TTO - Chính việc được UBND xã Phú Mỡ cho chuyển nhượng đất không đúng quy định từ 3 sổ đỏ của người dân tộc mà ông Phạm Xuân Trình có cơ sở thuê người dọn sạch rừng.
Nhiều cây gỗ có đường kính 30 - 60cm bị đốn hạ ở các tiểu khu 83, 90 thuộc xã Phú Mỡ - Ảnh: AN NGUYÊN |
Ngày 20-5, ông Phan Văn Công - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên - cho biết lực lượng kiểm lâm đang khẩn trương giám định loại rừng, diện tích rừng bị phá hoại trong vụ Dọn sạch 108ha rừng trong... 2 tuần để chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an tỉnh Phú Yên điều tra theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên.
Chưa có phương án giao rừng, vẫn cấp sổ đỏ
Trong vụ phát dọn gần 110ha rừng và đất rừng ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, lãnh đạo UBND tỉnh và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên khẳng định việc UBND huyện Đồng Xuân cấp ba giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (sổ đỏ lâm nghiệp) là sai quy trình và việc chuyển nhượng này có khuất tất.
Được biết, trong tổng diện tích rừng và đất rừng bị phá, bị phát dọn trái phép nêu trên, có 85ha ở tiểu khu 90, xã Phú Mỡ đã bị phát dọn trắng, do ông Phạm Xuân Trình ở xã Xuân Quang 1 thuê người thực hiện, trong số này có 8ha rừng sản xuất.
Ông Trình chỉ xuất trình được ba sổ đỏ đất lâm nghiệp đứng tên các ông La Mo Mang, La O Đấu và La Lan Dư, đều ở xã Phú Mỡ, với tổng diện tích hơn 43ha đất rừng sản xuất, do UBND huyện Đồng Xuân cấp ngày 24-11-2015.
Ông Trình cũng đưa ra các giấy chuyển nhượng diện tích đất rừng trên của ba hộ dân cho ông, có xác nhận của UBND xã Phú Mỡ vào ngày 21-3-2016.
Theo ông Phan Văn Công, việc Phòng tài nguyên và môi trường huyện Đồng Xuân tham mưu để UBND huyện này ra quyết định cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp cho ba ông Mang, Đấu, Dư là sai quy định.
Ông Công cho biết năm 2013, UBND tỉnh Phú Yên có quyết định chuyển quyền quản lý 8.000ha đất rừng từ Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân về cho UBND xã Phú Mỡ.
“Theo quy định, xã Phú Mỡ phải có phương án giao rừng cụ thể để giao cho người dân, diện tích nào giao để trồng rừng, diện tích nào khoanh nuôi tái sinh.
Nhưng đến nay xã chưa có phương án giao đất giao rừng thì bất ngờ xác nhận để ba hộ dân làm thủ tục hồ sơ xin cấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp, rồi các cơ quan chức năng ở huyện Đồng Xuân kiểm tra, tham mưu cấp sổ đỏ như vậy là không đúng” - ông Công khẳng định.
Cấp sai do tham mưu không chặt chẽ
Ông Lê Văn Trúc - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên - cho biết ông được báo ông Trình là cháu một nguyên bí thư Huyện ủy Đồng Xuân, là người đưa tiền cho ba người đồng bào dân tộc thiểu số đã nêu để được chuyển nhượng đất rừng.
Ông Trúc cho rằng “vấn đề này có gì đó không rõ ràng, thiếu minh bạch, dứt khoát phải được làm rõ” bởi từ lãnh đạo huyện Đồng Xuân đến lãnh đạo hai xã Phú Mỡ, Xuân Quang 1 đều nói là có người đứng sau lưng vụ việc này, nhưng hỏi là ai thì lại không trả lời được.
Trao đổi với chúng tôi, ông La O Hoa - chủ tịch UBND xã Phú Mỡ - nói các ông La Mo Mang, La O Đấu và La Lan Dư là những hộ được cấp sổ đỏ đất rừng sản xuất đầu tiên của xã. “Do anh em địa chính làm không chặt chẽ nên có sai sót” - ông Hoa nói và thừa nhận.
Trong khi đó, ông Cao Thanh Lương - trưởng Phòng tài nguyên và môi trường huyện Đồng Xuân - cho biết khi kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp cho ba hộ dân nêu trên thì thấy hồ sơ đảm bảo, diện tích đất trên đã bị các hộ này xâm canh trước đây và không có tranh chấp.
Ông Đặng Văn Trọng - phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân - cũng thừa nhận việc cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp đối với ba hộ dân ở xã Phú Mỡ là sai quy trình vì “khi đó tôi mới về làm phó chủ tịch huyện phụ trách mảng này, tin tưởng là anh em tham mưu đúng nên ký, giờ các cơ quan chức năng nói sai thì phải chịu trách nhiệm”.