Xã hội

Bác sĩ cho thuốc đã bóc vỉ, bệnh nhân lãnh đủ

PN - Nhiều bệnh nhân nhập viện do bị biến chứng bởi tác dụng phụ của thuốc nhưng bác sĩ bệnh viện không biết họ đã bị dị ứng với hoạt chất nào của thuốc, do phòng mạch tư không kê toa, lại bán thuốc bóc hết nhãn mác.

Ảnh: Phùng Huy

Bán thuốc bóc nhãn

Sáng 7/3, chúng tôi đến phòng mạch bác sĩ (BS) N.V. - chuyên khoa nội tổng quát - trên đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM để khám chứng mệt mỏi, ăn uống khó tiêu, ợ chua và nóng ran ở ngực sau khi ăn. Nghe “con bệnh” than thở, BS V. đo huyết áp, lấy tai nghe khám bụng và dùng tay chèn vào bụng bệnh nhân (BN).

BS này hỏi tới tấp: “Em làm nghề gì?... Ai giới thiệu tới?... Ăn, ngủ có được không?” rồi khẳng định tôi bị trào ngược dạ dày và huyết áp cực thấp, chỉ có truyền nước, tiêm thuốc, chứ uống thuốc không hết bệnh. Sau nhiều lần nài nỉ để được uống thuốc vì sợ tiêm chích, tôi được BS V. đưa bốn liều thuốc, mỗi liều gồm: một gói gel nhôm phosphat 20%, Omeprazol 20mg và hai loại thuốc dạng viên nhộng còn lại không có tên thuốc. Một viên nhộng màu xanh - vàng thì chỉ có tên hãng dược, còn viên màu cam - đen thì không có bất cứ thông tin nào. Với bốn liều này, BS V. lấy 90.000đ nhưng không đưa toa thuốc và hẹn hai hôm sau quay lại tái khám. Sợ BN lo lắng, BS này trấn an: “Yên tâm. Tôi đã gặp và xử lý hàng ngàn trường hợp giống như vậy rồi”.

Trước đó, vào chiều tối 5/3, tôi đưa con trai năm tuổi đi khám “chùm bệnh” - sốt ho, nhẹ cân, chảy máu mũi tại phòng mạch BS V.M. trên đường Quang Trung, Q.Gò Vấp. Vừa nhìn thấy thằng bé, BS khẳng định: “Cháu bị thiếu máu là cái chắc! Phải đi xét nghiệm máu thôi”. Để khẳng định lời chẩn đoán của mình, BS M. bảo tôi và bé đưa tay ra so sánh rồi nói: “Chị thấy chưa? Tay chị hồng hào thì không thiếu máu; còn thằng bé này, tôi chưa thấy ai trắng như nó. Thôi tùy chị, nếu hôm nay bận không đi xét nghiệm máu được thì để cuối tuần. Nhưng tôi cảnh báo trước rồi nghen”.

Ngồi kế bên, cô y tá đang phân chia và bẻ những viên thuốc bị bóc vỏ để vào từng cái chén nhỏ được dán chữ: sáng, trưa, chiều, tối. BS M. đưa cho cô y tá một mảnh giấy nhỏ có viết tên thuốc để bốc thuốc gồm: Dexchlorpheniramine maleate 2mg, Carbazochrome dihydrate 10mg và thuốc bổ với thành phần chủ lực là calci gluconat và các loại vitamin; với chi phí gần 200.000đ.

Nghe tôi thắc mắc sao không có toa thuốc thì cô y tá gằn giọng: “Đợi chút có liền!”. Rời phòng khám, thấy nhiều phụ huynh dẫn con đến khám vẫn không có toa, hỏi ra thì người nhà của các bệnh nhi đều cho biết: “Nếu khám lần đầu thì có toa, còn những lần sau thì không”.

Rời phòng khám của BS M., chúng tôi đến tiếp phòng khám của BS H.T. (đường Thống Nhất, Q.Gò Vấp). Vẫn với triệu chứng sốt ho, nhẹ cân, chảy máu mũi nhưng BS T. lại chẩn đoán hoàn toàn khác BS M. Sau khi kiểm tra mắt và lòng bàn tay, BS T. khẳng định: “Cháu không thiếu máu, da dẻ hồng hào”. Còn với triệu chứng ho, BS T. chỉ hỏi qua loa: “Bé ho lâu chưa? Ho nhiều không? Được rồi, tôi sẽ cho uống hai liều là khỏi ngay”, rồi vội bán thuốc.

