Xã hội

Cho cuộc sống tươi đẹp hơn

PN - * Tôn vinh 41 tập thể và 102 cá nhân điển hình tiên tiến

Sáng 6/3, Hội LHPN TP.HCM đã tổ chức lễ kỷ niệm 1975 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 105 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và hội nghị điển hình tiên tiến, tổng kết thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2014.

Hội nghị đã tuyên dương 41 tập thể và 102 cá nhân điển hình tiên tiến. Đó là những tấm gương phụ nữ (PN) nghị lực, vượt khó, thành đạt, là những cán bộ Hội giỏi việc nước, đảm việc nhà, tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực lao động, học tập, lao động sản xuất và tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Tất Thành Cang trao bằng khen cho các cá nhân điển hình tiên tiến

LÀM CHỖ DỰA CHO NGƯỜI NGHÈO

Suốt ba năm nay, bà Đặng Thị Bích Châu, 60 tuổi, cán bộ hưu trí, đã bền bỉ với vai trò là tổ trưởng tổ tư vấn cộng đồng Chi hội PN KP.3, P.10, Q.10, âm thầm trợ giúp pháp lý cho những PN nghèo trong khu phố. Tổ tư vấn của bà Châu chỉ có ba thành viên, nhưng hễ có chuyện tranh chấp là các chị có mặt để hòa giải, dù giữa đêm hôm khuya khoắt.

Nhờ uy tín và sự mẫu mực cũng như luôn biết cập nhật kiến thức pháp luật lẫn cách thức xử lý tình huống tâm lý, nên việc gì các chị “nhúng tay” vào đều thành công. Các chị đã thuyết phục và hóa giải được rất nhiều xung đột trong khu phố, từ chuyện vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt đến chuyện em trai xách dao đòi đuổi chị gái ra khỏi nhà để tranh giành di sản…

Khi bị gọi là “người vác tù và hàng tổng”, bà Châu và các cộng sự ở tổ tư vấn cộng đồng KP.3, P.10, Q.10 đều vui vẻ: “Làm chỗ dựa cho hội viên (HV), PN nghèo là tâm niệm của tất cả chúng tôi”.

Cùng chí hướng với bà Châu, chị Trần Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN P.8, Q.3, đơn vị nhiều năm liền giữ lửa cho phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” cũng không quản ngại bất cứ chuyện gì mà PN cần.

Chị nói: “Phường chúng tôi đông dân cư, lao động nghèo, đặc biệt là PN nghèo khá nhiều, lại ít học, nên tôi luôn chú tâm đến việc đơn giản hóa, “đời thường” hóa những chủ trương chính sách, kiến thức pháp luật khi phổ biến cho chị em. Bởi vậy, phương thức tuyên truyền, sinh hoạt của chúng tôi rất phong phú về hình thức như giao lưu, hỏi đáp, tiểu phẩm... May mắn cho tôi khi bên cạnh có những đồng nghiệp, HV, PN giỏi phong trào, hăng say hoạt động, được chồng con luôn chia sẻ, hỗ trợ”.

ĐỘT PHÁ ĐỂ VƯƠN LÊN

Nếu như hơn 10 năm trước, khi bà Phạm Thị Huân - Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cùng các đồng sự phải đi gõ cửa khắp nơi để tự giới thiệu và bán từng sản phẩm trứng sạch đầu tiên, thì hôm nay sản phẩm của công ty đã có mặt ở khắp nơi, từ các nhà hàng, khách sạn cao cấp, siêu thị, cửa hàng cho đến các sạp buôn bán nhỏ.

Bà Ba Huân sinh ra trong một gia đình rất nghèo. 13 tuổi bà phải thay mẹ giữ em. 15 tuổi, bà theo mẹ xuôi ngược khắp các tỉnh miền Tây để mua bán trứng gà, trứng vịt. Được mẹ truyền nghề, lại có “duyên buôn bán”, bà Ba Huân trở thành một thương lái giỏi và xây dựng được một cơ ngơi khá ổn định.

Thế nhưng, dịch cúm gia cầm 2003 đã đẩy công ty vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Ở cái thế “đường cùng” đó, bà bàn bạc với gia đình, liều một phen để cứu lấy nghề. Cuối năm 2003, dây chuyền máy diệt khuẩn trứng sạch hiện đại nhất thế giới đã về Việt Nam và trứng gia cầm thương hiệu Ba Huân vang danh từ đó. Mọi người gọi đó là cú đột phá.

Bà Ba Huân nói: “Ừ, đánh đổi cả sản nghiệp để thử một lần, không “đột phá” thì còn là gì nữa. Mà người ta “đột phá” một lần cũng đủ mệt cả đời, nhưng trong 12 năm qua, tôi đã đột phá đến ba lần, lần nào cũng phải thế chấp, cầm cố tài sản để mà tiến bước. Có lẽ vì việc chung, vì ngành gia cầm, vì những người lao động nghèo khó của mình nên tôi mới thành công”. Sau trứng sạch, Ba Huân lần lượt có gà giống sạch, và tháng 3/2015 có thêm dây chuyền sản xuất thực phẩm gia cầm sạch.

Để trả ơn đời, trả ơn sự giúp đỡ của những người lao động nghèo khó, của lãnh đạo Thành ủy, của Hội LHPN TP, những người, những nơi đầu tiên ủng hộ ý tưởng đột phá của mình, suốt ba năm qua, bà Ba Huân đã cam kết và thực hiện bình ổn giá trứng gia cầm một cách tuyệt đối, điều mà cho tới bây giờ, vẫn là việc khó đối với nhiều doanh nghiệp cùng ngành.

Bà tâm sự: “Thành công từ kinh doanh, sản xuất, nhưng tôi không may mắn ở mái ấm gia đình. Đứa con trai lớn thông minh, khỏe mạnh lại bị tai nạn giao thông và mất. Hai cháu nhỏ không được bình thường về trí tuệ. Nỗi buồn đó của tôi chỉ vơi đi khi nhìn thấy những người dân vui mừng vì mua được cái trứng rẻ, chất lượng, hợp vệ sinh cho bữa cơm hàng ngày. Tôi tâm nguyện sẽ tiếp tục lao động, tiếp tục công việc với những dự án đang còn phía trước”.

Ông Võ Văn Thưởng - Phó bí thư Thường trực Thành ủy - bày tỏ sự vui mừng khi thay mặt lãnh đạo thành phố tham dự một hoạt động rất ý nghĩa nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Ông trân trọng gửi đến quý bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các dì, các chị các em lời chúc mừng và tình cảm tốt đẹp của lãnh đạo TP. Điểm lại những thành tựu kinh tế, văn hóa-xã hội của TP.HCM đạt được trong những năm qua, ông Thưởng khẳng định: chính Hội Phụ nữ, HV, PN các cấp, các ngành, chính các dì, các chị, các em là người góp công lớn trong việc đem lại kết quả rất tự hào của thành phố.

 NGHI ANH

www.phunuonline.com.vn

thi đua yêu nước, Hội phụ nữ, uộc sống tươi đẹp


      © 2021 FAP
        808,459       2,350