PN – Có thể tài xế xe tải đã băng ẩu qua đường sắt, gây ra vụ tai nạn kinh hoàng. Trong chiều 11/3, nhiều xe khách, xe du lịch đã được điều động để đưa khách đến các ga lân cận, tiếp tục hành trình.
Chiều 11/3, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện GT-VT tỉnh Thừa Thiên Huế gặp anh Hồ Ngọc Hải, 32 tuổi, phụ lái tàu SE5.
Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đến thăm, động viên lái phụ Hồ Ngọc Hải.
"Đến giờ mình vẫn chưa hết bàng hoàng. Khi thấy xe ra tín hiệu bật đèn xi nhan, từ xa lái tàu đã kéo còi và hãm phanh. Lúc này, mình đang đi xuống dưới, ra phía bên ngoài cửa phải, liền nghe một tiếng va lớn, tiếng kêu kinh hoàng như tiếng bom nổ, rồi mình bất tỉnh" – anh Hải kể.
Ngoài ra, Bệnh viện Trung ương Huế ghi nhận có 3 nạn nhân trong vụ tai nạn đường sắt tại Quảng Trị điều trị, trong đó có một trường hợp đã xuất viện, riêng tài xế xe tải Nguyễn Gia Hải ở đường Phan Bội Châu, TP. Huế bị chấn thương cột sống cổ, hiện đang rất nguy kịch, đã được người nhà chuyển từ khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Trung ương Huế sang điều trị tại Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế.
Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, chiều 11/3, hơn 10 xe du lịch, xe khách đã được điều động đến các ga Mỹ Chánh, Quảng Trị chở hành khách lên các chuyến tàu khác để đi vào Nam, ra Bắc. Trong lúc đó, cần cẩu được điều động đến hiện trượng chưa cẩu được toa tàu nào ra thì bị sập chắn ngang đường sắt, một đoạn nằm tràn ra ngoài phần quốc lộ 1A. Đến 16 giờ chiều, cần cẩu vẫn chưa được đưa ra khỏi hiện trường.
Hành khách mua cơm bụi ăn để chờ tàu.
Đang chờ xe để trung chuyển từ ga thị xã Quảng Trị vào ga Mỹ Chánh, chị Lê Thị Hường (40 tuổi, quê Thanh Hóa) chưa hết bàng hoàng, kể lại: "Gia đình tôi lên tàu SE5 từ Thanh Hòa vào TP.HCM. Khi đang nằm trên giường chuẩn bị ngủ, tôi nghe tiếng “rầm”, tàu giật mạnh, rung chuyển, tôi bị hất văng từ trên giường xuống dưới. Rất may, toa của tôi không bị lật nên cả 4 thành viên trong gia đình chỉ bị xây xát nhẹ. Lúc ngó ra ngoài, tôi thấy cảnh hỗn loạn, tiếng la hét, mới biết tàu vừa gặp nạn”.
Bác Lê Hữu Thành (56 tuổi, quê tỉnh Nghệ An, hành khách trên toa số 01 tàu SE5) thuật lại: sau cú tông mạnh, những người ngồi trên toa đều bị dồn về phía trước, ai cũng rất run và tinh thần hoảng loạn.
“Tôi bị rách ở trán, được đưa xuống bệnh viện tại thị xã Quảng Trị khâu 3 mũi. Rất may là không lật tàu", ông Thành kể.
Chiều 11/3, việc giải phóng hiện trường vẫn chưa hoàn tất.
Có mặt tại ga thị xã Quảng Trị, ông Trần Thanh Hà, Chi nhánh khai thác đường sắt Huế cho biết tổng số hành khách trên chiếc tàu bị nạn là 553 người, chưa kể trẻ em. Do đoạn đường giữa ga thị xã Quảng Trị và ga Mỹ Chánh đang bị trở ngại bởi hiện trường vụ tai nạn nên ngành đường sắt đang chuyển khách qua ga và tàu khác.
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực xảy ra tai nạn là đoạn đường ngang dẫn từ quốc lộ 1A lên nhà máy tinh bột sắn Quảng Trị. Tại đây có lắp tín hiệu cảnh báo tàu hỏa tự động.
Chiếc cần cẩu bị gãy vẫn nằm chắn ngang đường sắt.
Vụ va chạm đã làm đầu máy số D19E- 968 bị bung, gãy đầu đấm, đầu máy trôi về phía Nam cách vụ tai nạn 2 km; 3 toa xe giáp đầu máy bị trật bánh; trong đó có 1 toa hàng cơm và 1 toa xe chở khách bị xoay ngang, vuông góc với đường sắt, toa chở khách số 3 bị đổ nghiêng 60 độ.
Đại tá Nguyễn Văn Định, Phó giám đốc Công tỉnh Quảng Trị thông tin: Hiện cơ quan chức năng đang tiếp điều tra nguyên nhân vụ tai nạnvà chưa có kết luận. Thực tế tại hiện trường cho thấy lái xe chạy ẩu qua đường sắt, trong lúc đường sắt có cảnh báo tự động.
Xe du lịch chuyển khách ra ga Mỹ Chánh.
Trong chiều 11/3, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao 15 triệu đồng cho anh Hồ Ngọc Hải đang điều trị tại Bệnh viện GTVT Thừa Thiên - Huế.
Chính thức thông tuyến đường sắt Bắc – Nam Sau gần 24 giờ xảy ra va chạm giữa đoàn tàu hỏa SE5 và ô tô tải ở thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, lúc 21g30 tối 11/3, công tác cứu hộ, giải tỏa hiện trường đã hoàn tất, đường sắt Bắc – Nam chính thức thông tuyến. Chiếc cần cầu - vật cản cuối cùng trên đoạn đường sắt nơi xảy ra tai nạn - đã được kéo về ga Diên Sanh cách hiện trường khoảng 3km. Đáng lẽ việc thông tuyến diễn ra sớm hơn nếu không có trục trặc từ chiếc cần cẩu nặng cả trăm tấn chuyên dụng của ngành đường sắt, suốt quá trình cứu hộ đã bị đổ hai lần. Lực lượng cứu hộ phải mất nhiều thời gian mới đưa được cần cẩu ra khỏi hiện trường. |
THUẠN HÓA
tai nạn đường sắt, tàu hỏa, tông xe tải, xe lửa, trật bánh khỏi đường ray, ga Quảng Trị