Pháp luật

Sẵn sàng “săn tiền thưởng” báo tin tội phạm của quận 12

TTO - Quy chế của quận 12, TP.HCM thưởng 1-5 triệu đồng cho người dân báo tin tội phạm đang được nhiều người quan tâm ủng hộ và sẵn sàng để “săn tiền thưởng”.

Người dân báo tin giá trị về chất cấm trong chăn nuôi sẽ được thưởng 3 triệu đồng. Trong ảnh C49 Bộ công an bắt đường dây mua bán chất tạo nạc - Ảnh Sơn Bình
Người dân báo tin có giá trị về chất cấm trong chăn nuôi sẽ được thưởng 3 triệu đồng. Trong ảnh: C49 Bộ Công an bắt đường dây mua bán chất tạo nạc - Ảnh Sơn Bình

Nhiều người quan tâm đến quy chế khen thưởng thực hiện chương trình “Vì quận 12 bình yên” với mức thưởng từ 1-5 triệu đồng cho người báo tin có giá trị về các loại tội phạm (hoặc trực tiếp bắt tội phạm).

Tuy nhiên, nhiều người còn thắc mắc: Thế nào là tin báo có giá trị? Nếu nhiều người cùng báo tin sẽ thưởng ra sao? Vừa báo tin vừa bắt tội phạm thì được thưởng cả hai? “Hiệp sĩ” đường phố (tại TP.HCM, tỉnh Bình Dương) tham gia bắt trộm cướp có được nhận thưởng?...

Sẽ linh hoạt trong mức thưởng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Đoàn Văn Phúc, trưởng Công an Q.12, cho biết Công an Q.12 luôn lắng nghe đóng góp của người dân để chương trình hoạt động mang lại hiệu quả cao.

Thứ nhất, tin báo có giá trị được thưởng là những thông tin mà người dân báo cho công an kịp thời, chính xác, có cơ sở. Từ thông tin đó, công an tích cực tham gia, khám phá án, chặn đứng hành vi phạm tội của các loại tội phạm thì sẽ được khen thưởng theo quy định.

Thứ hai, trong trường hợp nhiều người báo tin một sự vụ cùng lúc, đương nhiên sẽ ưu tiên người báo tin đầu tiên. Tuy nhiên tùy theo tính chất mức độ, thông tin người báo nào có giá trị giúp công an khám phá án.

Tuy quy định cơ bản là vậy nhưng trong thực tiễn phải luôn linh hoạt, tùy trường hợp có thể khen nhiều người báo tin cùng lúc. Số tiền thưởng có thể được chia ra theo mức thưởng quy định hoặc thưởng riêng cho từng người.

Thứ ba, trường hợp các đội “hiệp sĩ” đường phố tại TP.HCM hay các “hiệp sĩ” thuộc các câu lạc bộ phòng chống tội phạm của tỉnh Bình Dương đều được tham gia báo tin, trực tiếp săn bắt tội phạm để nhận tiền thưởng.

Bởi theo quy định thì mọi cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân đều được khuyến khích cùng tham gia phòng chống tội phạm và được khen thưởng.

“Tôi luôn mong muốn tất cả những người hành nghề xe ôm, mọi người dân, ai ai cũng trở thành “hiệp sĩ” thì tội phạm sẽ giảm hẳn”, đại tá Phúc nói.

Thứ tư, trong trường hợp người dân vừa báo tin, đồng thời sự việc diễn ra trước mắt nên khôn khéo trực tiếp tham gia săn bắt tội phạm thì cũng phải linh hoạt giải quyết mức khen thưởng do quy định chưa nêu cụ thể. Tuy nhiên, mức thưởng luôn đảm bảo công khai, công bằng trong khen thưởng…

Theo lãnh đạo UBND Q.12, thời gian khen thưởng không quá 5 ngày sau khi cơ quan công an khám phá vụ việc qua nguồn tin cung cấp có giá trị, kết quả ghi nhận thành tích của người trực tiếp bắt đối tượng có hành vi phạm tội quả tang và kết quả khám phá thành công các chuyên án của cơ quan công an.