Tôi thắc mắc sao không khám họng cho bé, BS T. lý giải: “Thằng bé không chịu há miệng, cứ ngọ nguậy, dỗ không được”. Nói đoạn, BS cho thuốc vào từng bao ni lông nhỏ rồi dặn uống trong ba ngày, với giá 120.000đ. Thuốc cũng không có toa, mở bịch thuốc, chúng tôi chỉ thấy có mỗi thuốc Cefuroxime 250mg là có bao bì, ba loại thuốc còn lại không có thông tin hoạt chất hay nhà sản xuất; trong đó có một viên nhộng trắng-xanh, một viên màu xanh hình tam giác và nửa viên thuốc màu trắng-vàng.

Bé B. lúc mới nhập viện trong tình trạng bị nhiều biến chứng do tác dụng phụ của thuốc không rõ loại

Bệnh viện “than trời”

Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 TP.HCM vừa điều trị cho bé trai T.Q.B. (bảy tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) bị biến chứng nặng do tác dụng phụ của thuốc gây ra. Đứng bên cạnh con trai, ba mẹ bé B. sốt ruột cho biết: bé B. bị sốt, viêm họng và đến khám phòng mạch BS D.H. trên đường Cây Trâm, Q.Gò Vấp, được cho nhiều loại thuốc không rõ thuốc gì, vì thuốc đã bóc khỏi vỉ, cũng không kèm toa.

Sau bốn ngày uống thuốc, bệnh nhi bắt đầu xuất hiện những nốt hồng trên da, loét nhiều ở mũi, hậu môn, bộ phận sinh dục và mắt bị đỏ. Sau đó, bé B. sốt cao liên tục, tay chân đau, lừ đừ, mệt mỏi. Bệnh nhi được chẩn đoán tổn thương da và viêm trực tràng, tiết niệu do dị ứng thuốc không rõ loại. Song song với việc điều trị biểu hiện của bệnh, các BS yêu cầu gia đình bé B. phải quay lại phòng mạch của BS đã bán thuốc xin bằng được toa thuốc đã kê. Dựa vào toa thuốc đó, BS của BV mới có thể dự đoán BN đã bị dị ứng với loại thuốc nào để điều trị.

Tương tự, các BS khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, BV từng tiếp nhận rất nhiều trẻ nhập viện khẩn cấp do tác dụng phụ của thuốc gây ra. Trong đó, nhiều nhất là trẻ bị dị ứng, nổi mề đay, sốc phản vệ do các loại thuốc kháng sinh. Nhiều trẻ uống thuốc đã bị bóc hết vỏ nên BV không biết chính xác trẻ đã bị ngộ độc với hoạt chất nào.

Do đó, các BS khuyến cáo các bậc cha mẹ: khi cho trẻ uống thuốc, nếu có bất kỳ bất thường nào thì phải dừng ngay, vì nếu khi tổn thương da lan rộng sẽ ảnh hưởng đến nội tạng, nhiễm trùng và suy đa cơ quan. Một BS điều trị ở BV Nhi Đồng 2 băn khoăn: “Hiện nay, một số BS phòng mạch thường bóc hết vỉ thuốc để giấu bí kíp nghề nghiệp, cũng có thể lo ngại đồng nghiệp nhìn vào toa thuốc biết tay nghề “chuẩn” hay còn phải “chỉnh”, hoặc muốn giữ chân BN hoặc che giấu lợi nhuận từ nguồn thuốc có giá gốc quá rẻ”.

Việc một số phòng mạch bán thuốc bóc hết vỉ không chỉ khiến các BV điều trị lo lắng mà chính người bệnh cũng hoang mang nhưng bất lực. Chia sẻ trên mạng xã hội, BN X.L. than phiền: “Mình đi trị mụn ở một BS rất có tiếng, nhưng cho thuốc lại bóc hết vỏ, nên khi hết thuốc phải đi tái khám. Ngặt nỗi BS đó ở tận Sài Gòn. Mỗi lần tái khám chỉ bán thuốc cũ, chứ có khám gì đâu. Mình thì ở tận Sóc Trăng, tuần nào cũng đi lấy thuốc thì lười quá, phải chi tầm một tháng đi một lần còn được. Mình chụp sáu viên thuốc này là những viên thuốc BS cho, nếu ai biết tên thuốc thì chỉ giùm để ra tiệm thuốc Tây mua cho lẹ”.

