TTO - Hiện nay có nhiều nhóm “hiệp sĩ đường phố” ở Bình Dương, TP.HCM hoạt động rất hiệu quả. Nếu được tổ chức, quản lý tốt, lực lượng “tay không bắt cướp” này sẽ phát huy tác dụng.
“Hiệp sĩ đường phố” trong một lần bắt đối tượng cướp giật trên đường Cách Mạng Tháng 8, Q.10, TP.HCM - Ảnh: A.X. |
Bình Dương là địa phương đầu tiên trong cả nước cho phép thành lập các câu lạc bộ phòng chống tội phạm (CLBPCTP) với lực lượng nòng cốt là các “hiệp sĩ đường phố”.
Hiện tỉnh này có hàng chục đội nhóm “hiệp sĩ”, được công an tỉnh tổ chức đào tạo nghiệp vụ, kiến thức pháp luật. Mỗi năm các “hiệp sĩ” Bình Dương bắt quả tang gần 300 vụ trộm, cướp giật, giao cơ quan chức năng xử lý hàng trăm đối tượng...
Ra tay nghĩa hiệp
Trong số hàng trăm “hiệp sĩ” ở Bình Dương, chúng tôi chú ý đến cái tên Tăng Ngọc Thu, làm nghề bán thịt heo tại P.Lái Thiêu, thị xã Thuận An. Chồng chị, anh Hồ Văn Hoàng (40 tuổi), cũng là một “hiệp sĩ”.
Một lần trên đường đi làm anh Hoàng phát hiện có kẻ trộm xe máy. Anh đuổi theo bắt được đối tượng giao cho công an. Thấy “hay hay”, anh Hoàng xin gia nhập CLBPCTP P.Lái Thiêu.
Lúc đầu chị Thu phản đối vì sợ chồng gặp nguy hiểm. Sau lần tận mắt chứng kiến chồng ra tay bắt cướp, chị vô cùng cảm kích và... năn nỉ cho gia nhập đội. Đến nay cặp “hiệp sĩ” này đã bắt quả tang trên chục vụ cướp giật.
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải (trưởng nhóm) là một trong những cái tên được người dân nhắc tới nhiều nhất. Theo anh Hải, lý do trở thành “hiệp sĩ” là muốn giúp người dân gặp nạn chứ không xem đây là một nghề kiếm sống.
“Kinh tế gia đình tôi khá giả, không phải lo nghĩ chuyện tiền bạc nên có thể đi bắt cướp một cách đàng hoàng, trong sáng” - anh Hải chia sẻ.
Hằng ngày anh trực tiếp nhận tin báo tội phạm từ người dân, sau đó thông báo cho các đội để “giăng lưới” trên các tuyến đường, địa bàn mà tội phạm có thể chạy trốn, ẩn náu.
“Nhờ lực lượng “hiệp sĩ” hoạt động chặt chẽ nên các đối tượng cướp giật, trộm cắp ở Bình Dương không có đất sống. Gần đây các đối tượng gây án ở địa bàn giáp ranh quận 12, Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi (TP.HCM)... chạy về Bình Dương cũng bị anh em bắt giữ giao công an” - anh Hải chia sẻ.
Không quy củ như ở Bình Dương nhưng “hiệp sĩ đường phố” ở TP.HCM cũng đang hoạt động hiệu quả. Hiện ở TP có năm nhóm “hiệp sĩ đường phố” với hàng chục người tham gia.
Họ làm đủ ngành nghề, có sức khỏe, giỏi võ, từng tham gia phong trào an ninh trật tự địa phương và đặc biệt phải có máu... liều.
Hằng ngày họ chia thành nhiều tốp “tuần tra” trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm nạn cướp giật. Khi phát hiện đối tượng “ăn hàng”, họ có mặt bắt quả tang và giao cho công an xử lý.
Nỗi lòng “hiệp sĩ”
Dù có nhiều năm kinh nghiệm nhưng Nguyễn Văn Minh Tiến, “anh cả” của “hiệp sĩ đường phố” TP.HCM, cũng bao phen gặp nguy hiểm tính mạng từ những tai nạn giao thông, bị tội phạm trả thù.
Tuy nhiên, ở anh luôn cháy bỏng tấm lòng hào hiệp, sẵn sàng lao vào hiểm nguy giúp đỡ người gặp nạn.
“Dù dư luận có lúc xì xào về nhóm “hiệp sĩ” nhưng tôi và anh em luôn dặn nhau phải “sạch”, hành động vì cái tâm trong sáng và không khoan nhượng, thỏa hiệp với tội phạm” - anh Tiến tâm sự.
