TTO - Có người thừa nhận việc đã nhận hàng chục tỉ đồng "chăm sóc" từ Nguyễn Xuân Sơn nhưng cũng có người chưa thừa nhận. Nhiều vấn đề chưa sáng tỏ. Vậy nếu tử hình Nguyễn Xuân Sơn có quá vội vàng?
Viện kiểm sát đã đề nghị mức án tử hình với Nguyễn Xuân Sơn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Đó là câu hỏi mà nhiều luật sư đã đặt ra trong sáng nay 15-9, tại phiên xét xử đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).
Bảo vệ cho bị cáo Hà Văn Thắm, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng ông rất ngỡ ngàng khi trong ngày xét hỏi vừa qua có nhiều vấn đề đã rõ nhưng đại diện viện kiểm sát vẫn đề nghị án tử hình với Nguyễn Xuân Sơn - nguyên tổng giám đốc OceanBank, nguyên chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và chung thân với Hà Văn Thắm - nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank.
Ông Thiệp cho rằng tại cơ quan điều tra, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn không thừa nhận việc đã nhận tiền. Tại tòa bị cáo Sơn đã thay đổi lời khai, thừa nhận có nhận tiền lãi ngoài từ OecanBank để chi cho các hoạt động đối ngoại của PVN.
Việc nhận lãi ngoài là phổ biến vì đó là chủ trương chung của ngân hàng thời điểm đó. Bởi lúc đó "không chi lãi ngoài là chết, các ngân hàng đã nhận sai để tồn tại chứ không nhận đúng để chết".
Trong những ngày xét xử vừa qua, một số người khai đã nhận tiền chăm sóc từ Nguyễn Xuân Sơn, một số người vẫn chưa thừa nhận nhưng đã bị khởi tố vụ án? Vậy nếu tòa tuyên án tử hình với Nguyễn Xuân Sơn như đề nghị của vị đại diện viện kiểm sát thì có quá vội vàng?
"Nếu thi hành án rồi sau này những người bị cáo Sơn khai đã đưa tiền, họ thừa nhận thì có giám đốc thẩm, tái thẩm được không?" - Luật sư Thiệp đặt vấn đề.
Trong vụ án này, bị cáo Hà Văn Thắm bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn tham ô 49 tỉ đồng của PVN và chiếm đoạt 179 tỉ đồng.
Hà Văn Thắm bị Viện kiểm sát đề nghị án tù chung thân - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Lý do vì Hà Văn Thắm chuyển số tiền này từ OceanBank cho Nguyễn Xuân Sơn. PVN góp vốn vào OceanBank nên việc Sơn chiếm đoạt tiền từ OceanBank cũng là chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Theo ông Thiệp, trong vụ án này PVN không tự xác định được mình có bị thiệt hại hay không. PVN cũng không xác định được số tiền mà Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt là vốn, lợi nhuận, hay cổ tức.
Tại tòa, đại diện PVN chỉ yêu cầu bồi thường căn cứ vào kết luận của cơ quan tố tụng và phán quyết của tòa. Do đó, luật sư Thiệp cho rằng không có cơ sở để cáo buộc Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt của PVN, bởi khoản tiền đó không phải của PVN.
"Hà Văn Thắm bị xem là đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt tiền. Tôi muốn nói chỉ có người điên mới tự đưa tiền của mình cho người khác chiếm đoạt. Thắm không được hưởng lợi gì từ việc Sơn chiếm đoạt tiền", luật sư Thiệp phân tích.
Thep ông Thiệp, nếu tiền chăm sóc khách hàng không đến được với PVN thì người bị thiệt là Thắm. Vì tiền không đến được với khách hàng, khách hàng không gửi tiền vào OceanBank nữa.
Thắm sở hữu 62% cổ phần của OceanBank, vậy làm sao Thắm là đồng phạm để Sơn chiếm đoạt tiền của chính mình?.
Tại các ngày xét hỏi trước đó, bị cáo Hà Văn Thắm khai đã chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn hơn 300 tỉ đồng để nhờ Sơn chăm sóc nhóm khách hàng tại PVN.
Thắm cho rằng "Sơn chăm sóc khách hàng rất hiệu quả". Bị cáo hoàn toàn không biết việc Sơn chiếm đoạt tiền và "tin rằng anh Sơn không chiếm đoạt".
Phiên tòa đang tiếp tục với phần trình bày bài bào chữa của các luật sư.