

* Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

* Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

* Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

* Luật trợ giúp pháp lý.

* Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

* Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

* Luật quản lý ngoại thương.

* Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

* Luật du lịch.

Trẻ vị thành niên "thoát tội" ít nghiêm trọng

Bộ luật hình sự năm 1985 và năm 1999 chỉ xem xét trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Đến Bộ luật hình sự năm 2015, do yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, bộ luật này đã quy định trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên ở độ tuổi này cả trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng và phạm tội nghiêm trọng (đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản).

Nay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng giới hạn trong 28 tội danh cụ thể được liệt kê tại bộ luật (như tội giết người, tội cưỡng đoạt tài sản, tội sản xuất trái phép chất ma túy...).

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        403,165       270