Pháp luật

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo của người Trung Quốc

TTO - Vì sự thiếu hiểu biết, các bị cáo bị đối tượng người Trung Quốc sai khiến, lừa đảo nạn nhân người Việt Nam rồi chuyển tiền qua tài khoản để đối tượng người Trung Quốc chiếm đoạt.

Hai bị cáo Ngọc và Hiếu tại tòa - Ảnh: T.L
Hai bị cáo Ngọc và Hiếu tại tòa - Ảnh: T.L.

Ngày 19-5, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Trần Thị Minh Ngọc (26 tuổi, quê Hải Phòng) và Vũ Đức Hiếu (24 tuổi, quê Nam Định) mỗi bị cáo 7 năm tù về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.  

Hội đồng xét xử cho biết đây là vụ việc điển hình về mặt trái của mạng xã hội. Vì quen biết qua mạng mà các bị cáo bị các đối tượng người Trung Quốc lừa đảo để rồi đi lừa lại chính người Việt Nam.

Thủ đoạn tinh vi

Tại tòa, bị cáo Ngọc khai nhận khoảng cuối năm 2013, thông qua phần mềm gửi tin nhắn và kết bạn cài trên điện thoại, Ngọc quen biết với đối tượng tên A Béo, người Trung Quốc. Biết Ngọc là phiên dịch tiếng Trung Quốc, A Béo rủ Ngọc sang Trung Quốc làm phiên dịch, mỗi tháng sẽ được trả lương 15 triệu đồng.

Tháng 6-2014, Ngọc sang Trung Quốc và được A Béo cung cấp 4 máy điện thoại để bàn và 1 máy tính xách tay. Đồng thời A Béo hướng dẫn Ngọc thực hiện việc thu thập các tài khoản, thẻ Visa, Master của người Việt Nam bằng cách sử dụng sim điện thoại di động MobiFone gọi điện đến người sử dụng điện thoại di động tại Việt Nam để giả danh là nhân viên công ty tài chính chuyên cho vay vốn, không cần thế chấp tài sản.

Nếu ai đồng ý vay, Ngọc sẽ tư vấn thêm các bước: đến ngân hàng tại Việt Nam mở tài khoản, làm thẻ Visa debit, Master, mua sim điện thoại di động MobiFone để đăng ký dịch vụ Internet banking (chuyển tiền qua mạng Internet).

Người có nhu cầu vay phải mở tài khoản và làm xong thẻ rồi gửi toàn bộ thông tin về tài khoản, thẻ và mật khẩu cho Ngọc để Ngọc chuyển cho A Béo. Với mỗi thẻ làm được, A Béo hứa trả cho Ngọc 3 triệu đồng tiền công. Tuy nhiên trong khoảng 1 tháng, Ngọc không lừa được ai.

Tháng 8-2014, Ngọc bảo Hiếu thuê người mở 23 thẻ tại các ngân hàng Việt Nam. Các thẻ này được Hiếu chuyển cho Ngọc để Ngọc chuyển cho các đối tượng của A Béo. Khi rút tiền từ các thẻ này ra, Ngọc được trả % hoa hồng trên tổng số tiền rút được.

Hiếu được A Béo phân công giả danh làm nhân viên công ty tài chính, giả danh làm công an để gọi điện thoại lừa đảo.

Cụ thể, ngày 29-8-2014,  bà Tạ Thị Vinh (59 tuổi, ngụ quận Đống Đa) nhận được điện thoại gọi đến nhà riêng, tự xưng là nhân viên công ty viễn thông thông báo bà Vinh còn nợ 8 triệu đồng tiền cước phí điện thoại.

Sau đó đối tượng nối máy để bà Vinh nói chuyện với một người tự xưng là đại tá công an, người này cho rằng bà Vinh có liên quan đến tổ chức rửa tiền, buôn bán ma túy quốc tế với tính chất vụ việc rất nghiêm trọng. 

Đối tượng yêu cầu bà Vinh chuyển 320 triệu đồng cho cơ quan điều tra để xác minh, nếu không liên quan thì sẽ trả lại tiền. Bà Vinh đã rút 200 triệu đồng để chuyển vào tài khoản của đối tượng cung cấp.

Số tiền này được bị cáo Ngọc đi rút, đổi sang tiền Trung Quốc, chuyển đến Móng Cái, Quảng Ninh để đối tượng người Trung Quốc chuyển cho A Béo.

Trả giá đắt

Tổng số tiền mà Hiếu và Ngọc giúp các đối tượng chiếm đoạt của bị hại là hơn 500 triệu đồng. Ngọc được trả công 19,5 triệu đồng. Hiếu được trả công 15,5 triệu đồng.  

Đứng trước tòa ngày 19-5, bị cáo Ngọc khóc và cho rằng không biết A Béo lại là người lừa đảo. “Bị cáo cứ nghĩ A Béo cần thẻ để giao dịch làm ăn với bạn hàng. Nếu biết A Béo dùng thẻ để lừa đảo thì không bao giờ bị cáo làm theo để hưởng một số tiền nhỏ mà lại phải chịu hậu quả lớn như thế này” - bị cáo Ngọc cho biết.

Theo HĐXX, đây là vụ án điển hình về mặt trái của mạng xã hội. Vì quen biết thông qua chat, các bị cáo bị đối tượng người Trung Quốc lợi dụng để rồi đi lừa đảo chính người Việt Nam. Tiền chiếm đoạt được các bị cáo không được hưởng mà gửi cho các đối tượng này.

Tuy nhiên cho đến nay, danh tính các đối tượng người Trung Quốc đều không xác định được do các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi, chuyển tiền qua nhiều khâu, rút tiền mặt chiếm đoạt được rồi đổi sang tiền Trung Quốc và gửi tiền bằng đường bộ để xóa dấu vết.

TÂM LỤA
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        403,192       199