Xã hội

Xơ Rơ chưa hết… xơ rơ

PN - Con nít đâu mà đông, xúm quanh cối gạo nhà anh Hồ Văn Hương. Chủ nhà nồng nặc mùi rượu. Hai bé gái cởi trần hì hục ôm chày.

Phụ nữ, trẻ con xúm quanh dưới nhà sàn. “Mới sinh à?”. Hồ Thị Viết quay mặt chỗ khác, cười: “Được bốn tháng tuổi rồi”. Thằng nhỏ òa khóc trên vai mẹ. Viết 24 tuổi, có ba đứa con. “Có sinh nữa không?”. "Không biết”. Tiếng người phụ nữ nào đó trong nhà sàn vọng ra: “Đẻ thì sao nói trước được”. “Nhà anh mấy con?”. “Bảy đứa” - ông Hồ Văn Trình trưởng thôn 8, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam cười. “Cán bộ dân số có lên đây không?”. “Lâu lâu mới lên, nhưng chẳng được chi”.

Lúc về, tôi gọi điện thoại cho bà Giám đốc Trung tâm Dân số-kế hoạch hóa gia đình huyện Bắc Trà My. Qua điện thoại, bà này nói gắt: “Tất nhiên là khó khăn trong vận động, nhưng anh hỏi làm chi? Cái này không nói qua điện thoại được”. Rẻo đất hình chiếc nón bé xíu mà chứa đến 116 hộ, nằm ngay đỉnh núi có tên là nóc Xơ Rơ. Trong vốn từ của người Ca Dong ở cạnh sông Tranh của Quảng Nam thuở mô tê ấy, làm chi có từ Xơ Rơ. Nghe thật lạ.

Có người dọa tôi là phải mất một ngày đấy, từ đường lộ của xã bắt đầu lội dốc, và phải đi bộ vì mưa vừa rồi hư nát hết. Ông Trình nhăn mặt: “Thời tiết ngày càng lạ. Năm ngoái cữ này là phải đi bộ mất cả tiếng vì mưa, nay thì nắng gắt. Mà nếu không có đường thì mất cả buổi leo dốc”. Đường có từ năm 2011 do bộ đội mở, tuy mới được sửa lại, nhưng mưa làm sạt hết. Tôi, lúc quay về thầm nghĩ, dốc dựng đứng kiểu này, trượt chân ngã, kêu ai bây giờ. “Còn động đất không?”. “Mới đêm qua, chừng bảy giờ tối, nhưng nhẹ. Quen rồi”. Ông Trình cười, răng trắng lóa dưới giàn bếp đen kịt.

Bà con đang sống nhờ mùa đót

Nóc Xơ Rơ nằm trên núi ông Điếc. Người Ca Dong kể rằng lúc lập làng, ông trưởng làng tên là Xơ, đi chọn đất, leo lên đến đây thì mệt đến điếc cả tai, người xơ rơ xác rác, nên đặt tên núi ông Điếc, nóc Xơ Rơ. Biệt lập. “Mấy đời không có đường. Muốn về xã phải đi bộ. Giờ có đường nhưng đi bộ không nổi, mất ba tiếng mới đến xã”. “Ăn Tết ra sao?”. “Không ăn theo cổ truyền, chỉ nhậu vui thôi, bà con ăn Tết lúa mới hồi đầu tháng một rồi”. “Đói không?”. “Còn lúa nhưng tùy thời tiết… Một năm trời thuận chừng vài tháng đủ ăn thôi”.

Đang mùa đót. Chị Hồ Thị Sành đẫm mồ hôi vác bó đót oằn lưng đi ngang qua cầu thang nhà ông Trình. “Bứt cả ngày đó, kiếm vài trăm ngàn, hết tháng Ba thì thôi” - chị trả lời trong hơi thở gấp gãy. Một ký đót 17.000đ. Thương lái đánh xe đậu ở đầu dốc, ai muốn bán thì xuống đó.

“Ở rừng thì theo rừng thôi, làm quế, rẫy, mây đót chứ biết làm chi”. Giọng ông Trình ám khói, tan trong tiếng chày giã gạo thình thình. “Bao nhiêu hộ nghèo?”. “74”. “Mấy hộ còn lại làm chi mà thoát nghèo hả anh?”. “Đó là hộ chính sách”. “Sinh đẻ có ra trạm xá không?”. “Khó quá mới đưa đi, còn đẻ tại nhà hết. Từ đây đi đến trạm xá mất ba tiếng, coi chừng đẻ rớt dọc đường, như vợ tôi đấy, bình thường mà, đẻ xong xông bằng sáp ong, qua 10 ngày là nhai cơm cho con ăn chứ không ăn cháo. Tự đẻ thôi, đàn ông mình biết gì, cũng không có bà mụ đâu”.

