TTO - Theo các luật sư, kiểm sát viên thì vi phạm của chủ quán Nguyễn Văn Tấn chỉ là vi phạm hành chính, việc xử lý hình sự là không đủ căn cứ.
Ông nguyễn Văn Tấn và quán cà phê Xin Chào - Ảnh: Gia Minh |
Xung quanh việc Viện KSND huyện Bình Chánh TP.HCM truy tố ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cà phê Xin Chào về tội kinh doanh trái phép đang gây chú ý của dư luận, Tuổi Trẻ trao đổi với các luật sư, kiểm sát viên xung quanh việc căn cứ xử lý với chủ quán cà phê này.
Chỉ là vi phạm hành chính
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Bùi Quang Nghiêm - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng qua những thông tin về vụ việc, cho thấy không đủ căn cứ để xử lý hình sự, truy tố tội kinh doanh trái phép đối với ông Nguyễn Văn Tấn, cần phải được xem xét lại.
Theo luật sư Nghiêm, cái sai của ông Tấn chỉ đơn thuần là cái sai phạm thuần túy về hành chính trong quá trình kinh doanh quán cà phê.
Ông Tấn mở quán (một dạng quán ăn gia đình đơn giản), có làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (được hẹn trả kết quả ngày 19-8-2015) và có khai trương trước ngày được cấp phép (ngày 13-8-2015).
Điều không bình thường là chỉ trong thời gian ngắn sau khi khai trương, công an huyện Bình Chánh xuất hiện kiểm tra “mật độ dày” và lập biên bản vi phạm hành chính quán nhiều lần. Sau đó khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về hành vi kinh doanh trái phép.
"Ngay trong trường hợp khi khách đến ăn uống mà có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm và báo cho cơ quan chức năng liên quan, cơ quan chức năng chứng minh được ngộ độc do đồ ăn thức uống của quán ông Tấn thì cũng chỉ xử lý hành chính chứ đừng nói đến vụ việc cụ thể của ông Tấn.
Với vi phạm chỉ cần xử lý hành chính mà công an và Viện KSND huyện Bình Chánh thống nhất khởi tố, truy tố hình sự ông Tấn là điều khó hiểu, khó tránh khỏi người dân suy nghĩ đến biểu hiện của một kiểu lạm quyền, lợi ích nhóm gì đó phía sau", luật sư Nghiêm nói.
Thêm vào đó, theo luật sư Nghiêm, cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh ghép những lỗi thuộc về không an toàn vệ sinh thực phẩm để làm cơ sở (cho rằng vi phạm nhiều lần) để xử lý hình sự là không đúng.
Bởi ông Tấn có vi phạm thì lỗi hoạt động kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các lỗi về an toàn vệ sinh thực phẩm là khác nhau.
"Làm khó" người kinh doanh
Theo kiểm sát viên Nguyễn Văn Chung - Viện trưởng Viện KSND quận 8, TP.HCM, nguyên tắc xử lý hình sự là để đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.
Đối với tội kinh doanh trái phép, trường hợp nếu chủ quán cà phê đã bị xử phạt mà còn cố tình vi phạm, tiếp tục kinh doanh không phép nhằm thu lợi bất chính thì có thể bị xử nghiêm.
Tuy nhiên, trường hợp này chủ quán đã hoàn tất thủ tục xin cấp phép kinh doanh, chỉ vì một số thủ tục khác còn lấn cấn, chưa thực hiện được thì việc có khởi tố hình sự hay không phải xét đến nhiều yếu tố khác.
Chủ quán Xin Chào mới khai trương mới hơn 1 tháng đã cơ quan chức năng liên tục kiểm tra tới hai lần. Có thể thấy nếu quán kinh doanh tốt thì lợi nhuận trong vòng hơn 1 tháng cũng không lớn, chưa kể trường hợp quán mới khai trương thì thường vắng khách.
Trong điều kiện hiện nay, nhà nước đang xây dựng nhiều chính sách để tạo thuận lợi cho người dân kinh doanh, đó cũng là điều kiện để giúp tăng nguồn thu thuế cho nhà nước cho nên việc xử lý hình sự chủ quán cà phê kinh doanh trái phép trong trường hợp này là không hợp tình.
Đáng lẽ phải hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh đúng pháp luật thì với việc xử lý hình sự chủ quán cà phê Xin Chào này, có điều gì đó như kiểu muốn "làm khó" cho người kinh doanh.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, do nôn nóng muốn khai trương quán cà phê Xin Chào (đối diện trụ sở mới của Công an H.Bình Chánh, thị trấn Tân Túc, H.Bình Chánh), trong lúc chờ cấp giấy phép kinh doanh (giấy hẹn ngày 19-8-2015), ngày 8-8-2015 ông Nguyễn Văn Tấn đã khai trương quán.
Ngày 13-8-2015 ông Tấn bị kiểm tra, lập biên bản vì không có giấy chứng nhận kinh doanh.
Ngày 17-8, Công an H.Bình Chánh tiếp tục mời ông đến trụ sở làm việc, lần này công an lập biên bản với ông về 5 hành vi vi phạm hành chính, trong đó có hành vi: Hoạt động kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
Sau khi đóng phạt, ông đã hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh doanh. Đến ngày 19-9, quán của ông Tấn lại bị lập biên bản vì các lỗi sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại, gây hại, sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm.
Ngày 25-9, ông Tấn bị khởi tố về tội kinh doanh trái phép.
Truy tố không có căn cứ pháp lý Theo luật sư Trần Hải Đức - Đoàn luật sư TP.HCM, có thể cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào quyết định số 11/2006/QĐ-BYT của bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Quy chế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao” để xác định hộ ông Tấn không có giấy phép này. Tuy nhiên, văn bản này đã hết hiệu lực và được thay thế bằng thông tư 26/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm... thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế (có hiệu lực từ ngày 15-1-2013). Cụ thể: khoản 2, điều 9, thông tư 26 quy định cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, không có yêu cầu bảo quản sản phẩm đặc biệt thuộc diện không phải cấp giấy chứng nhận. Qua các văn bản pháp luật hiện hành, có thể khẳng định hộ ông Tấn kinh doanh không cần có giấy phép riêng. Việc truy tố ông Tấn do đó không có căn cứ pháp lý, có dấu hiệu oan, sai. |