Nguyên tắc tuyển chọn “hiệp sĩ” của anh Tiến rất khắt khe. Các ứng viên phải có lý lịch rõ ràng, xuất thân từ bảo vệ dân phố, bộ đội xuất ngũ, không tiền án tiền sự, có sức khỏe... Sau một thời gian thử thách và tạo được sự tin tưởng với tập thể họ mới được “biên chế” vào nhóm “hiệp sĩ”.
Nguyên tắc hoạt động của nhóm là không được tự ý đi săn bắt cướp mà phải theo kế hoạch của nhóm, nếu ai vi phạm thì bị loại. Hằng tuần họ gặp nhau trao đổi kiến thức pháp luật, võ thuật, kỹ năng săn bắt cướp...
“Hiệp sĩ” Lâm Hiếu Long - người từng tham gia nhiều vụ bắt cướp, chủ nhân trang Facebook “Đội săn bắt cướp TP.HCM” - cho rằng hiện tại anh em hoạt động tự phát chứ chưa được tổ chức bài bản như ở Bình Dương.
Họ mong muốn mô hình CLBPCTP sớm thành lập với sự hỗ trợ của công an, chính quyền để họ hoạt động một cách chính danh hơn.
“Nếu đội SBC được tái thành lập, chúng tôi mong muốn ngành công an trưng dụng, tuyển chọn một số anh em “hiệp sĩ” cùng tham gia trấn áp tội phạm.
Lúc đó, anh em “hiệp sĩ” sẽ có cơ hội được tập huấn nghiệp vụ, trang bị kiến thức pháp lý để tránh những thiếu sót, rủi ro” - “hiệp sĩ” Tiến chia sẻ.
Quy chế rõ ràng, kiểm soát chặt chẽ
Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết mô hình CLBPCTP ở Bình Dương được giao về cho công an các phường quản lý. Trưởng công an phường có nhiệm vụ hướng dẫn, giám sát hoạt động của các “hiệp sĩ”.
Nếu xảy ra sai phạm thì trưởng công an phường phải chịu trách nhiệm. Công an tỉnh cũng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế hoạt động của “hiệp sĩ”.
Theo đó, “hiệp sĩ” phải hoạt động đúng địa bàn, tham gia bắt các tội phạm quả tang, khi bắt tội phạm phải có thông báo và phối hợp với công an... Hành lang pháp lý cho hoạt động của “hiệp sĩ” vì thế rõ ràng hơn và hạn chế được việc “hiệp sĩ” lạm quyền.
Trong khi đó tại TP.HCM, mô hình “hiệp sĩ” chỉ mang tính tự phát. Thượng tá Trần Văn Trung, phó Phòng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (PV28) Công an TP.HCM, cho rằng nên xem họ là những quần chúng tốt, tự giác, nhiệt tình tham gia phòng chống tội phạm trong phạm vi pháp luật cho phép.
Người dân đi đường thấy trộm cướp phạm tội quả tang đều có quyền tham gia hoặc phối hợp công an bắt giữ. Đó là việc làm tốt, cần được trân trọng, tuyên dương.
Do chưa được tổ chức một cách chính thức nên các “hiệp sĩ” vẫn là công dân bình thường, nếu làm tốt thì được khen thưởng, còn vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý. Sắp tới Công an TP.HCM sẽ đề xuất thành lập lực lượng này một cách có tổ chức, có quy chế hoạt động rõ ràng, chặt chẽ...
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, phó chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng “hiệp sĩ” xét cho cùng là những công dân tự nguyện tham gia trấn áp tội phạm.
Nếu có thêm lực lượng “hiệp sĩ” tăng cường sức mạnh trấn áp tội phạm, nhất là trộm cắp, cướp, cướp giật thì nên thừa nhận và phát triển mạnh.
Tuy nhiên, theo luật sư Nghiêm, việc tổ chức, phát triển lực lượng “hiệp sĩ” cũng đặt ra nhiều vấn đề về tổ chức, quản lý, huấn luyện nghiệp vụ, giáo dục kiến thức pháp luật, đạo đức... để họ hoạt động đúng khuôn khổ, tránh lạm quyền, bảo kê cho tội phạm.
Tốt nhất, hoạt động của “hiệp sĩ đường phố” phải đặt dưới sự quản lý, tổ chức của ngành công an và công an phải chịu trách nhiệm chính về lực lượng này.
“Sự nhiệt tình của các “hiệp sĩ” rất có ích cho cộng đồng. Tuy nhiên cũng cần thận trọng vì có thể trong số họ trở thành lực lượng bảo kê, hoạt động trái pháp luật, gây thiệt hại đến quyền tự do của các công dân khác. Vì vậy, việc tổ chức lực lượng “hiệp sĩ” tại TP.HCM là cần thiết nhưng cũng đặt ra yêu cầu kiểm soát, quản lý, đào tạo nghiệp vụ, giáo dục pháp luật... một cách kỹ càng, bài bản”. |