Một đứa trẻ chắc mỏi tay quá, bỏ chày, thay vào đó một bé gái đã lớn. “Không có điện, đường đi thì vất vả, nên khổ lắm” - anh Hồ Văn Hương thở ra.

Nằm sát sông Tranh, hứng chịu bao phen động đất, dân thôn khác khổ một thì đây khổ mười, bởi địa thế hiểm trở quá. Thủy lợi thiếu, không phân bón, điện thì dựa vào nước suối lúc được lúc mất, nước uống thì có một bể nhưng chương trình 135 làm ống không tốt, cứ bể miết.

Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch xã Trà Bui bộc bạch nỗi khổ của bà con và chính quyền: Quá chật. Nhà miền núi chi mà đụng mái đụng vách. Xã tính đưa bớt dân đi nơi khác nhưng không có kinh phí di dời. Xơ Rơ là nóc khổ nhất Trà Bui. “Bà con mong có điện, đường phải làm lại, chứ không thì nóc Xơ Rơ vẫn vậy thôi” - ông Trình ao ước.

Ở ngay chân nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, mà nay vẫn chưa có điện lưới quốc gia. “Trường học thiếu, phải học ghép, con nít đông quá, ba trường tiểu học, một trường mẫu giáo, nhưng không chứa hết, xuống cấp, lại ở quá gần nhà dân, đang học thì dân vào chơi, cô trò không tập trung được, định xin thêm trường mới nhưng không biết có được không” - ông Tiến đau đáu.


Chừng nào chưa hết “xơ rơ” thì tiếng chày còn như nghẹn

Nắng gắt. Lên được đây, xe máy tôi và đồng nghiệp phải thay hai chiếc ruột vì đá dăm. “Bà con bắt đầu đốt rẫy, nhưng không mưa thì không trỉa được lúa đâu” - ông Trình lo ngại. Gạo đỏ, giã xong rồi, màu đục thâm thâm. Tôi vốc trên tay, gạo nóng ấm như mồ hôi cô bé học lớp 3 rơi bộp xuống theo tiếng chày. Học đến lớp 5 ở nóc, đứa nào siêng thì lên xã học cấp II, không thì bỏ học, lấy chồng.

Con gái ở đây lấy chồng sớm. Bao nhiêu chủ trương, chính sách, tiền bạc hàng ngàn tỷ năm này qua năm nọ nhà nước đổ về miền núi hòng thay đổi đời sống vật chất và tinh thần người dân, nhưng câu chuyện gian khó, những gương mặt chìm đi trong khổ ải, những tâm tư bị vùi đi theo áo cơm và tập tục vẫn hằn sâu trong khói bếp nhà sàn.

Thấy tôi cứ chụp hình liên tục, cô bé buông chày nhìn như muốn hỏi chụp làm chi mà nhiều vậy. Xơ Rơ chưa hết… xơ rơ, và chừng nào chưa hết thì tiếng chày còn như nghẹn. Tôi bần thần khi ai đó nói sau lưng: chụp cho vui đấy mà!

Bỗng ông Trình lên tiếng: “Có lẽ tôi là người đầu tiên ở xã này đi máy bay đấy”. Đáp lại cái nhìn nghi ngờ, là tiếng cười: “Thằng con đi bộ đội, bị đau, bệnh viện quân đội tại Đà Nẵng chuyển ra Viện Quân y 108. Lúc đi là tàu lửa, khi về mệt quá, liều mạng đi máy bay, ôi, một tiếng đồng hồ là tới Đà Nẵng nhưng tốn đống tiền. Đi tàu lửa người ta xả rác ra cửa, vậy trên máy bay thì xả đi đâu hả anh?”. Tôi không trả lời mà nghĩ đến ước mơ của hàng trăm con người đang muốn vượt ra khỏi đỉnh trời cheo leo này.

TRUNG VIỆT

www.phunuonline.com.vn

Xơ Rơ, thuỷ điện sông Tranh, đời sống người dân, vùng cao, miền núi


      © 2021 FAP
        857,293       1,231