PN - Sau nhiều tháng chờ đợi, ngày 26/2, quy chế thi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ cũng đã được Bộ GD-ĐT chính thức ban hành với nhiều nội dung gây băn khoăn.
HAI CỤM THI ĐỂ LÀM GÌ?
Sau gần 10 năm thai nghén, cuối cùng, kỳ thi THPT kết hợp tuyển sinh ĐH-CĐ đã được triển khai trong năm 2015. Thế nhưng, Bộ GD-ĐT vẫn chưa thể đưa ra những thông tin quan trọng về các cụm thi cũng như đề thi có cấu trúc ra sao. Về phương án thi, có hai loại cụm thi: một dành cho những thí sinh (TS) dự thi để xét tốt nghiệp kết hợp xét tuyển ĐH, một dành cho những TS chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp.
Thế nhưng, sự phân chia hai loại đối tượng TS ở hai loại cụm thi lại không có ý nghĩa về mục đích, vì nội dung đề ra là giống nhau, việc sử dụng kết quả cũng không khác nhau. Những TS dự thi ở loại cụm thi thứ hai (thi để xét tốt nghiệp) vẫn được quyền tham gia xét tuyển vào ĐH-CĐ ở những trường thực hiện phương án tuyển sinh riêng. “Cánh cửa” này vô cùng rộng mở, bởi có đến 143 trường ĐH, CĐ đăng ký tuyển sinh theo hai phương thức: hoặc xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia, hoặc xét kết quả học tập ở bậc phổ thông với điểm đầu vào (điểm trung bình chung ba năm THPT) là 6 điểm đối với ĐH và 5,5 đối với CĐ.
Sự khác biệt, nếu có, chỉ là ở cách thức tổ chức thi. Cụ thể, loại cụm thi thứ nhất sẽ được tổ chức chung cho từ hai tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trở lên, do trường ĐH chủ trì và phối hợp với sở GD-ĐT tại chỗ thực hiện. Loại cụm thi thứ hai sẽ tổ chức tại các trường hoặc liên trường ngay tại các địa phương, do sở GD-ĐT địa phương chủ trì và phối hợp với trường ĐH thực hiện. Cốt lõi của kỳ thi là ở sự nghiêm túc, khách quan và công bằng, cho nên dù là trường ĐH hay sở GD-ĐT sở tại chủ trì (và phối hợp thực hiện) thì kỳ thi vẫn phải được thực hiện nghiêm túc.
Bởi thế, “việc phân chia hai loại cụm thi là không có ý nghĩa thực tế và chính nó đang khiến Bộ GD-ĐT thêm rối. Những thông tin cụ thể về cụm thi đến nay vẫn chưa biết như thế nào” - hiệu phó một trường ĐH tại TP.HCM nhận định. Một PGS-TS giảng dạy tại ĐH Sư phạm TP.HCM phân tích: “Không nên có hai loại TS, bởi đằng nào thì các em cũng đỗ tốt nghiệp (vì tỷ lệ bị loại là không đáng kể) và đằng nào thì các em cũng được xét vào ĐH, không trường này thì trường khác”.
Việc chia hai cụm thi khiến nhiều học sinh hoang mang - Ảnh minh họa: Phùng Huy
NHÀ TRƯỜNG, GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH HOANG MANG
Việc phân chia hai loại cụm thi nói trên khiến không ít TS hoang mang, không biết nên chọn thi theo cụm nào. Phạm Tuấn Phong - HS lớp 12 tại Q.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết: “Tụi bạn em bàn nhau đăng ký thi ở cụm địa phương cho dễ đạt điểm cao rồi lấy kết quả để xét vào các trường có phương án tuyển riêng. Riêng em có học lực chỉ đạt khá, đắn đo hoài chưa quyết được nên đăng ký thi ở cụm trung ương hay địa phương”.
Sau khi cân nhắc, Như Ái, một HS lớp 12 ở Trà Vinh dự định thi ở cụm địa phương. Nhưng mới đây, Ái lại nghe nói tỉnh nhà không tổ chức thi cụm địa phương, vì số lượng HS đăng ký rất ít, nên em đang rối trí, chưa biết phải làm sao.
Ngoài HS, các trường THPT và GV dạy lớp 12, đặc biệt là GV dạy tiếng Anh, cũng đang lo lắng khi Bộ không công bố bảng “cấu trúc đề thi”, đề thi mẫu, mà chỉ khái quát “phạm vi kiến thức thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12”. Nhiều ý kiến còn lo ngại về đề thi môn tiếng Anh có phần tự luận, vì vào đầu năm học, Bộ khẳng định môn này thi trắc nghiệm.
Cô C. - tổ trưởng bộ môn tiếng Anh một trường THPT ở TP.HCM khẳng định: “Tôi thật sự sốc trước thông tin này, bởi từ đầu năm đến nay chúng tôi dạy và ôn luyện cho HS theo hướng thi trắc nghiệm. Bây giờ có phần tự luận thì chắc chắn kết quả sẽ bị ảnh hưởng”. Cô C. cho biết thêm, khả năng tiếng Anh của phần đông HS là yếu, không toàn diện cả bốn kỹ năng, nên GV phải đối phó theo kiểu “thi như thế nào học như thế ấy”.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, sự ngỡ ngàng về đề thi ngoại ngữ có thêm phần tự luận và những đòi hỏi phải có cấu trúc đề, đề thi mẫu… còn là hậu quả của lối làm giáo dục theo kiểu “cầm tay chỉ việc” từ trên Bộ xuống tận GV và HS, là hậu quả của một nền giáo dục luôn chạy theo “thành tích”. Một GV tại Hà Nội lo lắng về đề thi môn ngoại ngữ có phần tự luận vì “nhiều HS viết một câu tiếng Anh đơn giản còn sai”. Nhưng đáng lo lắng hơn là những HS này đều làm tốt bài thi tiếng Anh trắc nghiệm.
Theo tiến sĩ Nguyễn Kim Quang - Hiệu phó Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, việc thừa kế kỳ thi năm ngoái và bổ sung phần viết luận vào đề thi môn ngoại ngữ là không có gì bất ngờ vì việc dạy môn ngoại ngữ trong trường phổ thông cũng luôn đòi hỏi cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. “Nếu việc dạy học là thực chất, HS có kỹ năng tốt thì chẳng ngại, dù đề ra với bất cứ hình thức nào” - ông Quang khẳng định.
Như vậy, dễ thấy sự lúng túng của Bộ khi chưa có một phương án khả dĩ nhất để kỳ thi thực sự nghiêm túc, khách quan và công bằng. Có nhiều lý do, nhưng lúng túng của phía nhà trường, GV và HS, một phần là do cách thức dạy học quá lệch lạc, luôn chạy theo thi cử, không coi trọng việc chiếm lĩnh và làm chủ kiến thức của HS.
Mặt khác, về cấu trúc đề thi, một số chuyên gia cho rằng, nếu đề thi cứ theo một khuôn mẫu cứng nhắc thì sẽ không có sự sáng tạo trong việc ra đề thi và làm bài ở TS. Theo ThS Nguyễn Ngọc Trung - Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, “điều quan trọng vẫn là ở việc đổi mới cách ra đề và nội dung câu hỏi”.
MINH NHẬT
kỳ thi THPT, kỳ thi quốc gia, tuyển sinh ĐH, lúng túng, cập rập, cụm thi