Xã hội

Khi điểm học và điểm thi cách nhau trời vực

PN - Bao lâu nay, điểm học (kết quả học tập ghi trong học bạ) và điểm thi cách nhau trời vực, đó là một thực trạng của nền giáo dục Việt Nam. Nhất là hai năm vừa qua, khi xét điểm học bạ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thì điểm học bạ lại tăng đột biến.

Sau kỳ thi THPT quốc gia năm nay, sự chênh lệch điểm số học bạ và 8 môn thi lại càng cho thấy rõ sự cách nhau trời vực này.

Nếu chúng ta nhìn vào điểm học bạ của các thí sinh trong cả nước, chắc hẳn rằng điểm trung bình môn của lớp 12 năm học 2014 - 2015 dưới 6,0 là hiếm hoi.

Tại sao lại hiếm hoi? Đơn giản, tất cả đều do bệnh thành tích. Giá như điểm số ấy là năng lực thực sự trong quá trình học tập của thí sinh thì nền giáo dục Việt Nam đang trên đà đi lên, đáng tự hào. Song, điều đó hoàn toàn ngược lại (tất nhiên, cũng có nhiều trường điểm thật).

Đa phần các thí sinh trong cả nước có điểm trung bình từ 6,0 trở lên, nhưng điểm thi lại cứ 1, 2, 3 đều bước. Đó là một sự vô lí vô cùng. Cái vô lí ấy tồn tại bấy lâu nay, không những không giảm bớt mà ngày càng tăng lên.

Chúng ta thừa nhận rằng, điểm thi sẽ thấp hơn điểm học, đó là lẽ đương nhiên.

Thứ nhất, trong quá trình học tập, học sinh được làm nhiều bài kiểm tra, điều đó đồng nghĩa mỗi môn học có nhiều cột điểm; học sinh có sự cố gắng thì thầy cô sẽ tạo điều kiện thay đổi những cột điểm thấp.

Thứ hai, nội dung kiểm tra sẽ được giới hạn và được giáo viên bộ môn hướng dẫn.

Thứ ba, trong quá trình làm bài kiểm tra, học sinh có thể quay cóp, sử dụng tài liệu.

Còn điểm thi thấp là do thi một lần, nội dung kiến thức rộng hơn, mức độ khó hơn; trong quá trình thi, thí sinh phải tự lực cánh sinh.

Đó là 3 lí do chính để điểm học bạ cao hơn điểm thi - điều dễ dàng nhận biết.

Thế nhưng, điểm học và điểm thi chênh lệch quá lớn là một vấn đề cần giải quyết đối với nền giáo dục của nước ta. Chẳng hạn, một thí sinh có điểm trung bình môn sử là 6,5 nhưng điểm thi chỉ đạt 3,5 là điều bất thường (ngoại trừ những trường hợp đặc biệt); điểm trung bình môn văn 5,0 mà thi chỉ đạt 2,0 là không thể chấp nhận được. Đó là chưa kể, có những thí sinh điểm trung bình cao mà điểm thi dưới 1,0.

Thông qua phổ điểm công bố kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, chúng ta sẽ nhận thấy “sự chênh lệch biển trời” này. Chẳng hạn, lấy mốc điểm từ 0 đến 2,5 cho thấy điểm cực thấp có số lượng quá lớn (môn văn có gần 10.000 thí sinh; môn sử có trên 6.000 thí sinh; môn địa có trên 2.500 thí sinh… trong đó rất nhiều thí sinh bị điểm liệt; môn toán cũng như các môn thi trắc nghiệm điểm dưới 2,5 cũng khá nhiều).

Đây là đề thi 2 trong 1. Nếu lấy điểm thi này mà không lấy điểm học bạ xét tốt nghiệp thì tỉ lệ đậu tốt nghiệp sẽ thấp hơn nhiều so với con số 91,58%.

Sự chênh lệch điểm học và điểm thi trời vực này là một bài toán cần giải ngay. Việc giải ra kết quả là rất dễ. Vấn đề ở chỗ, Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT, phòng GD và các trường có thực hiện hay không.

Bỏ xét điểm học bạ (việc xét điểm học bạ mà Bộ GD-ĐT áp dụng vào điểm thi là đúng, nhưng vì bệnh thành tích mà “cấp dưới” đã tạo nên “làn sóng” thành tích bằng cách nâng điểm), đừng chạy theo bệnh thành tích thì sự chênh lệch giữa điểm học và điểm thi sẽ được rút ngắn, với khoảng cách hợp lí hơn.

Không chạy theo bệnh thành tích thì nền giáo dục Việt Nam mới phát triển theo chiều hướng tích cực, thế hệ trẻ Việt Nam không chỉ giỏi chuyên môn mà còn là những công dân thực sự hữu ích cho đất nước.

THÁI HOÀNG (giáo viên, quận Tân Bình, TP.HCM)

www.phunuonline.com.vn

điểm thi, điểm học bạ, xét học bạ, thi THPT quốc gia, thi tốt nghiệp THPT


      © 2021 FAP
        748,574       71