Trong trường hợp đặc biệt, chủ tịch UBND quận quyết định khen thưởng đột xuất với mức cao hơn trong quy định, tương xứng với thành tích của người cung cấp nguồn tin, người trực tiếp bắt đối tượng có hành vi phạm tội quả tang và kết quả khám phá thành công các chuyên án.

Thậm chí trong trường hợp các tổ chức, cá nhân, tham gia bắt được đối tượng phạm tội nhưng tài sản không lớn (không nằm trong quy định khen thưởng), nhưng thể hiện sự tích cực, quyết liệt, dung cảm thì tùy theo tính chất mức độ sẽ được đề xuất chủ tịch UBND quận cho mức thưởng phù hợp.

“Hiệp sĩ” tích cực săn bắt cướp

“Hiệp sĩ” đường phố tham gia bắt cướp trên địa bàn Q.12 cũng được thưởng từ 1-5 triệu đồng. Trong ảnh, “hiệp sĩ” Minh Tiến bắt đối tượng trộm giao cho công an Q.Tân Bình - ảnh A.X.
“Hiệp sĩ” đường phố tham gia bắt cướp trên địa bàn Q.12 cũng được thưởng từ 1-5 triệu đồng. Trong ảnh: “hiệp sĩ” Minh Tiến bắt đối tượng trộm giao cho Công an Q.Tân Bình - Ảnh: A.X.

“Hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến cho biết thông tin báo tin có thưởng khá hấp dẫn của quận 12 sẽ thu hút nhiều người dân, “hiệp sĩ” tham gia phòng chống tội phạm.

Do đang sinh sống trên địa bàn Q.12 cùng một nhóm “hiệp sĩ” nên nhóm của anh Minh Tiến sẽ tích cực hơn nữa trong việc săn bắt trộm cướp. Tất nhiên nếu có thưởng thì anh em có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, sửa chữa xe máy cho tốt hơn, đảm bảo việc tuần tra trên đường.

“Hiệp sĩ” Lâm Hiếu Long chia sẻ thông tin quận 12 thưởng nóng mức tiền khá cao cho việc báo tin có giá trị hoặc trực tiếp tham gia bắt các loại tội phạm sẽ khuyến khích người dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tuy nhiên, các quận huyện trên địa bàn TP nên học hỏi cùng thống nhất mức thưởng tương tự quận 12. Điều này sẽ tránh tình trạng nhiều người tập trung săn bắt tội phạm tại quận 12, đồng thời những đối tượng tội phạm, tiềm ẩn tội phạm sẽ di chuyển sang nơi khác kiếm sống.

Lúc này, việc kéo giảm tội phạm chỉ mang tính cục bộ của riêng quận 12.

Riêng bản thân anh em “hiệp sĩ” đường phố, luôn hoạt động trên khắp các địa bàn chứ không chỉ tập trung tại Q.12 để “săn tiền thưởng”.

Bởi nhiều năm qua, anh em tham gia nhóm là để tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo quy định của pháp luật, chứ không phải hoạt động để tư lợi cá nhân hay vì tiền thưởng nào đó.

Trong khi đó, “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Hải, đội trưởng Đội phòng chống tội phạm phường Phú Hòa (thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), cho biết khi nghe tin, anh điện thoại “chọc” vui anh Nguyễn Văn Minh Tiến rằng anh sẽ dẫn anh em lên quận 12 để “săn tiền thưởng”.

Theo anh Hải, thông tin này rất tốt bởi khuyến khích mọi người dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, các câu lạc bộ phòng chống tội phạm ở Bình Dương không phải hoạt động vì tiền.

Anh em “hiệp sĩ” vẫn đảm bảo tốt công việc trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Khi có việc cần mới phối hợp với các quận huyện trên địa bàn TP.HCM.

SƠN BÌNH
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        402,842       128