TTO - Hàng ngàn hộ dân, doanh nghiệp Đà Nẵng đang điêu đứng khi chính quyền TP buộc phải sửa lại thời hạn sử dụng đất ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sản xuất kinh doanh.
Người dân và doanh nghiệp đang rất lo lắng trước việc các lô đất nằm trên tuyến đường Lê Đức Thọ (Q.Sơn Trà) sẽ giảm giá trị khi chuyển thời hạn sử dụng đất từ lâu dài sang còn 50 năm - Ảnh: HỮU KHÁ
Theo đó, hộ dân và doanh nghiệp không tự nguyện để Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà Nẵng sửa lại sổ đỏ ghi từ đất sử dụng lâu dài sang đất có thời hạn 50 năm. Nếu không sửa thì không được công chứng, mua bán đất, tài sản.
Việc này khiến người dân và cộng đồng doanh nghiệp ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM... phản ứng dữ dội.
Giao dịch "đứng bánh"
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương (trú Q.Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết trước đây bà mua hai lô đất (mỗi lô rộng hơn 1.200m2) ở dự án Harbour Ville (P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà). Mục đích sử dụng là sản xuất kinh doanh, thời hạn sử dụng đất là lâu dài, nộp tiền theo giá đất ở.
Đến tháng 3-2017, bà tới phòng công chứng làm thủ tục bán hai lô đất thì bị yêu cầu đem sổ đỏ đi điều chỉnh thời hạn sử dụng đất ghi trên sổ từ "lâu dài" thành 50 năm. Nếu người dân không chấp hành thì phòng công chứng không thực hiện công chứng.
"Trước đây tôi mua đất có thời hạn lâu dài, nay chính quyền bất ngờ buộc phải sửa lại có thời hạn 50 năm là quá vô lý. Nếu tôi đồng ý để chính quyền sửa lại sổ đỏ thời hạn sử dụng đất là 50 năm thì giá trị đất của tôi giảm còn một nửa, có bán cũng ít người muốn mua" - bà Hương bức xúc.
Tương tự, ông T.H.L. (trú Q.Hải Châu) mua nhiều lô đất ở khu dân cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc (thuộc P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà). Ông cũng đang bị phòng công chứng ách lại khi không chịu tự nguyện điều chỉnh sổ đỏ.
Ông L. nói: "Lô đất của tôi gần 1.500m2, tôi mua lại của người khác, trên sổ đỏ được cấp ghi là đất sản xuất kinh doanh có thời hạn lâu dài. Hiện tôi nhận cọc bán lô đất này với giá gần 70 tỉ đồng, nay phải điều chỉnh sổ đỏ là đất có thời hạn 50 năm thì người mua đất không chịu".
Hiện ở Đà Nẵng có hàng ngàn trường hợp bị Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà Nẵng yêu cầu điều chỉnh sổ đỏ.
Đa số là người có đất ở khu Bắc Tượng Đài (Q.Hải Châu), khu đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, vệt đất ven biển trên đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, khu dự án Harbour Ville (Q.Sơn Trà) và ở Q.Ngũ Hành Sơn...
Ngoài ra, hàng trăm trường hợp khác cũng rơi vào cảnh trớ trêu khi họ đã xây dựng khách sạn, trụ sở văn phòng cho thuê.
Ông Nguyễn Thái Bình, một chủ đầu tư ở Hà Nội, nói: "Cách đây 12 năm, khi mua lại lô đất này từ một người khác thì ghi là đất sử dụng lâu dài nên tôi mới mua với giá cao. Từ đó đến nay, tôi yên tâm đầu tư thêm cả 100 tỉ đồng để xây dựng khách sạn.
Đùng một phát, chính quyền yêu cầu sửa lại sổ đỏ với thời hạn sử dụng đất còn 50 năm, khối tài sản của tôi tự nhiên bị giảm xuống nghiêm trọng".
