TTO - Công an TP.HCM vừa công bố các xe vi phạm Luật giao thông bị camera ghi hình trên trang web của Công an TP. Các lỗi vi phạm chủ yếu là dừng, đậu xe ở nơi cấm, chạy quá tốc độ, sai làn đường...
Tổ công tác PC67 Công an TP.HCM xử lý dữ liệu các xe vi phạm Luật giao thông từ các camera gửi về - Ảnh: SƠN BÌNH
Trong đó, có những xe vi phạm hàng chục lần nhưng người vi phạm chưa đến cơ quan chức năng đóng phạt.
Theo Công an TP, các lỗi vi phạm chủ yếu là dừng, đậu xe ở nơi cấm, chạy quá tốc độ, sai làn đường...
34 lần vi phạm chưa đóng phạt
Tại đầu đường Nguyễn Cư Trinh (Q.1) có biển báo cấm đậu xe từ 6h-9h và từ 16h-19h. Theo ghi nhận vi phạm từ camera, từ cuối năm 2016 đến nay có ôtô vi phạm đến 34 lần! Cụ thể, ôtô tải biển số 51C-601...X, 51C-416...X của Công ty du lịch PN (Phạm Ngũ Lão, Q.1) vi phạm lần lượt là 34 và 25 lần.
Tương tự, ôtô con 30S-08...X (của bà V.T.T.) vi phạm 27 lần, ôtô con 51D-024...X (của bà N.T.C.N., ngụ H.Bình Chánh) cũng vi phạm 25 lần...
Khi chúng tôi liên hệ, nhiều chủ xe đã bất ngờ khi biết ôtô của họ bị ghi hình vi phạm nhiều như vậy. Ông Đ.N. (ngụ tỉnh Bình Thuận) là chủ ôtô khách 16 chỗ, biển kiểm soát 86B-006...
X nói: "Tui không biết tra cứu thông tin vi phạm ở đâu và cũng không biết xe của mình vi phạm nhiều vậy". Ông N. bất ngờ khi được thông báo xe của ông bị camera ghi hình vi phạm đậu xe sai quy định trên đường Nguyễn Cư Trinh đến 17 lần.
Ông N. kể xe này ông giao cho tài xế chở hành khách vào TP.HCM chứ ông không trực tiếp lái. Trong tháng 9-2017, ông nhận được thông báo từ Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67, Công an TP) kèm hồ sơ vi phạm yêu cầu ông nộp phạt về lỗi đậu xe không đúng nơi quy định.
Sau đó, ông N. đã chuyển tiền cho tài xế để thực hiện việc đi đóng phạt nhưng không biết tài xế có đóng phạt hay không...
"Bị phạt tài xế phải tự chịu, nhưng cũng có lúc tôi phải hỗ trợ tài xế một nửa số tiền đóng phạt" - ông N. than thở.
Xe hơi thản nhiên vô đường cấm và đậu hàng dài gây kẹt xe - Ảnh: TH.TƯỜNG
Xác minh lại mới xử phạt
Trung tá Nguyễn Văn Bình, đội trưởng đội tham mưu PC67, cho biết sau khi ghi hình xe vi phạm, tổ công tác trích xuất hình ảnh vi phạm thành bản ảnh, hoàn thiện thông báo vi phạm qua hình ảnh, chuyển đến công an địa phương để yêu cầu chủ xe (hoặc đôn đốc người lái xe vi phạm) chấp hành quyết định xử phạt qua hình ảnh.
Sau khi công an địa phương chuyển thông báo vi phạm cho người dân, sẽ có rà soát trực tiếp giữa PC67 và công an địa phương về tỉ lệ gửi thông báo và người nhận theo định kỳ hằng tuần.
Những trường hợp chưa chấp hành quyết định theo thông báo vi phạm qua hình ảnh, PC67 tiếp tục gửi thông báo vi phạm lần 2, lần 3 đến công an địa phương, đôn đốc người vi phạm chấp hành quyết định xử phạt theo địa điểm hẹn.
PC67 còn đăng tải thông tin vi phạm trên cổng thông tin điện tử Công an TP để người dân tự tra cứu xem xe của mình có vi phạm hay không.
PC67 cũng gửi thông báo vi phạm hành chính qua hình ảnh đến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải là chủ xe vi phạm để doanh nghiệp đôn đốc, có biện pháp buộc lái xe chấp hành thông báo vi phạm và thực hiện quyết định xử phạt.
PC67 khẳng định những trường hợp vi phạm được Công an TP.HCM công bố trên trang web đã được gửi giấy thông báo từng lần vi phạm về địa phương chuyển cho chủ xe.
Tuy nhiên, không phải PC67 cứng nhắc phát hiện bao nhiêu lỗi vi phạm thì xử phạt bao nhiêu lần mà phải căn cứ tình hình thực tế.
Cụ thể, phải xác minh xem vì lý do nào đó mà chủ xe (hoặc người vi phạm) chưa nhận được thông báo của công an địa phương.
Nếu là lỗi của công an địa phương thì trường hợp này chỉ xử phạt một lỗi cho người vi phạm khi nhận được thông báo.
Còn trường hợp công an địa phương đã gửi thông báo hàng chục lần nhưng chủ xe và những người có trách nhiệm liên quan nói dối thì sẽ bị xử lý đầy đủ các lỗi theo quy định pháp luật.
Chủ xe có nghĩa vụ hợp tác để xác định người vi phạm
Theo nguyên tắc xử lý của Luật xử lý vi phạm hành chính (VPHC), ai thực hiện hành vi có lỗi, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước thì bị xử phạt VPHC.
Biên bản VPHC phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm; hành vi vi phạm; lời khai của người vi phạm...; có chữ ký của người vi phạm. Theo đó, quyết định xử phạt VPHC cũng phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm.
Đối với các hành vi vi phạm giao thông, camera giám sát, ghi nhận hình ảnh xe vi phạm... của các cơ quan công an chỉ ghi nhận được lỗi vi phạm, biển số xe, ngày giờ xe vi phạm, chứ không xác định được người điều khiển xe.
Do vậy, từ biển số xe, cơ quan công an sẽ xác định xe thuộc sở hữu của ai để gửi thông báo mời chủ xe lên làm việc. Nếu chủ xe đồng thời là người lái xe vi phạm giao thông thì CSGT lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt chủ xe.
Trường hợp chủ xe cho người khác thuê, mượn xe và người thuê, mượn xe đã lái xe vi phạm Luật giao thông thì chủ xe có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định người lái xe có hành vi vi phạm (nghị định 46/2017 quy định).
Căn cứ vào thông tin về người sử dụng xe vi phạm giao thông do chủ xe cung cấp, CSGT sẽ làm thủ tục xử phạt người này.
Luật sư TRẦN THỊ MIỀN (Đoàn luật sư TP.HCM)