Với lời chia sẻ này, “chủ nhân” đã nhận được 18 lượt chia sẻ. Bên cạnh những nickname than “bó tay” thì một số nickname đoán được tên của một - hai loại thuốc trong số sáu loại thuốc. Tuy nhiên, giữa các nickname này lại đoán khác nhau về tên của một loại thuốc.

Thuốc được bóc vỏ, chia vào từ chén để bán cho bệnh nhân

Kê toa thể hiện đạo đức bác sĩ

Dược sĩ Trần Quang Thinh, BV Bưu Điện TP.HCM chia sẻ: BS khám bệnh ở phòng mạch phải kê đơn. Thuốc phải có nhãn mác, ít nhất có nhãn phụ, hạn dùng về mặt cảm quan, chứ không lột hết vỉ thuốc ra. Điều này thể hiện lương tâm người hành nghề. Với những thuốc bán lẻ, cần vô bao bì đóng kín, có nhãn phụ được in ra, hàm lượng, ngày uống bao nhiêu liều.

BS Bạch Văn Cam, Cố vấn khối Hồi sức cấp cứu, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM khuyến cáo: bên cạnh việc điều trị hiệu quả thì tất cả các thuốc đều có tác dụng phụ, kể cả thuốc bổ. Ví dụ, uống quá nhiều vitamin D cũng gây co giật. Phản ứng phụ xảy ra nhiều hay ít còn phụ thuộc vào từng loại thuốc, thời gian, liều lượng. Đặc biệt, việc uống nhiều loại thuốc phối hợp cùng lúc, khả năng tương tác của các hoạt chất càng nhiều thì càng có nguy cơ gây tác dụng phụ, nhất là uống trong thời gian dài.

Hiện nay, ngành y không quy định bắt buộc uống bao nhiêu viên thuốc một lần là chuẩn, nhưng BS thường khuyến cáo nên uống một loại thuốc là tốt nhất, còn nếu cần uống nhiều thì ba-bốn loại. Hiện tượng điều trị bao vây khi người bệnh được kê hai-ba loại kháng sinh… sẽ tạo nguy cơ cho tác dụng phụ và lờn thuốc. Với những BN nhập viện do uống thuốc bị bóc hết vỏ, nếu sử dụng ít thuốc thì có thể biết hoạt chất gây ra, nhưng nếu uống từ 7 - 8 loại thì khó có thể biết được, lúc đó BS chỉ điều trị theo triệu chứng.

Do đó, việc sử dụng thuốc luôn cân nhắc đến lợi ích và nguy cơ xảy ra phản ứng phụ. Người bệnh chỉ được uống thuốc khi thật sự cần thiết. Đơn cử, việc người bệnh sốt nhẹ chưa đến 38,50C đã cho uống thuốc hạ sốt là không đúng. Y khoa đã chứng minh, sốt từ 38,50C trở lên mới gây hại, còn sốt 380C chứng tỏ cơ thể đang kìm hãm được sự phát triển của siêu vi.

Do đó, khi uống paracetamol vào thì thân nhiệt giảm, tạo điều kiện cho vi khuẩn “nhảy múa”, sẽ khiến cơ thể sốt cao sau đó. Chưa kể, uống paracetamol kéo dài còn hại gan. Mặt khác, nếu phản ứng phụ xảy ra thì nguy hiểm nhất là sốc phản vệ. Đã có rất nhiều trẻ bị sốc phản vệ với nhóm thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm không có hoạt chất steroid, thuốc giảm đau… Đặc biệt, trên những BN có bệnh nền mạn tính hay BN dễ dị ứng với một số loại thuốc, thực phẩm thì cũng cần báo cho BS biết để tránh các thuốc gây nguy hại.

Với nhiều trường hợp BS cho BN dùng thuốc đã bóc hết vỉ như nêu trên, rõ ràng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

TRƯỜNG SA - QUỲNH MAI

www.phunuonline.com.vn

Bác sĩ, phòng mạch tư, thuốc đã bóc vỉ, bệnh nhân lãnh đủ, dị ứng thuốc, biến chứng


      © 2021 FAP
        857,875       829