Sai sót của "quá khứ"
Trong công văn gửi UBND TP Đà Nẵng, bà Võ Thị Như Hoa - giám đốc Sở Tư pháp - cho biết hiện đang tồn tại một số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất được cấp tại thời điểm từ sau ngày 1-7-2004 đến trước 1-7-2014 với mục đích sử dụng đất sản xuất kinh doanh có ghi thời hạn sử dụng đất lâu dài. Đó là "sai sót cần đính chính".
Đề nghị các phòng công chứng, văn phòng công chứng hướng dẫn đính chính sai sót này trên sổ đỏ trước khi thực hiện các giao dịch.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà Nẵng khẳng định việc cấp sổ đỏ đối với đất sản xuất kinh doanh cho các hộ dân, tổ chức có thời hạn sử dụng lâu dài là sai với quy định của Luật đất đai, chỉ được cấp có thời hạn là 50 năm.
Việc này cũng được Thanh tra Chính phủ kết luận là sai quy định.
Vị lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường cho rằng đây là một sai sót có tính chất của "quá khứ" nên việc xử lý gặp hết sức khó khăn.
"Chắc chắn người dân sẽ khó đồng tình. Đất có thời hạn 50 năm thì giá trị sẽ thấp hơn nhiều. Để giải quyết vướng mắc này, sắp tới Đà Nẵng buộc phải xin ý kiến của Thủ tướng một lần nữa để có hướng xử lý. Còn bây giờ TP chỉ động viên người dân tự nguyện điều chỉnh" - vị lãnh đạo này giải thích.
Luật sư LÊ CAO (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng):
Ảnh: H.KHÁ
Người dân không phải chịu trách nhiệm
Theo điều 126 Luật đất đai 2013, đối với đất thương mại, dịch vụ, đất làm cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thì thời hạn sử dụng đất không quá 50 năm.
Đáng lẽ khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện việc ghi thông tin về thời hạn sử dụng đất đúng quy định của pháp luật.
Đáng tiếc là việc thực hiện không đúng luật gây ra nhiều hệ lụy cho người sử dụng đất.
Luật cũng không quy định người dân phải chịu trách nhiệm do sai sót mà họ không gây ra.
Các tổ chức công chứng không chứng thực, không công chứng các giao dịch nhà đất do ghi sai thời hạn sử dụng đất, bắt người dân phải đi thay đổi thông tin xong mới được chuyển nhượng là thiếu căn cứ pháp lý.
Trường hợp các cơ quan liên quan và các tổ chức hành nghề công chứng tùy tiện phối hợp với nhau một cách trái luật, ngăn chặn quyền thực hiện các giao dịch về đất đai mà gây ra các thiệt hại thì phải bồi thường.
Vì sao nên nỗi?
Việc cấp sổ đỏ đất sản xuất kinh doanh với thời hạn lâu dài cho người dân và doanh nghiệp ở Đà Nẵng rơi vào thời điểm từ năm 2004-2014.
Khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra thì phát hiện là sai quy định. Chính phủ yêu cầu TP Đà Nẵng thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ là điều chỉnh thời hạn theo đúng Luật đất đai.
Hầu hết các lãnh đạo TP Đà Nẵng đứng ra chỉ đạo ký hoặc trực tiếp ký cấp sổ đỏ đất sản xuất kinh doanh có thời hạn lâu dài hiện đã qua đời hoặc nghỉ hưu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một nguyên lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà Nẵng cho biết nguyên nhân cấp đất sản xuất kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp có thời hạn lâu dài có phần do ý chí của lãnh đạo TP Đà Nẵng lúc đó chi phối.
"Việc cấp đất sản xuất kinh doanh thời hạn lâu dài sẽ làm đất có giá trị hơn, bán thu được nhiều tiền hơn, thu hút người mua nhiều hơn. Chứ nếu cấp thời hạn chỉ 50 năm thì số người mua sẽ rất hạn chế" - vị này nói.